Câu đố Tiếng Việt: "Anh bên kia sông, em bên này sông/Anh đuổi vòng vòng, chẳng bắt được em, đố là gì?" – Giỏi tư duy lắm mới nghĩ ra đáp án

Ứng Hà Chi,
Chia sẻ

Bạn mất thời gian bao lâu để đưa ra đáp án trước câu đố này?

Sau những giờ học tập và làm việc căng thẳng, thay vì "cắm mặt" vào điện thoại, tại sao chúng ta không thử thư giãn bằng trò chơi giải đố. Trò chơi này vừa giúp tinh thần trở nên sảng khoái vừa giúp chúng ta mở rộng vốn hiểu biết, nâng cao khả năng tư duy. Những người thường xuyên chơi giải đố đều rất thông minh, nhanh nhạy, ứng biến linh hoạt.

Nếu không biết tìm những câu đố ở đâu thì bạn có thể tham khảo chương trình Nhanh như chớp – nơi tổng hợp nhiều dạng câu đố khác nhau như: Câu đố mẹo, đố chữ, đố kiến thức, đố dân gian,… Đây là một trò chơi truyền hình do Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đông Tây Promotion phố hợp sản xuất, có bản quyền từ Thái Lan

Trong vòng 2, tập 26, chương trình đã đưa ra một câu hỏi "hack" não với nội dung như sau:

"Anh bên kia sông, em bên này sông

Anh đuổi vòng vòng, chẳng bắt được em, đố là gì?".

Câu đố Tiếng Việt: "Anh bên kia sông, em bên này sông/Anh đuổi vòng vòng, chẳng bắt được em, đố là gì?" – Giỏi tư duy lắm mới nghĩ ra đáp án - Ảnh 1.

Nguồn: Nhanh như chớp.

Sau một hồi "vò đầu bứt tai", người chơi vẫn chưa đưa ra được đáp án đúng. Không hiểu vật dụng gì mà lại có cách ví von thú vị như vậy? Đây là một câu đố mẹo, đố kiến thức độc đáo. Vì vậy, để giải được câu đố, người chơi cần phải có kiến thức sâu rộng cùng với trí tưởng tượng phong phú.

Nếu bạn cũng chưa có câu trả lời thì có thể tham khảo đáp án của chương trình: CỐI XAY THÓC.

Phần tay quay của cối có 2 điểm, 2 đầu đối nhau. Khi chúng ta xoay tròn để tách lớp trấu, vô tình 2 đầu sẽ "chạy" vòng quanh và không bao giờ chạm được vào nhau.

Cối xay thóc còn được gọi là cối xay lúa. Đây là dụng cụ của nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo. Cối xay thóc có hai phần chính là thớt trên và thớt dưới.

Thớt dưới cố định và ở giữa luôn có một cái chốt dài chừng ba tấc (thường gọi là ngõng), đường kính 3 phân, dùng để làm trục quay cho thớt trên. Vỏ của cả hai thớt đều đan bằng tre, đường kính bằng nhau, khoảng 40 – 50cm và thớt trên thường cao gấp đôi thớt dưới.

Câu đố Tiếng Việt: "Anh bên kia sông, em bên này sông/Anh đuổi vòng vòng, chẳng bắt được em, đố là gì?" – Giỏi tư duy lắm mới nghĩ ra đáp án - Ảnh 2.

Cối xay thóc là vật dụng cụ của nhà nông.

Lưng chừng thớt trên có một thanh gỗ xỏ ngang với hai đầu thò ra ngoài, mỗi bên có đục một cái lỗ tròn để tra giằng xay vào. Thanh gỗ này vừa giúp cho ổ quay được chắc chắn, vừa làm tay quay khi người xay lúa đẩy và kéo giằng xay.

Trong ruột của hai thớt chứa đầy các loại đất sét, được nện chặt bởi những miếng dăm gỗ. Khi cho lúa vào thớt trên, quay tròn chiếc giằng xay, lúa sẽ bị những chiếc răng gỗ của cối xay nghiền cho tróc vỏ, đổ xuống cái niền của thớt dưới, cho ra những hạt gạo lứt cùng vỏ trấu. Sau đó, người ta đem đi giã, sàn, giần tạo thành những hạt gạo trắng thơm.

Cối xay thóc được làm bằng các vật liệu đơn giản gồm: Tre, gỗ, đất sét. Nan tre để đan vỏ các thớt cối là loại tre già, mối mọt không ăn, chỉ lấy phần cật. Gỗ để làm dăm đóng cối phải là loại gỗ quý, khó mòn. Đất sét để nện vào thớt cối là loại đất dẻo để tránh bị nứt, bị hỏng.

Ngày xưa, cối xay thóc thường được đặt ở góc nhà chính hoặc nhà ngang, xung quanh là những vật dụng đi kèm như: Cối, chày, nia, sàng,… Cối xay thóc đã trở thành biểu tượng của sự no đủ trong nhà. 

Ngày nay, cối xay thóc ít được sử dụng vì đã được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn. Tuy vậy, cối xay thủ công với chiếc giằng quay tròn đã trở thành hình ảnh in sâu trong ký ức của mỗi chúng ta.

Chia sẻ