Chàng trai trẻ bỏng điện nặng, có nguy cơ mất tay: Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm khi làm việc này

Hoàng Lê,
Chia sẻ

Theo bác sĩ, bỏng điện nguy hiểm hơn nhiều loại bỏng khác vì có thể gây tổn thương nội tạng. Tuy nhiên có nhiều thực tế là nhiều người dân vẫn chưa có kiến thức, vô tư làm việc cạnh đường điện trần.

Những ngày qua, khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đang tiếp nhận điều trị cho trường hợp của bệnh nhân Lê Văn Hoan (21 tuổi, quê Gia Lai) bị bỏng điện rất nặng, có nguy cơ phải tháo bỏ hai chi trên.

Chàng trai trẻ bỏng điện nặng, có nguy cơ mất tay: Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm khi làm việc này - Ảnh 1.

Bệnh nhân Lê Văn Hoan.

Nguy cơ mất tay vì bỏng điện

Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân nhập viện ngày 10/4 trong tình trạng bỏng điện 23% độ 2-3, 10% độ 3 tứ chi, chèn ép 2 tay. Bệnh nhân được bù dịch, truyền kháng sinh, điều trị tích cực và đã được mổ cắt lọc 1 lần. Tuy nhiên với tình trạng hiện tại, chưa biết nam thanh niên còn điều trị bao lâu.

Chàng trai trẻ bỏng điện nặng, có nguy cơ mất tay: Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm khi làm việc này - Ảnh 2.

Chân thanh niên bỏng rất nặng.

Tại giường bệnh cố nén nỗi buồn, ông Cung, cha bệnh nhân, chia sẻ mấy tháng nay vì để phụ giúp gia đình, Hoan rời quê nhà ra Phú Quốc (Kiên Giang) để xin gỡ bảng quảng cáo kiếm tiền.

Thời điểm xảy ra sự việc, nạn nhân đang leo lên cao làm việc thì bảng quảng cáo bất ngờ phát nổ vì điện chập và giật. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện địa phương trước khi chuyển lên tuyến trên vì tình trạng nặng.

Chàng trai trẻ bỏng điện nặng, có nguy cơ mất tay: Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm khi làm việc này - Ảnh 3.

Tuy nhiên nặng nhất là 2 tay.

Được biết gia cảnh bệnh nhân rất khó khăn khi cha mẹ Hoan đều lớn tuổi. Từ ngày con trai gặp nạn, cả gia đình chạy vạy, cầm cố sạch tài sản trong nhà để lo cho em.

Đến nay gia đình đã vay mượn trên 40 triệu đồng nhưng viện phí vẫn tiếp tục tăng, dù đã có bảo hiểm y tế.

"Giờ tôi chỉ mong cho cháu mau khỏe, giữ được tay rồi ra sao cũng được" - ông Cung tâm sự.

Bác sĩ Phan Trung Hiếu, khoa Phỏng và Phẫu thuật tạo hình cho biết, bệnh nhân nhập viện do tai nạn bỏng điện nặng tại khoa rất phổ biến. Có trường hợp phải cắt cả tứ chi.

Bỏng điện có thê gây tổn thương nội tạng

Tại khoa Phỏng hiện tại, ngoài trường hợp của bệnh nhân trên còn có trường hợp của anh Nguyễn Anh Tuấn (quê Thanh Hóa).

Trước đó vào ngày 22/3 khi đang khiêng thanh sắt dài ở công trình, anh Nguyễn Anh Tuấn (35 tuổi, quê Thanh Hóa) vô tình để chạm vào đường điện trần bên cạnh. Luồng điện có sức mạnh kinh hồn như chỉ chực chờ có thế để cướp đoạt mạng sống nạn nhân.

Chàng trai trẻ bỏng điện nặng, có nguy cơ mất tay: Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm khi làm việc này - Ảnh 5.

Một bệnh nhân bỏng nặng, tổn thương tứ chi.

Phát hiện sự việc, bạn làm chung của anh Tuấn lập tức lao đến tách nạn nhân ra khỏi thanh sắt rồi đưa đi cấp cứu. Vết thương quá nặng, anh được chuyển ngay từ bệnh viện tuyến dưới đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).

Bác sĩ cho biết, bệnh nhân Tuấn nhập viện trong tình trạng bỏng điện 39%, 20% độ sâu, bỏng độ 2-3.

Bệnh nhân được dùng dịch truyền, thay băng, dùng kháng sinh, đã mổ cắt lọc 2 lần. Dù đã qua cơn nguy kịch nhưng tiên lượng nặng cũng như quá trình điều trị còn rất lâu dài.

Chàng trai trẻ bỏng điện nặng, có nguy cơ mất tay: Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm khi làm việc này - Ảnh 6.

Khoa Phỏng, BV Chợ Rẫy thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bỏng điện nặng.


"Bỏng điện nguy hiểm hơn bỏng xăng hay bỏng lửa vì có thể gây tổn thương nội tạng ngay và thường phải đoạn chi".

Bác sĩ Hiếu nói

Theo bác sĩ, hiện nay để cắt giảm chi phí, mạng lưới điện quốc gia nhiều nơi, nhất là vùng quê còn đặt đường dây trần, không có vỏ bọc bảo vệ. Người dân thiếu hiểu biết, không có kiến thức nên dễ làm việc vô tư dưới đường điện, làm nhà ngay cạnh dây điện trần dẫn đến những tai nạn đau lòng.

Bác sĩ khuyên người dân nên cẩn trọng khi ở cạnh nơi có đường dây điện trần, điện cường độ mạnh.

Chàng trai trẻ bỏng điện nặng, có nguy cơ mất tay: Bác sĩ cảnh báo nguy hiểm khi làm việc này - Ảnh 8.

Bệnh nhân Hoan phải điều trị lâu dài, hai tay có nguy cơ phải tháo bỏ.

Nếu không may gặp nạn bị bỏng, đầu tiên phải tách nạn nhân khỏi nguồn điện. Sau đó tiến hành sơ cứu bằng cách rửa vết thương bằng nước sạch cho bệnh nhân khoảng 30 phút rồi đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.

Tại đây thông thường bệnh nhân sẽ được vệ sinh sạch sẽ, thay băng, giữ mạch huyết áp rồi chuyển lên tuyến trên.

Nếu bỏng điện gây ngưng tim thì phải áp dụng cấp cứu ngưng tim ngưng thở, nhồi tim cho bệnh nhân.

Tuyệt đối không dùng các mẹo dân gian như kem đánh răng, nước mắm hay mật ong bôi vào vết bỏng vì có thể gây nhiễm trùng nặng hơn.

Độc giả muốn giúp đỡ trường hợp của bệnh nhân Lê Văn Hoan có thể liên hệ với cha bệnh nhân (chú Cung) theo số điện thoại: 036 537 56 53.

Xin chân thành cảm ơn!

Chia sẻ