Câu hỏi day dứt trong phim Ký Sinh Trùng mà mỗi người nên tự vấn để hôn nhân không là cảnh "người dưng ở chung 1 nhà"

ĐX,
Chia sẻ

Gọi là chồng là vợ đấy nhưng nhìn nhau xa lạ, dửng dưng. "Còn yêu nhau không?", tại sao cứ vợ chồng là mặc nhiên tình yêu đã tắt, chỉ còn chữ nghĩa. Đó không phải chỉ là một tình tiết trong Ký Sinh Trùng đâu, ngoài đời này có bao nhiêu cuộc hôn nhân mờ nhạt trôi đi như thế...

Trong phim Ký Sinh Trùng, ông Ki từng hỏi ông Park: "Anh còn yêu vợ mình nữa không?", câu này được hỏi đến 2 lần. Điều gì khiến ông Ki nghi ngờ vào tình cảm vợ chồng của ông bà chủ khi chẳng có bằng chứng ngoại tình nào được đưa ra?

Và có khi nào bất giác một ngày bạn tự hỏi: "Mình còn yêu anh ấy không?" hoặc "Anh ấy còn yêu mình không?" hoặc "Chúng ta còn yêu nhau không?", mà có câu trả lời không phải ngập ngừng bối rối, có thể rõ ràng ngay lập tức là "có". Thực tế thì lại hiếm có được điều kỳ diệu đơn giản ấy, chúng ta đã lâu không đặt câu hỏi ấy vì lẽ là có hay không thì cuộc sống này vẫn trôi đi, hôn nhân này vẫn tiếp diễn nhưng nó có màu gì thì chúng ta bận đến mức... không để ý.

Câu hỏi day dứt trong phim Ký Sinh Trùng mà mỗi người nên tự vấn để hôn nhân không là cảnh "người dưng ở chung 1 nhà" - Ảnh 1.

Nhưng rõ ràng hôn nhân gắn với cuộc đời nhiều con người tương đối dài lâu nên vẽ một mảng màu tươi sáng cho nó là thực sự cấp thiết. Đừng để cuộc đời trôi đi trong 2 chữ "bình yên" có tính tự huyễn hoặc chính mình.

Đừng để hôn nhân "sống thực vật"

Bà Park ở nhà làm một bà vợ nội trợ, dù bà Park rất nhàn nhã. Tuy nhiên, ngay từ đầu khi Ki-woo đến phỏng vấn làm gia sư bà Park đã gục trên bàn đầy mệt mỏi. Ngay từ đầu đã có nhưng u uất báo trước.

Ki Taek sau đó cứ liên tục hỏi ông Park về việc "Anh vẫn còn yêu vợ mình chứ?". Một cuộc hôn nhân sung túc về vật chất nhưng thiếu lửa hẳn là những gì ông Ki nhìn thấy. Bà Park trong vai một bà vợ nội trợ đã liên tục giữ thái độ khép nép, sợ hãi chồng, dù là vợ nhưng có vẻ cũng không khác bà quản gia là bao, chồng cũng vẫn cứ là ông chủ trong nhà.

Điều này được thể hiện rõ ở thái độ sợ hãi, phục tùng, cung kính của bà Park, ở câu nói đầy sợ sệt lo chồng sẽ giết mình nếu biết mình mướn người ho lao làm việc trong nhà. Người ta nhận ra một cuộc hôn nhân mệt mỏi trong sự u uẩn của bà Park, thiếu sự quan tâm, chia sẻ, tôn trọng và công bằng. Nhưng cái giá của 1 bà vợ ở nhà quán xuyến gia đình dường như thường luôn có kết quả giống nhau như thế.

Ông Ki đã nhận thấy điều đó bởi nếu yêu sao để vợ phải sợ, sao để vợ không có cảm giác bình đẳng, ngang hàng... Giữa cặp vợ chồng ông bà chủ này tiền bạc không thiếu nhưng thiếu sự sống động để tạo ra niềm vui hàng ngày, để tạo thành 1 sợi dây vô hình nhưng bền bỉ cho 1 cuộc hôn nhân chất lượng, chứ không phải 1 cuộc hôn nhân "sống thực vật".

Hãy luôn nhớ đến lý do kết hôn

Nhà ông Ki nghèo nhưng họ có rất nhiều tiếng cười và có niềm hạnh phúc rất thật. Này thì chút suồng sã (bóp mông nhau, gọi nhau là con gián...) nhưng họ luôn bình đẳng và biết cách tạo tiếng cười. Chỉ có điều, người nghèo khó họ thường nghĩ nhiều đến tiền (thứ họ thiếu) mà quên mất mình đang được hưởng những thứ mà người giàu cũng không mua được. Và ông Ki đã đẩy mọi chuyện đi quá xa ở kết phim để rồi cái cuối cùng họ nhận được cũng bi thảm.

Câu hỏi day dứt trong Ký Sinh Trùng mà mỗi cuộc hôn nhân nên tự vấn để tránh cảnh "người dưng ở chung 1 nhà" - Ảnh 3.

Vợ chồng ông Ki nghèo nhưng họ đã từng có rất nhiều tiếng cười.

Ông Ki hỏi không những một mà tận hai lần ông chủ Park về việc liệu ông ta có yêu vợ không. Lần đầu ông Park sau một hồi suy nghĩ đã miễn cưỡng buông một câu: "Cứ cho là có yêu đi". Lần thứ hai, người đàn ông giàu có đã phát cáu mà nhắc nhở tài xế quay về đúng vị trí của mình.

