Chỉ cần cha mẹ làm được 4 điều này thì không bao giờ phải "rát cổ bỏng họng" quát con: Trái lại, con ngoan ngoãn và tự giác

Thanh Hương,
Chia sẻ

Mọi bậc cha mẹ đều mong con thành công và học giỏi, nhưng chỉ khi trẻ có động lực tự thân thì điều đó mới có thể trở thành hiện thực.

* Bài viết của "Mẹ tập tạ" - một blogger nổi tiếng tại Trung Quốc, chuyên viết về chủ đề giáo dục:

Là mẹ của hai đứa trẻ, tôi hiểu rất rõ cảm giác "dù có nhắc thế nào, con vẫn không chịu nhúc nhích". Đôi khi chúng ta thực sự muốn nổi giận, nhưng những đứa trẻ thường xuyên bị thúc giục lại là những em bé đang mất dần động lực nội tại.

Nghiên cứu tâm lý học và thực tiễn giáo dục đã chỉ ra rằng: Việc cha mẹ kiểm soát quá mức sẽ làm suy giảm động lực tự thân của trẻ.

Vì vậy, nếu chúng ta mong con tự giác học hành, điều đầu tiên cần làm là ngưng kiểm soát, bởi nhắc nhở đến hàng vạn lần cũng không có tác dụng.

Theo cuốn sách “Tự thân trưởng thành” của William Stixrud và Ned Johnson: "Mọi bậc cha mẹ đều mong con thành công và học giỏi, nhưng chỉ khi trẻ có động lực tự thân thì điều đó mới có thể trở thành hiện thực".

Vậy làm thế nào để đánh thức động lực tự thân ấy? Câu trả lời nằm ở 4 bước đơn giản.

Chỉ cần cha mẹ làm được 4 điều này thì không bao giờ phải "rát cổ bỏng họng" quát con: Trái lại, con ngoan ngoãn và tự giác - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

1. Trao quyền tự chủ cho trẻ

Cuốn sách nhấn mạnh: Quyền tự chủ là nền tảng của động lực nội tại. Khi được lựa chọn và quyết định cuộc sống của mình, trẻ sẽ cảm thấy mình "có giá trị", từ đó tự giác và có trách nhiệm hơn trong học tập và cuộc sống.

Hãy để trẻ "tự quyết định" càng nhiều càng tốt. Quy trình ra quyết định sẽ giúp kích hoạt vùng vỏ não trước trán – trung tâm kiểm soát hành vi của não bộ. Càng luyện tập, vùng não này càng phát triển, giúp trẻ trở nên tự giác và có khả năng tự kỷ luật tốt hơn.

Tôi từng gặp khó khăn với con trai mình khi cháu học lớp 1 – mỗi tối là một cuộc chiến với bài tập. Con vừa khóc vừa làm, còn tôi thì thường xuyên nổi nóng.

Nhưng sau khi đọc cuốn sách này, tôi thay đổi phương pháp. Thay vì ép buộc, tôi trao quyền cho con: Chơi trước hay học trước, con tự chọn. Thậm chí nếu con không làm bài, tôi cũng không can thiệp.

Kết quả thật bất ngờ: Con vẫn hoàn thành bài tập mỗi ngày, chất lượng ổn định, và từ lớp 2 trở đi, tôi hầu như không phải nhắc nhở nữa. Kết quả học tập cũng cải thiện rõ rệt.

2. Hướng dẫn trẻ từng bước phát triển năng lực

Trước khi bắt tay vào bất kỳ việc gì, trẻ thường cảm thấy "khó khăn", điều đó rất bình thường.

Cuốn sách chỉ rõ: Sự phát triển não bộ của trẻ phụ thuộc vào cách sử dụng não, đặc biệt là khả năng tự ra quyết định và trải nghiệm cảm giác "làm được".

Năng lực thực hiện một việc gồm 4 giai đoạn, từ chưa biết gì đến làm chủ. Nếu muốn con làm tốt điều gì đó – như học toán – cha mẹ không thể làm thay, mà cần để con tự trải qua từng bước.

Trong hành trình này, vai trò của cha mẹ là người cố vấn, không phải người điều khiển. Hãy luôn đứng sau con, hỗ trợ khi cần, chứ không chen vào làm hộ. Chính sự nỗ lực của bản thân mới giúp trẻ thật sự trưởng thành.

3. Tạo môi trường yêu thương và giảm bớt áp lực

Theo tác giả, gia đình nên là "nơi trú ẩn an toàn", không phải là nguồn áp lực.

Chỉ khi trẻ cảm nhận được tình yêu vô điều kiện, các em mới dám thử, dám sai, dám học và không ngừng tiến bộ.

Cha mẹ cần kiểm soát cảm xúc của mình trước tiên. Đừng để nỗi lo và áp lực của bản thân truyền sang con. Hãy thật sự tận hưởng thời gian bên con, yêu thương không điều kiện, dù con có học giỏi hay không.

Cũng đừng quá lo sợ về sai lầm của trẻ hôm nay sẽ dẫn đến thảm họa sau này. Nhìn lại quá khứ của chính mình, ta sẽ thấy: Những điều từng sợ hãi, nhiều khi chẳng bao giờ xảy ra.

4. Khơi dậy niềm vui và sự đam mê từ bên trong

Giáo sư thần kinh học Marian Diamond từng khẳng định: Khi trẻ đắm chìm trong trò chơi yêu thích, các em sẽ quên hết lo âu, đồng thời não bộ được kích hoạt để học tập và phấn đấu – điều mà không cách dạy nào khác có thể thay thế.

Hãy để trẻ trải nghiệm "dòng chảy hạnh phúc" (flow) qua các trò chơi bổ ích: lắp lego, giải đố, thể thao, hoặc bất kỳ hoạt động nào con thích. Niềm vui từ những trải nghiệm ấy sẽ kích hoạt não bộ, tăng khả năng tập trung và học tập.

Giáo dục không phải là nhồi nhét kiến thức, mà là đánh thức một ngọn lửa trong tâm hồn.

Khi trẻ không còn bị đẩy đi, mà tự nguyện chạy về phía trước, các em sẽ tự tin sải cánh bay xa, hướng đến một cuộc đời rộng mở.

Chia sẻ