Câu chuyện về Alexander "siêu lang thang" - gã thanh niên mộng mơ và lãng mạn, trở thành biểu tượng của tự do sau khi chết đói

Nam Thanh,
Chia sẻ

Chris McCandless, hay Alexander "siêu lang thang" - là một nhân vật có thật, đã truyền cảm hứng cho tác giả Jon Krakauer chắp bút nên câu chuyện "Về miền hoang dã" - một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất nền văn hóa đương đại thế kỷ 21.

Vào ngày 6 tháng 9 năm 1992, cơ thể đang trong quá trình phân hủy của Christopher McCandless được phát hiện bởi những thợ săn nai sừng tấm ngay bên ngoài ranh giới phía bắc của Vườn Quốc gia Denali. Anh nằm xuống bên trong một chiếc xe bus đánh số 142 gỉ sét vốn được những tay thợ săn và đánh bẫy cùng nhiều khách qua đường mượn làm chỗ trú chân. Trên ô cửa để bước vào trong xe bus, một mảnh giấy nhỏ được dán hờ hững - được viết nguệch ngoạc trên một trang bìa xé ra từ cuốn tiểu thuyết của Nikolai Gogol:

"Xin hãy chú ý nếu bạn có đi ngang qua

Xin hãy cứu lấy tôi.

Tôi cần bạn giúp. Tôi bị thương, hấp hối và đã quá yếu để đi ra khỏi nơi này. Tôi hoàn toàn cô độc, và đây không phải một trò đùa. Nhân danh Chúa, xin hãy ở lại và cứu lấy tôi. Tôi hiện đang ra ngoài để hái quả và sẽ trở lại vào tối nay. Xin cảm ơn bạn...

Chris McCandless

Tháng Tám."

Từ một trang trong cuốn nhật ký bị bỏ lại thế giới bên này của McCandless, có vẻ như anh đã chết được khoảng 9-10 ngày ở thời điểm được tìm thấy. Tấm bằng lái xe được cấp 8 tháng trước khi chết cho hay Chris 24 tuổi và nặng khoảng 64kg. Khi được tìm thấy, anh chỉ còn nặng hơn 30kg, suy kiệt nặng nề và gần như chắc chắn đã chết vì thiếu đói.

Câu chuyện về Alexander siêu lang thang - gã thanh niên mộng mơ và lãng mạn, trở thành biểu tượng của tự do sau khi chết đói - Ảnh 1.

Chris McCandless.

Cuộc đời của Chris đã trở thành biểu tượng của quá nhiều thứ - từ tinh thần liều lĩnh và phóng khoáng chinh phục miền hoang sơ của người trẻ cho tới những tiếc nuối sau cùng về một gã mộng mơ, đam mê cuộc sống ban sơ nhưng thiếu đi kinh nghiệm sinh tồn. Cuốn sách (và bộ phim ăn theo) tên Into the Wild đã trở nên nổi tiếng qua nhiều năm, thế nhưng câu chuyện về gã trai liều lĩnh và lãng mạn này vẫn luôn khiến nhiều người thương tiếc tới nao lòng mỗi khi nhắc lại.

Chris McCandless là ai?

McCandless sinh tại El Segundo, California, là con trai cả của Walt McCandless và Wilhelmina "Billie" Johnson, đồng thời có một em gái tên Carine. Sau nhiều biến cố, gia đình anh chuyển về Annandale, Virginie, một khu ngoại ô giàu có của Washington DC. Gia đình McCandless thuộc hàng khá giả nhưng bố và mẹ (kế) lại thường xuyên cãi cọ dữ dội, đôi khi còn dự tính tới việc li dị.

Câu chuyện về Alexander siêu lang thang - gã thanh niên mộng mơ và lãng mạn, trở thành biểu tượng của tự do sau khi chết đói - Ảnh 2.

Một trong số những tấm ảnh về thời trẻ của McCandless.

