Chỉ cần loại bỏ những thói quen chi tiêu này, chắc chắn bạn sẽ nhanh chóng trả hết nợ
Nếu bạn muốn trả nợ nhanh nhất có thể, hãy bỏ ngay 3 thói quen chi tiêu “độc hại” và những quan điểm sai lầm về nợ nần sau đây.
Nội dung bài viết dựa theo bài báo của Jen Hayes - một blogger chuyên nghiệp người Mỹ về nhân sự - tài chính. Jen và chồng đã trả hết khoản nợ vay sinh viên trị giá 117.000 đô la Mỹ (gần 2,7 tỷ đồng) trong vòng 3 năm.
Nợ nần chắc chắn là điều không ai mong muốn. Chẳng may vì một lý do gì đó phải gánh nợ, hẳn ai cũng hy vọng có thể thoát khỏi nó càng sớm càng tốt.
Nếu bạn muốn trả nợ nhanh nhất có thể, hãy bỏ ngay 3 thói quen chi tiêu “độc hại” và những quan điểm sai lầm về nợ nần sau đây:
3 thói quen chi tiêu “độc hại” khiến bạn nợ nần chồng chất
1. Dùng thẻ tín dụng cho những trường hợp khẩn cấp thay vì quỹ dự phòng
Bạn cần một quỹ dự phòng khẩn cấp để chi tiêu cho những nhu cầu bất chợt phát sinh ngoài kế hoạch. Thẻ tín dụng có thể cung cấp cho bạn tiền dùng trong trong trường hợp cấp bách, thế nhưng bạn phải ý thức thật rõ ràng rằng đó là một khoản vay.
Quỹ khẩn cấp sẽ không tính lãi và những khoản phí vô lý, thẻ tín dụng thì ngược lại. Quỹ khẩn cấp sẽ không khiến bạn phải mắc nợ, thẻ tín dụng lại rất dễ dàng dẫn bạn vào con đường nợ nần chồng chất, đã nợ càng nợ nhiều hơn.
2. Chú trọng đầu tư cho “vỏ ngoài”
Có một thói quen thường xuất hiện ở không ít người, đó là khi có một công việc mới, được tăng lương hoặc thăng chức, họ ngay lập tức bỏ tiền nâng cấp “vỏ ngoài” của mình. Họ mua quần áo mới, thậm chí là ô tô mới, nhà mới với suy nghĩ khoản đầu tư ấy là xứng đáng, khiến họ trông đẳng cấp hơn trong vai trò mới.
Thật không may là nhiều người không đủ khả năng duy trì lối sống như vậy và tất yếu là họ phải gánh thêm nợ trên lưng.
Bạn hãy tin rằng nhiều người thậm chí còn chẳng quan tâm đến những gì bạn mua đâu. Do vậy dù thu nhập có tăng lên bạn cũng không nhất thiết phải nâng cấp lối sống của bản thân. Hãy dùng khoản thu nhập tăng thêm đó trả nợ và tiết kiệm, đấy mới là cách quản lý tài chính khôn ngoan.
3. Dùng tiền để mua niềm vui trong cuộc sống
Một bộ phận không nhỏ người cảm thấy cuộc sống mà phải tiết kiệm quá mức để trả nợ thì chẳng còn niềm vui gì. Thực ra điều đó không đúng, thực tế chứng minh nhiều người vẫn cảm thấy rất thoải mái, vui vẻ khi sống tiết kiệm.
Xung quanh bạn có nhiều thú vui và tiết mục giải trí với chi phí thấp, thậm chí là miễn phí, như các lớp học yoga miễn phí, câu lạc bộ thể thao, các lễ hội… Không nướng quá nhiều tiền vào các thú vui cá nhân sẽ giúp bạn tiết kiệm được món tiền đáng kể và nhanh chóng thoát khỏi nợ nần.
Những suy nghĩ “nguy hiểm” khiến bạn đã nợ càng nợ nhiều hơn
1. Nợ thôi mà, ai chẳng có!
Suy nghĩ là cội nguồn của hành động, bạn cho rằng nợ nần là điều bình thường thì bạn sẽ không có động lực để trả hết nợ.
Muốn thoát khỏi nợ, trước tiên bạn phải coi nợ là điều cần loại bỏ trong cuộc sống của mình càng sớm càng tốt.
2. Đã nợ rồi, nợ thêm cũng chẳng sao!
Lần đầu tiên mắc một khoản nợ trong đời, chắc hẳn ai cũng cảm thấy lo lắng không yên. Nhưng khi đã quen với cảm giác mắc nợ, nhiều người có xu hướng không còn sợ hãi chuyện nợ nần nữa.
Đối với họ có mắc thêm khoản nợ khác cũng chẳng phải vấn đề gì to tát. Hoặc vừa thanh toán xong khoản nợ này, họ sẵn sàng lao ngay vào một khoản nợ mới, vậy là tình trạng nợ nần chẳng bao giờ chấm dứt.
3. Tôi muốn trả nợ nhưng không có tiền
Hãy làm việc nhiều hơn, làm bất cứ công việc gì bạn có thể để tăng thu nhập.
Bạn có thể tìm một công việc tốt hơn, yêu cầu được tăng lương, kiếm một nguồn thu phụ, bắt đầu kinh doanh riêng... Có rất nhiều cơ hội kiếm tiền ngoài kia nếu bạn sẵn sàng tìm kiếm chúng. Chỉ ngồi một chỗ và kêu than rằng không đủ tiền trả nợ, chắc chắn là bạn sẽ chẳng bao giờ hết nợ được đâu!
Theo: thefinancialdiet