Chê con “quái thai”, bố mẹ nhẫn tâm bỏ rơi con 3 ngày tuổi, cho đến 33 năm sau…
Những đứa trẻ bị bỏ rơi ấy, khi lớn lên sẽ chọn cho mình một cuộc sống tích cực hoặc tiêu cực, tùy vào ý chí của từng người. Chàng trai trong câu chuyện dưới đây là một trường hợp như vậy.
Tuổi thơ luôn được cho là những năm tháng kì diệu. Nhưng vẫn còn đó những đứa bé không được có một tuổi thơ êm đềm, bị bố mẹ bỏ rơi khi vừa ra đời, vì nhiều lý do khác nhau. Những đứa trẻ bị bỏ rơi ấy, khi lớn lên sẽ chọn cho mình một cuộc sống tích cực hoặc tiêu cực, tùy vào ý chí của từng người. Chàng trai trong câu chuyện dưới đây là một trường hợp như vậy.
33 năm trước, một đứa bé bị bố mẹ ruột nhẫn tâm bỏ rơi chỉ vì em quá xấu. Đó chính là Jono Lancaster. Cậu bé Jono khi vừa ra đời đã mắc phải hội chứng Treacher Collins - một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển của xương mặt từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ.
Khi ra đời, Jono không có xương gò má nên đôi mắt bị trĩu xuống, kích thước đầu lại quá khổ. Tuy nhiên, những người không may mắc phải hội chứng này vẫn có trí thông minh, sự phát triển như những người bình thường, tuy thính giác và chuyện ăn uống gặp vài vấn đề.
Jono Lancaster (Ảnh: NTV)
36 giờ sau khi chào đời, Jono đã bị bố mẹ ruột bỏ rơi ở một trung tâm phúc lợi xã hội. May mắn cho em, một phụ nữ tên Jean Lancaster đã nhận Jono về chăm sóc, nuôi dưỡng em một cách chu đáo. Cuộc sống của Jono cứ thế êm đềm trôi qua với sự yêu thương, chăm sóc từ mẹ Jean, cho đến khi em đi học.
Đến trường, Jono bắt đầu ý thức được về bản thân mình, em thấy được mình hoàn toàn khác biệt so với bạn bè. Jono cho biết, bạn bè thường xuyên trêu ghẹo, châm chọc, không dám đụng vào mặt Jono bởi sợ sẽ bị lây bệnh.
“Tôi thường giấu những nỗi buồn bị bạn bè chọc ghẹo với mẹ. Mẹ đã vất vả vì tôi quá nhiều rồi”, Jono chia sẻ với BBC trong một buổi phỏng vấn.
Khi bước vào tuổi teen, Jono bỗng trở nên nổi loạn. Không phải bởi vì cậu muốn trở thành người xấu mà bởi nỗi đau trong tâm hồn đã phải chịu đựng suốt bao nhiêu năm. Jono sẵn sàng làm mọi thứ để có được sự chú ý từ mọi người. Để được những người xung quanh quan tâm, Jono đôi khi dùng những chiếc bánh, kẹo, hay kem để “dụ dỗ”. Cũng bởi sự cô đơn, tự ti ấy, Jono cũng tập tành uống rượu, và uống rất nhiều.
Jono khi trưởng thành (Ảnh: NTV)
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Jono 19 tuổi. Bước ngoặt cuộc đời đã xuất hiện khi người quản lý quán bar mà Jono hay đến có nhã ý mời Jono làm việc tại đây. Trước cơ hội làm lại cuộc đời ấy, Jono rất lo lắng. Nhận lời rồi nhưng bao nhiêu lo sợ vẫn xuất hiện trong tâm trí Jono, đặc biệt trước mỗi lúc vào ca làm việc, anh chàng sẽ bị chảy mồ hôi rất nhiều.
