Di truyền hay cách nuôi dạy: Cái nào ảnh hưởng đến tính cách con hơn? Câu trả lời khiến hàng triệu cha mẹ SỐC!

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Chuyên gia di truyền học Mỹ nói: Phải hiểu "gen" mới có thể nuôi dạy con một cách đôi bên cùng thắng!

Trong suốt thời gian dài, chúng ta được dạy rằng cách nuôi dạy của cha mẹ quyết định tương lai của con cái. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, ngày càng có nhiều nhà khoa học và học giả thách thức niềm tin này.

Di truyền hay cách nuôi dạy: Cái nào ảnh hưởng đến tính cách con hơn? Câu trả lời khiến hàng triệu cha mẹ SỐC!- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Một trong số đó là Danielle Dick – Giáo sư tâm lý học và di truyền học phân tử người tại Đại học Rutgers (Mỹ), một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực di truyền học và tâm lý phát triển.

Trong cuốn sách xuất bản tháng 6/2024 của mình mang tên "The Child Code" (tạm dịch: "Vì sao con bạn khác với tưởng tượng của bạn"), bà viết: Ảnh hưởng của gene còn lớn hơn cả cách nuôi dạy.

Câu nói này lập tức gây chấn động. Dù mục đích của Danielle là giúp giảm bớt áp lực cho cha mẹ, nhưng nhiều người lại hiểu rằng "ép học, đầu tư cho con = công cốc".

Giáo dục hay di truyền – Cuộc tranh luận không hồi kết

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu từ 5-6 năm trước đã chỉ ra kết luận tương tự. Giáo sư Robert Plomin, chuyên gia hàng đầu trong ngành tâm lý học di truyền tại Đại học King's College London, sau 50 năm nghiên cứu, khẳng định: Khi yếu tố di truyền phát huy tác dụng, cách nuôi dạy thực ra không ảnh hưởng nhiều đến kết quả phát triển của trẻ.

Nói cách khác: Dù nuôi dạy kiểu "hổ mẹ" hay "gần gũi, nhẹ nhàng", kết quả học Harvard hay không không phụ thuộc vào cách nuôi.

Dĩ nhiên, kết luận này gây tranh cãi. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều học giả đồng tình rằng xã hội đã đánh giá quá cao vai trò của cách nuôi dạy và đánh giá thấp ảnh hưởng của gene.

Sự thật: Bạn nghĩ bạn đang dạy con, nhưng chính con lại đang dạy bạn!

Trong một nghiên cứu theo dõi gần 1300 đứa trẻ ở 9 quốc gia từ 8 đến 13 tuổi, người ta phát hiện: Trẻ có hành vi hoặc cảm xúc càng tiêu cực, cha mẹ càng dễ trở nên lạnh nhạt, kiểm soát nhiều hơn ở những năm sau. Trong khi đó, việc cha mẹ nghiêm khắc hay dịu dàng không dự đoán được hành vi của trẻ trong tương lai. Điều này chỉ ra rằng:

Chính trẻ ảnh hưởng cách nuôi dạy của cha mẹ nhiều hơn là ngược lại.

Vậy, đâu là yếu tố tác động đồng thời đến hành vi của trẻ và phản ứng của cha mẹ? Danielle cho rằng: Đó chính là gene.

Gen không chỉ quyết định khí chất – còn "kích hoạt" môi trường phản hồi lại

Thông qua các nghiên cứu sinh đôi và trẻ được nhận nuôi, người ta nhận ra: Trẻ thường có hành vi giống bố mẹ ruột hơn bố mẹ nuôi, dù sống cùng người nuôi dạy từ bé. Nhưng điều đó có nghĩa là cha mẹ không còn vai trò gì?

Không! Danielle nhấn mạnh: Hiểu gene là để nuôi con đúng cách, không phải để buông xuôi.

Gene ảnh hưởng đến kết cấu não bộ, từ đó dẫn đến xu hướng hành vi: dễ xúc động, hiếu động, ngại giao tiếp, dễ lo lắng, khó kiềm chế bản thân… Tất cả đều có gốc gene.

Tuy nhiên, gene không phải là "định mệnh bất biến". Gene tác động gián tiếp thông qua môi trường, bằng cách:

Kích hoạt phản hồi từ môi trường (như đứa trẻ hướng ngoại sẽ dễ được người lớn yêu mến).

Tạo ra sự lựa chọn môi trường (trẻ thích yên tĩnh sẽ tự tránh đám đông).

Ảnh hưởng cách đứa trẻ "nhận" và "diễn giải" môi trường.

Danielle gọi đây là tương tác gene – môi trường (gene-environment correlation).

Hiểu gene để "hợp tác" cùng con

Giống như việc cây cà chua không thể cho ra quả bí, nhưng người làm vườn có thể giúp cây mọc thẳng, ra nhiều quả, cha mẹ không thể thay đổi gene, nhưng có thể làm việc với gene.

Ba yếu tố khí chất do gene chi phối mạnh nhất là:

Tính hướng ngoại

Tính cảm xúc

Khả năng tự kiểm soát

Và mỗi đứa trẻ đều có tổ hợp riêng của ba yếu tố này.

Danielle phát triển một bộ câu hỏi giúp cha mẹ xác định con mình thuộc nhóm nào – để từ đó điều chỉnh kỳ vọng và phương pháp phù hợp hơn.

Ví dụ cụ thể:

1. Tính hướng ngoại

Trẻ có thích khám phá nơi mới không?

Có dễ kết bạn, hay thích các hoạt động tập thể?

→ Trẻ hướng ngoại cao thường dễ thích nghi, năng động, cần nhiều sự phản hồi tích cực.

→ Trẻ hướng ngoại thấp lại dễ suy tư, thích hoạt động cá nhân. Không nên ép con "diễn" hay hòa nhập khi con không sẵn sàng.

2. Tính cảm xúc

Trẻ có dễ nổi giận, lo lắng khi sự việc không như ý?

Cảm xúc tiêu cực kéo dài bao lâu?

→ Trẻ cảm xúc cao dễ bị quy kết là "khó dạy", nhưng thực tế lại cần sự nhẹ nhàng, kiên nhẫn và hướng dẫn cách quản lý cảm xúc.

→ Trẻ cảm xúc thấp thường được gọi là "thiên thần nhỏ", dễ nuôi. Nhưng cũng cần chú ý không bỏ qua những cảm xúc vi tế của con.

3. Khả năng tự kiểm soát

Trẻ có thể ngừng hành động theo yêu cầu?

Có tuân thủ nội quy dễ dàng?

→ Tự kiểm soát cao thường gắn với khả năng tập trung, thành công học tập.

→ Nhưng khả năng này không cố định – nó phát triển theo não bộ, có thể hỗ trợ bằng cách:

Loại bỏ cám dỗ (Ví dụ: tránh đi ngang sân chơi khi tan học).

Khuyến khích ra quyết định có trách nhiệm.

Làm gương về tự kiểm soát qua các câu chuyện, ví dụ sống.

Nuôi dạy con không phải là cuộc thi huấn luyện. Mỗi đứa trẻ là một "tổ hợp gene" độc nhất. Thay vì cưỡng ép con đi theo khuôn mẫu, hãy hiểu đặc điểm tự nhiên của con để cùng con phát triển trong khả năng tốt nhất của mình.

Hãy thôi so sánh. Hãy lắng nghe. Và quan trọng nhất, hãy hợp tác với gene của con, không phải chống lại nó.

Chia sẻ