Anh tốt nghiệp trường Trung học Wilbert Tucker Woodson năm 1986. Ngày 10 tháng 6 năm 1986, McCandless dấn thân vào nghiệp phiêu lưu khi thực hiện chuyến đi dọc đất nước và tới Emory chỉ hai ngày trước khi kỳ học mùa thu bắt đầu. Anh tốt nghiệp Đại học Emory năm 1990, chuyên ngành lịch sử và nhân loại học. Do nghiên cứu về lịch sử con người mà anh dần coi khinh chủ nghĩa vật chất đang bao trùm nước Mỹ trong thời kỳ kinh tế phát triển mạnh mẽ. McCandless từ đó chịu ảnh hưởng mạnh bởi những nhà văn mang khuynh hướng giai cấp công nhân - vô sản như Lev Tolstoy, W. H. Davies hay thậm chí Jack London. Đặc biệt là Jack London luôn! Cũng từ đó mà Chris bắt đầu mơ tưởng về một cuộc sống xa rời văn minh, trở nên hòa hợp với thiên nhiên hoang dã và sống với một tâm hồn thoải mái, mộng mơ cùng thể chất khỏe mạnh như những người nguyên thủy.

Hành trình của McCandless

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Chris quyên góp 24 trong số 47 nghìn USD trong quỹ học bổng gia đình cung cấp cho 2 năm cuối Đại học cho tổ chức từ thiện Oxfam International. Từ đó, anh bắt đầu đi lang thang ngang dọc đất nước với cái tên "Alexander Supertramp" (Alexander siêu lang thang). Hành trình của McCandless kể ra là đáng kinh ngạc, khi mà anh đã đi qua nhiều bang rộng lớn như Arizona rồi California, sau đó dừng chân tại Nam Dakota một thời gian và làm việc tại một gia đình nông dân với tư cách thợ gặt đập. Chris thậm chí đã khá thạo việc trong khoảng thời gian ngắn ngủi này.

Trên đường đi, Chris gần như không sử dụng tới tiền. Anh cho rằng tiền là thứ công cụ tầm thường, đồng thời cũng coi nghề nghiệp là thứ "có thêm vào chỉ tổ lo lắng. Chris cũng thay đổi giữa các công việc lẫn nhau và thỉnh thoảng vẫn kiếm được đồ ăn, thức uống. Sau một trận lũ quét, Chris buộc phải bỏ lại xe ô tô (dù chiếc xe không bị hư hại nhiều). Bản thân chiếc xe sau này là một trong những dấu tích cuối cùng còn tồn tại về Chris McCandless (với biển số đã được tháo ra). Chris sau đó xoay xở kiếm được một chiếc thuyền nhỏ, xuôi qua sông Colorado và vịnh California.

Với cách sống của mình, McCandless kiêu hãnh và tự hào khi được ngao du khắp nơi, cắt bỏ sự liên hệ của mình với lối sống vật chất, văn minh. Trên đường đi, Chris có kết bạn được với nhiều người, được họ giúp đỡ đồ ăn và nhiều thứ khác. Mọi thứ vẫn là màu hồng trong mắt chàng trai trẻ cho tới khi cậu thực hiện chuyến đi định mệnh của cuộc đời mình.

Chuyến đi tới Alaska và đoạn kết tại "Bus 142"

Vốn là một fan hâm mộ cuồng nhiệt các tiểu thuyết của Jack London, trong nhiều năm, McCandless đã luôn mơ về một sử thi Alaska, nơi con người chiến thắng tự nhiên do chính mình viết nên. Với lòng mộng mơ nhiệt huyết, vào tháng 4 năm 1992, McCandless vẫy xe đi nhờ tới vùng hoang phế Fairbanks, Alaska. Jim Gallien - người cho anh đi nhờ xe - cũng chính là người cuối cùng nhìn thấy Chris khi còn sống. Nghe qua về kế hoạch sinh tồn tại Alaska điên rồ của anh chàng "Alex siêu lang thang", Jim phát hoảng và tìm mọi cách can ngăn nhưng không được. Chris được mô tả lại là "còn không có một đôi giày đi tuyết cho đàng hoàng, không có cả la bàn" - và hiển nhiên là không có kinh nghiệm để sinh tồn giữa vùng rừng cây bụi thưa ở Alaska. Vậy nhưng anh vẫn khước từ mọi lời đề nghị giúp đỡ của Jim Gallien, thậm chí còn từ chối đề nghị tới Anchorage để mua nhu yếu phẩm và lương thực cần thiết. Cuối cùng, McCandless chỉ chấp nhận lấy từ Jim một đôi ủng đi tuyết, hai chiếc sandwich cá ngừ và một túi hạt ngũ cốc. Jim và McCandless chia tay nhau tại đầu đường Stampede Trail vào thứ Ba, ngày 28 tháng 4 năm 1992.