“Tôi lo lắng, sợ hãi về phản ứng của mọi người. Những người say rượu có thể có những hành động rất kinh khủng, rõ ràng là thế. Thật không dễ dàng. Nhưng đồng thời, tôi cũng gặp được rất nhiều người tốt. Họ thực sự quan tâm đến tôi và gương mặt của tôi”, Jono chia sẻ.
Cũng trong thời gian làm việc tại quán bar, Jono đã tốt nghiệp ngành khoa học thể thao và khóa huấn luyện viên thể dục. Cuối cùng thì Jono đã có thể tìm một công việc khá tốt ở phòng tập gym và may mắn, mọi người ở nơi đó cũng rất thích anh. Anh bảo rằng đó là việc đầy thử thách bởi tại phòng tập gym, bốn bề là gương soi.
Jono đã tốt nghiệp ngành khoa học thể thao và khóa huấn luyện viên thể dục (Ảnh: NTV)
Và cũng tại nơi này, Jono đã gặp một nửa của đời mình - Laura - một cô gái xinh đẹp, có tâm hồn lương thiện. Kể từ sau những lần gặp đầu tiên, cả hai đã phải lòng nhau. Laura đã vượt qua mọi định kiến, đến với Jono bằng một tình yêu chân thành. Cô biết, ẩn sau sự khiếm khuyết về thân thể là một Jono có tâm hồn rất đẹp.
Jono và một nửa của đời mình (Ảnh: NTV)
“Tôi cảm thấy rất thoải mái khi ở cùng cô ấy”, Jono trả lời phỏng vấn của BBC. Kết hôn rồi, Jono và Laura đã cùng mua một căn hộ tại Normanton, West Yorkshire, cả hai đã có một cuộc sống hạnh phúc dưới mái nhà ấy.
Jono hiện đang hoạt động trong một tổ chức dành cho người lớn mắc phải chứng tự kỉ cũng như hội chứng Treachers Collins. Anh mong sẽ dùng sự hiểu biết của mình để lan rộng nhận thức của mọi người về hội chứng Treachers Collins mà anh mắc phải, cũng như giúp những người không may mắc phải sẽ sống thoải mái hơn, hòa nhập hơn với cộng đồng. Trong khi đó, Laura vẫn tập trung cho công việc ở trung tâm thể thao.
Nhưng rất tiếc, cho đến hiện nay, bố mẹ ruột của Jono vẫn không thừa nhận anh, điều này khiến Jono cực kì đau đớn. Tuy vậy, Jono cho biết, anh vẫn phải học cách vượt qua. Song song đó, Jono vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức ở xã hội nhưng anh hiểu rằng, chỉ cần mình đối xử bằng trái tim, mọi người sẽ thay đổi nhận thức và thái độ. Anh chắc chắn mình sẽ không còn tức giận, nổi loạn như cách khi xưa đã từng.
Một điều đặc biệt là dù các bác sĩ luôn đề nghị sẽ giúp đỡ Jono giải phẫu thẩm mỹ nhưng anh luôn từ chối. Jono cho biết, số phận đã trao cho anh hình hài này, anh tự hào vì có thể là chính mình. Việc của anh giờ là sẽ cống hiến hết mình cho những dự án mang đến hy vọng, hỗ trợ cho người mắc hội chứng Treachers Collins cũng như bệnh tự kỷ ở người lớn trên khắp thế giới.
Jono hiện đang hoạt động trong một tổ chức dành cho người lớn mắc phải chứng tự kỉ cũng như hội chứng Treachers Collins (Ảnh: NTV)
Việc của anh giờ là sẽ cống hiến hết mình cho những dự án mang đến hy vọng, hỗ trợ cho người mắc hội chứng Treachers Collins (Ảnh: NTV)
“Bố mẹ vẫn không muốn nhìn nhận tôi. Điều đã thay đổi chính là thái độ của tôi và nó quả thật có sức mạnh tuyệt vời… Tinh thần lạc quan sẽ giúp bạn đạt được bất kì điều gì mong muốn”, Jono cho biết.
(Nguồn: ntd)