Chết người vì truyền dịch tại phòng mạch tư
Từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã có tới ba vụ truyền dịch gây chết người tại các cơ sở y tế tư nhân.
Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, trưởng phòng nghiệp vụ y, sở Y tế TP.HCM, cho biết: ngành y tế không cấm phòng mạch tư truyền dịch nhưng với điều kiện chỉ dùng cho việc cấp cứu. Tuy nhiên, một số phòng mạch đã lạm dụng việc truyền dịch cho người dân theo yêu cầu. Việc làm này sai về mặt chuyên môn, quy chế và y đức, ngành y tế tuyệt đối nghiêm cấm.
Chết vì lạm dụng truyền dịch
Theo ông Nghiệm, phòng mạch tư ngoài trang bị thuốc cấp cứu phải có dịch truyền nhưng là để cấp cứu cho người bệnh chứ không dùng dịch truyền cho người thấy mệt muốn khoẻ lên. Phòng mạch, phòng khám nội chỉ được truyền dịch khi bệnh nhân được chuyển đến với tình trạng tụt huyết áp, cấp cứu, tiêu chảy nhiều, khẩn cấp. Nếu truyền dư, có khả năng nguy hại đến sức khoẻ, làm quá tải sự hoạt động của tim mạch, có thể gây tử vong. Nếu truyền dịch với một lượng nhanh, ồ ạt có thể dẫn đến phù phổi cấp, những biến chứng do truyền dịch gây sốc phản vệ và tử vong trong quá trình truyền dịch.

Ông Nghiệm nhấn mạnh: “Tuỳ theo loại bệnh và tình trạng cấp cứu mà bác sĩ có chỉ định dùng loại dịch truyền nào cho phù hợp và đặc biệt, không phải bệnh nào cũng được phép truyền dịch”.
Cấp phép nhiều, kiểm tra không xuể
Theo BS Lê Minh Hải, trưởng phòng Dịch vụ y tế tư nhân, sở Y tế thành phố, ngoài quy định cho phép tư vấn sức khoẻ, sơ cứu và điều trị các bệnh nội khoa thông thường, không làm các thủ thuật chuyên khoa, trường hợp vượt khả năng phải chuyển đến phòng khám chuyên khoa hay tuyến trên thì việc dịch vụ y tế tư nhân có được phép truyền dịch hay không không thấy ghi rõ trong quy định của bộ Y tế. Cũng theo bác sĩ Hải, khi các phòng mạch tư đến xin cấp phép hoạt động, phòng Dịch vụ y tế tư nhân của sở chỉ duyệt hồ sơ, sau đó đến thẩm định tiêu chuẩn của cơ sở vật chất, còn hoạt động như thế nào thì… thuộc về ý thức tự giác – y đức – của bác sĩ!
Cũng theo ông Hải, lực lượng thanh tra của ngành từ thành phố đến quận/huyện, phường xã quá mỏng về lực lượng, quá yếu về chuyên môn nên việc giám sát, kiểm tra dịch vụ y tế tư nhân còn sơ sài, không thường xuyên và chưa rộng khắp. Hàng năm, dù hệ thống thanh tra y tế của TP.HCM có kiểm tra tích cực thì số cơ sở y tế tư nhân được kiểm tra vẫn không đến 50% so với số cơ sở hiện có. Thời gian kiểm tra mỗi cơ sở, theo lãnh đạo sở Y tế, cũng rất ngắn, chỉ khoảng vài giờ/năm. “Hơn 50% cơ sở y tế tư nhân còn lại hoạt động trên tinh thần tự giác là chính”, ông Hải nói.
Những ca chết vì truyền dịch Ngày 7.7, ông D.Q.K. 60 tuổi ngụ tại quận 3 tử vong sau khi truyền dịch tại một phòng mạch tư nhân. Trước đó, ông có triệu chứng khàn cổ, mỏi mệt và đến một phòng mạch tư tại quận 3 để khám bệnh và truyền dịch hồi sức. Sau khi được truyền dịch, ông K. than mệt nhiều hơn và tử vong sau đó ít phút. Trước đó hai tháng, ngày 8.5, tại huyện Hóc Môn, bệnh nhân H.T.H.G. (23 tuổi) cũng tử vong sau khi truyền dịch tại một phòng khám tư. Ngày 13.3, trong khi đang được truyền dịch tại một tiệm thuốc tây, em Đ.Q.H., học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn lên cơn co giật, tím tái, nôn mửa và tử vong sau đó dù đã được cấp cứu tại bệnh viện. Tại Bình Định, giữa tháng 4.2010, hai anh em ruột là L.V.V. (13 tuổi) và L.V.N. (15 tuổi) cùng ở xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn cũng tử vong sau khi truyền dịch (vì bị sốt) tại nhà một y tá tên Lê Thị Phương (ở cùng địa phương). |
Theo Sài Gòn Tiếp Thị