Chênh lệch 15,5 điểm, hiệu trưởng trường tuyển 3 môn 10 điểm nói: 'Không bất ngờ'

Hà Linh,
Chia sẻ

Trường THPT có điểm chuẩn tuyển sinh lớp 10 cao nhất của Hà Nội năm nay là 25,5, chênh lệch tới 15,5 điểm so với trường có điểm chuẩn thấp nhất (10 điểm), đặt ra vấn đề chất lượng giáo dục ở nội đô và vùng ven đang có quá nhiều khác biệt.

Trường “khát” học sinh

Công bố điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội năm nay cho thấy, có 2 trường tuyển mức điểm cao nhất là 25,5. Nhóm trường top đầu có mức điểm chuẩn chênh nhau từ 0,25 đến 0,5 điểm và với số lượng học sinh dự thi đông, nếu hạ 0,25 điểm chuẩn, sẽ có thêm hàng trăm em trúng tuyển. Do vậy, nhiều năm nay, Hà Nội tính toán kỹ phương án điểm chuẩn để không tuyển bổ sung.

Ở chiều ngược lại, có tới 5 trường tuyển mức 10 điểm cho 3 bài thi, tính trung bình 3,33 điểm/môn , thí sinh đã có thể trúng tuyển vào những trường này gồm: THPT Ứng Hòa B, THPT Đại Cường, THPT Lưu Hoàng, THPT Thọ Xuân, THPT Minh Quang.

Đây cũng là nhóm trường thuộc top 10 trường có điểm chuẩn đầu vào thấp nhất thành phố của năm 2024.

Một điều dễ nhận thấy, các trường có điểm chuẩn hằng năm thấp thuộc vùng ngoại thành, khu vực khó khăn của thành phố.

Năm nay, Trường THPT Lưu Hoàng được Sở GD&ĐT Hà Nội giao tuyển 495 học sinh nhưng nguyện vọng 1 chỉ có 374 em đăng ký. Trong khi đó, số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 2-3, thường được gọi là nguyện vọng dự phòng lên tới 5.000 em.

Chênh lệch 15,5 điểm, hiệu trưởng trường tuyển 3 môn 10 điểm nói: 'Không bất ngờ' - Ảnh 1.

Thí sinh dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm 2025. (ảnh: Như Ý)

Hay như trường THPT ứng hòa B được giao tuyển 540 chỉ tiêu nhưng nguyện vọng 1 chỉ có 455 em đăng ký, nguyện vọng dự phòng lên tới hơn 2.000 em.

Ngoài 5 trường tuyển sinh mỗi môn trung bình 3,33 điểm, còn có 6 trường tuyển điểm trung bình đầu vào nhỉnh hơn nhưng “không đáng là bao”. Có thể kể đến là trường: THPT Bất Bạt, Ứng Hòa A, Xuân Khanh…

Trường THPT Minh Quang (Ba Vì) hằng năm luôn có số lượng học sinh đăng ký dự tuyển tất cả các nguyện vọng lên con số hàng nghìn nhưng luôn chật vật để tuyển sinh đủ chỉ tiêu .

Năm nay, trường này có điểm trung bình môn 3,33 và năm trước cũng có mức điểm chuẩn trung bình là 3,4 điểm môn, phải tuyển đến nguyện vọng “tràn” mới đủ chỉ tiêu. Một số học sinh đăng ký nguyện vọng 2 - 3 “cho có”, chỉ ít em trúng tuyển cực phải đã nhập học vì đường đi lại quá xa.

Có em ở nội đô, cách trường khoảng trăm cây số nhưng trượt hết tất cả nguyện vọng đành khăn gói thuê trọ gần trường để nhập học.

Hiệu trưởng không bất ngờ

Thầy Hoàng Chí Sỹ, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Hoàng lý giải việc điểm chuẩn vào lớp 10 của trường ở mức thấp là do đặc thù học sinh ở vùng nông thôn, không có điều kiện học tập, học thêm ở các trung tâm như vùng nội đô. Nhiều gia đình khó khăn, bố mẹ đi lao động ở xa, việc học của con không được quan tâm, đầu tư như nhiều nơi khác. Chưa kể, những em học tốt, gia đình có điều kiện được gia đình cho theo học ở các trường trung tâm.

Thầy Sỹ cũng nói rằng: “Không bất ngờ về điểm chuẩn đầu vào thấp. Năm nay và nhiều năm trước, trường cũng có điểm tuyển sinh thấp nhất thành phố”.

Năm nay, trường có mức điểm chuẩn là 10 điểm cho 3 môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Bên cạnh đó, cũng có khoảng 70 em có mức điểm từ 20 trở lên và em có mức điểm cao nhất tuyển sinh vào trường là 26,75 điểm.