Việc ông Park không thể trả lời câu hỏi này của ông Ki dễ khiến người ta phỏng đoán, chính ông Park cũng đã lâu chạy theo việc kiếm tiền mà quên mất nghĩ đến chuyện tình yêu, xem mình còn yêu vợ không hoặc vợ có còn yêu mình không. Nhưng nhìn "thần thái" một cuộc hôn nhân ngập trong tiền nhưng thiếu lửa ấy ai cũng có thể cảm được nó không hạnh phúc.

Đồng tiền người ta gọi là đồng bạc, nó luôn lạnh lẽo, sống chết chạy theo đồng tiền nó cũng bạc, mà thiếu nó cũng bạc... vì thế hãy luôn giữ thế cân bằng để cho tiền bạc không là tác nhân làm cho một cuộc hôn nhân thiếu lửa. Thế mới nói, dù tiền bạc khiến con người ta dễ dàng đáp ứng được những nhu cầu cần thiết nhưng hạnh phúc nhiều hay ít không hẳn lúc nào cũng tỉ lệ thuận với việc bạn có bao nhiêu tiền. Thế nhưng hạnh phúc rồi mà thiếu tiền cũng dễ khiến người ta không cảm thấy quý trọng nó. Vì thế, đừng sống chết chạy theo đồng tiền nhưng đừng để thiếu thốn đến mức quên mất hạnh phúc mình đang nắm trong tay.

Hãy hình dung về một cuộc hôn nhân lầm lũi trôi qua như thế này: Người đàn ông chìm trong điện thoại, tivi, game hay những bữa nhậu... Phụ nữ chìm trong những dằn vặt, hờn trách và đau khổ. Chúng ta đã từng kết hôn để mong được hạnh phúc, được ở bên nhau nhưng lúc ở cạnh nhau rồi chúng ta lại quên xây hạnh phúc.

Câu hỏi day dứt trong phim Ký Sinh Trùng mà mỗi người nên tự vấn để hôn nhân không là cảnh "người dưng ở chung 1 nhà" - Ảnh 3.

Hãy cùng "xây" 1 cuộc hôn nhân sống động

Nếu trước đây đôi bên quan tâm đến cảm nhận của nhau: "Cô ấy có buồn không?", "Anh ấy có lạnh không?"... thì sau khi kết hôn đàn ông đang mải đáp ứng những nhu cầu của bản thân, còn phụ nữ ngồi đó dằn vặt về các ông chồng vô tâm dẫn đến đàn bà khổ tâm. Hôn nhân ngập trong sự nhàm chán, đơn điệu và có lẽ cả nước mắt. Hạnh phúc bỗng trở thành thứ xa xỉ. Có khi là một cái nắm tay, có khi là một câu chuyện bông đùa, có khi là một món quà... bỗng trở thành thứ xa xỉ. Một cuộc hôn nhân khiến 2 con người đã từng yêu đương chết thôi bỗng dưng trở nên xa lạ trong 1 căn nhà.

Đàn ông phát cáu với những bà vợ lắm điều, cằn nhằn, phụ nữ phát khóc với những ông chồng vô tâm, hay quên lời hứa và dễ thay lòng. Cuối cùng là một cuộc hôn nhân sống trong dằn vặt, còn đến mức nếu chẳng ai nói gì nữa thì đó là bởi nó đã vượt qua cả độ chán của sự dằn vặt, trách móc đến mức vô cảm rồi.

"Anh có thực sự còn yêu em không?" "Mình còn yêu vợ không?". Ngày trước thì khỏi phải nói họ biết mình yêu cô ấy, người làm anh ta nhớ nhung, làm cho anh ta ghen tuông, người mà trong đầu họ lúc nào cũng nghĩ tới là cô ấy. Nhưng bây giờ khi trí não chỉ tràn ngập các con số, đến những nhu cầu cá nhân, các anh đàn ông còn hỏi mình về tình yêu dành cho cô ấy. Người phụ nữ mà có khi bạn phải mất rất nhiều công để chinh phục được và hứa hẹn rằng: "Yêu anh, em sẽ không phải hối tiếc".

Câu hỏi day dứt trong phim Ký Sinh Trùng mà mỗi người nên tự vấn để hôn nhân không là cảnh "người dưng ở chung 1 nhà" - Ảnh 4.

Đứng về phía người vợ thì chắc hẳn câu hỏi đó cô ấy đã tự hỏi nhiều lần. "Anh ấy còn yêu mình không?", bởi điều rõ nhất là cô ấy thấy người đàn ông một thời "săn lùng" mình việc gì cũng có thể làm để miễn cô vui giờ không hề nhìn cô ấy lấy một phút. Anh ta cũng chẳng còn buồn nhìn xem cô đang cảm thấy thế nào, có muốn gì hay muốn điều gì ở mình không...

Trong phim Ký Sinh Trùng, một câu nói người ta cũng hay nhắc là "kế hoạch hoàn hảo nhất - kế hoạch không có sai sót, chính là không có kế hoạch gì". Hôn nhân có khi cũng thế, chúng ta định gắn kết trăm năm nhưng có khi 2 năm đã đứt gánh. Thế nhưng, khi đơn ly hôn đã đưa ra thì câu hỏi ai còn yêu ai nữa hay không đâu còn ý nghĩa. Chỉ có 1 cách hãy tạo niềm vui cho nhau mỗi ngày và đôi lúc nếu thời gian cứ trôi đi và bạn chẳng biết mình đang đứng ở đâu thì hãy đặt câu hỏi "chúng ta còn yêu nhau không?" để định hướng lại việc tìm niềm vui từ nhau, cho nhau thêm nhiều lần nữa. Để hôn nhân không chỉ là 2 chữ bền lâu mà còn thực sự là... hạnh phúc.

Chia sẻ