Cay sống mũi vì đằng sau cô vợ dữ như sư tử là người phụ nữ tình cảm chẳng ai bằng
Chưa vào nhà anh đã nghe tiếng the thé chửi con của vợ: “Nhà cửa dơ dáy, đồ chơi lung tung. Con với cái, sao tôi khổ thế này hả trời? Khổ với chồng rồi khổ với con. Khổ gì mà khổ đủ đường thế này?"...
Anh ngồi phịch xuống ghế đá trước nhà chứ chẳng vào nữa. Anh đưa mắt nhìn vào, vợ anh đang dọn dẹp đồ chơi của con vừa lầm bầm không yên. Anh thở dài thườn thượt.
Chị đúng là khổ thật. Chị khổ với gia đình chị tới tận 30 tuổi mới rời khỏi nhà lấy chồng được. Mẹ chị bệnh tật quanh năm, cha lại rượu chè nên chị gồng gánh nuôi em ăn học tới nơi tới chốn mới gật đầu làm vợ anh. Ngày đó gia đình anh còn giàu có nên cũng phản đối một người vừa gầy ốm vừa lớn tuổi như chị. Nhưng anh vì yêu nghị lực, yêu sự mạnh mẽ của chị mà đòi cưới bằng được.
Đất không chịu trời thì trời phải chịu đất, bố mẹ anh cưới vợ cho anh mà chẳng nở được một nụ cười. Cưới về sống “chằn ăn trăn quấn” với mẹ chồng được hai tháng thì bố anh bị tai nạn. Chị bầu bí vẫn phải nuôi ông ở viện để chồng đi làm. Của cải trong nhà cũng theo những lần phẫu thuật của ông mà đội nón ra đi cả.
Ảnh minh họa
Sinh con được 3 tháng chị đã bắt đầu gồng gánh đi chợ buôn bán trái cây. Chị giỏi lắm, một mình chị với gánh trái cây bán sáng chiều mà đã vực dậy được kinh tế trong nhà. Chị giỏi nhưng cũng dữ, dữ như sư tử. Anh thở dài, bản tính hiền lành cam chịu của chị có lẽ đã bị cái khổ và những con người ở chợ làm mất đi rồi.
Một tay chị chăm sóc con, lo bệnh cho cha mẹ chồng lẫn cha mẹ mình. Chị làm nhiều đến nỗi người cứ gầy đét đi. Anh không chê chị, chỉ là thấy xót xa thay. Chỉ là anh cũng ốm yếu nên chẳng phụ giúp chị được nhiều. Mỗi ngày đi làm về anh giúp chị cơm nước, tắm cho con, dạy con học. Anh làm hết sức có thể để bù đắp cho chị nhưng chị vẫn chẳng ưng bụng.
Anh nấu cơm rồi đem ra tận chợ cho chị. Chị ăn được vài miếng đã chê dở chê nhạt rồi kêu anh đi mua cho bát phở. Chị cằn nhằn: “Lần sau anh đi làm về thì lo nghỉ ngơi đi, tôi tự lo ăn cho mình được. Đừng có trưa nắng đem cơm nước ra chợ rồi ngã bệnh xuống lại khổ tôi”.
Con bày đồ chơi cả nhà, anh chưa kịp dọn thì chị đi bán về chị dọn. Mà chị vừa dọn vừa mắng con xơi xơi vừa than thân trách phận. Cũng có vài lần vì không kiềm chế được nên chị đánh cả con trai. Mỗi lần như thế, anh lại đứng ra bênh con, lại dỗ dành con cho vợ được nghỉ ngơi. Anh không trách vợ, anh chỉ buồn.
Ảnh minh họa
Tuy thế nhưng chị cũng lo cho anh lắm. Anh sốt, chị thức đêm thức hôm canh chừng. Anh ăn cơm không nổi, chị nấu cháo hầm nhuyễn cho anh ăn nhưng miệng vẫn sa sả mắng anh.
Thấy anh ngồi thần người ra, chị gọi anh vào, vẫn giọng “bà nội” như cũ: “Không vào ăn cơm mà còn ngồi ì ra đó suy nghĩ về con nào hả?”.
Anh uể oải bước vào. Chị đã dọn cơm tươm tất cả rồi nhưng chưa bữa nào chị ăn cùng chồng con. Anh nhìn theo dáng chị tất tả xới cơm, gắp món cho mẹ chồng, cho con trai xong lại xới cơm vào một mâm riêng và bưng đi.
Anh buông đũa đi theo. Chị đang đút cơm một cách cẩn thận cho bố chồng. Vừa đút chị vừa ngọt nhạt khuyên ông ăn thêm chút canh, uống thêm chút nước ấm…
Chị quay ra, thấy anh đứng tựa cửa nhìn thì gắt gỏng: “Không ăn nhanh rồi đưa con đi học mà còn đứng như trời trồng ở đây?”.
Anh bước ra, lòng ngổn ngang suy nghĩ. Anh cảm thấy mình bất tài vô dụng quá khi để vợ phải khổ sở như vậy. Có lẽ ngày mai anh sẽ xin nghỉ việc ở cơ quan để xin vào một công ty nào khác làm. Có thể nơi mới khổ hơn nhưng anh cần tiền nhiều hơn. Anh thấy sống mũi mình cay cay. Anh thật sự quá may mắn mới lấy được chị làm vợ. Dù chị có dữ dằn đến đâu thì anh vẫn yêu thương chị như ngày nào. Vì anh biết, ẩn sâu trong những lời mắng mỏ ấy là cả một trời tình cảm thương yêu chị dành cho anh, cho cái nhà này.