Tuyển theo nguyện vọng 1 không đủ chỉ tiêu, Trường THPT Lưu Hoàng “trông chờ” vào học sinh từ nội đô đăng ký nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 sẽ nhập học. Tuy nhiên, thực tế số học sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 nhập học chỉ khoảng 30%; nguyện vọng 3 rơi rớt còn 5-7%.

Qua nhiều năm làm công tác tuyển sinh, hiệu trưởng trường này trăn trở thực tế, số lượng học sinh đăng ký nguyện vọng 2,3 nhiều nhưng đa số là nguyện vọng ảo.

“Trường nằm trên trục đường có tuyến xe buýt đi qua. Học sinh thuộc Hà Đông, Mỹ Đình có thể thuận lợi đi học nên dù điểm chuẩn thấp hằng năm vẫn tuyển đủ chỉ tiêu. Nếu không có xe buýt, bài toán tuyển sinh đầu vào còn khó khăn hơn”, thầy Sỹ chia sẻ.

Hiệu trưởng một trường THPT khác cũng có mức điểm chuẩn 3 môn 10 điểm cho rằng, nhà trường rất thiệt thòi khi có chất lượng tuyển đầu vào thấp. Không đủ nguồn tuyển chất lượng , buộc phải lấy đủ chỉ tiêu nên sau tuyển sinh, giáo viên rất vất vả.

“Tôi giao cho giáo viên, dù đầu vào thấp, vẫn phải nỗ lực vực chất lượng học sinh để đảm bảo kết quả đầu ra đối với kỳ thi Tốt nghiệp THPT. Và nhiều năm qua, nhà trường đạt tỉ lệ 100% học sinh đỗ tốt nghiệp, nhiều em đạt mức điểm xét tuyển đại học từ 25-29 điểm, trúng tuyển vào các trường top đầu”, hiệu trưởng trường này nói.

Ông đặt ra vấn đề, khi thực hiện chương trình GDPT 2018, các nhà trường phải đảm bảo mục tiêu yêu cầu cần đạt đối với từng môn học, từng học sinh. Đề thi không vượt chương trình nhưng kết quả đầu ra học sinh quá thấp, trường THCS cũng cần “xem lại”.

Thầy Hoàng Chí Sỹ cũng chia sẻ, tuyển học sinh đầu vào thấp nhưng muốn có kết quả đầu ra tốt, nhà trường phải có kế hoạch thúc chất lượng dạy ngay từ đầu năm lớp 10. Nhà trường nâng cao chất lượng đội ngũ bằng việc bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn đồng thời giao trách nhiệm cho từng thầy cô cũng phải nhiệt huyết, kèm cặp học sinh.

Ví dụ đối với lớp 12 năm vừa qua, khi có Thông tư 29 tăng cường quản lý dạy thêm học thêm của Bộ GD&ĐT, thầy cô đã dạy hoàn toàn miễn phí đến sát ngày thi để các em có kiến thức nền tảng dự thi tốt nghiệp. Kết quả kỳ thi này những năm trước, điểm số các môn Khoa học tự nhiên thuộc nhóm trường top đầu của thành phố.

Chênh lệch chất lượng giáo dục giữa trường học ở nội đô và ngoại thành, vùng ven đã được Sở GD&ĐT Hà Nội nhìn nhận và tìm giải pháp tháo gỡ. Sở này từng tổ chức “hội nghị diên hồng” với hiệu trưởng các trường THPT để chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp dạy học của từng trường.

Một trong những giải pháp được đưa ra là các nhà trường phải chung tay hỗ trợ lẫn nhau về phương pháp dạy học, tài liệu, tập huấn… Trong đó, các trường top đầu ở nội đô được giao nhiệm vụ kèm cặp một trường ở vùng ngoại thành, vùng khó. Giáo viên cốt cán của các trường Việt Đức, Kim Liên, Nguyễn Trãi, Nhân Chính, Yên Hòa… được đưa về các trường để tổ chức các giờ dạy mẫu, chia sẻ kinh nghiệm đổi mới phương pháp dạy học.

Thành phố Hà Nội hiện có 119 trường THPT công lập, trong đó có nhóm 12 trường có điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 trung bình môn từ 7,9 điểm trở lên và nhóm 11 trường có điểm chuẩn trung bình môn từ 3,33 đến 4,5 điểm. Trường có điểm chuẩn thấp nhất chênh lệch với trường có điểm chuẩn cao nhất lên tới 15,5 điểm cho thấy khoảng cách chất lượng giữa các trường khá xa.
Chia sẻ