Câu chuyện về Alexander siêu lang thang - gã thanh niên mộng mơ và lãng mạn, trở thành biểu tượng của tự do sau khi chết đói - Ảnh 3.

Chris McCandless bên ngoài chiếc xe bus 142 trứ danh của anh.

 McCandless nhanh chóng tìm được chiếc xe bus bỏ hoang đánh số 142 và biến nó thành nơi trú ngụ của mình. Với 4,5kg gạo, 1 khẩu súng trường và 400 viên đạn cùng một cuốn sách về động - thực vật học địa phương, McCandless tự tin rằng mình đã có thể sống sót giữa thiên nhiên khắc nghiệt vùng Alaska. McCandless quả thực đã bắt được một số động vật nhỏ như nhím hay chim. Anh thậm chí đã từng bắn được một con nai sừng tấm, nhưng do không biết cách bảo quản thịt nên hầu hết con nai đó đã bị bỏ phí. Trong bộ phim "Into the Wild" nói về cuộc đời của Chris, đây chính là khoảnh khắc cao trào đẩy anh chàng mộng mơ này vào hố sâu tuyệt vọng.

Nhật ký sinh tồn của Chris kéo dài 112 ngày. Tới ngày 12 tháng 8 năm 1992, McCandless đã viết vào nhật ký của mình những dòng cuối cùng trong đời: "Những cây việt quất đẹp đẽ." Trên thực tế, vào những ngày cuối đời tình trạng của Chris McCandless đã trở nên khá tồi tệ khi anh không có đủ nguồn cung cấp thực phẩm. Trái ngược với mẩu giấy kêu cứu đầy tuyệt vọng dán trên cửa xe bus, Chris vẫn tỏ ra khá lạc quan trong nhật ký cá nhân với những dòng gần như sau cuối: "Tôi đã có một đời hạnh phúc, cảm ơn Chúa. Tạm biệt, và chúc phúc cho các bạn!"

Câu chuyện về Alexander siêu lang thang - gã thanh niên mộng mơ và lãng mạn, trở thành biểu tượng của tự do sau khi chết đói - Ảnh 4.

"Tôi đã có một đời hạnh phúc, cảm ơn Chúa. Tạm biệt, và chúc phúc cho các bạn!"

 Những gì xảy ra tiếp theo hẳn ai cũng đã rõ. Chris được tìm thấy trong chiếc túi ngủ trong xe bus khoảng nửa tháng sau đó - vào ngày 6 tháng 9 năm 1992 bởi các thợ săn nai sừng tấm. Lý do tử vong: thiếu đói đến suy nhược, hay nghiệt ngã và phũ phàng hơn, là chết đói. Tác giả của cuốn "Into the Wild" nói về cuộc đời của Chris cho rằng anh đã bị ngộ độc khi ăn dâu dại, nhưng các xét nghiệm sau cùng cho thấy anh hoàn toàn không nhiễm phải chất độc nào trong người.

Alexander Siêu lang thang - gã khờ dại đáng trách hay kẻ mộng mơ vĩ đại?

Chris McCandless đã trở thành biểu tượng cho nhiều thứ đẹp đẽ mà trên hết là tinh thần phiêu lưu khám phá, coi thường vật chất của tuổi trẻ hào sảng. 10 năm sau ngày Chris chết, chiếc xe bus 142 đã trở thành một biểu tượng văn hóa đương đại nổi tiếng, bản thân nó cũng đã trở thành một địa điểm du lịch thu hút. Đã có sách, phim và âm nhạc làm theo cái tên Chris McCandless, khiến cho cái tên của anh được nhớ tới vì những điều đẹp đẽ và ngây thơ, trong khi trên thực tế anh cũng là một gã liều lĩnh, ngây ngô và thiếu kỹ năng sinh tồn trầm trọng. Thứ mà Chris McCandless tìm kiếm không hoàn toàn là sự đoạn tuyệt với loài người, anh còn tìm kiếm cuộc sống hoang dã để trui rèn bản thân và trở nên mạnh mẽ, rắn rỏi hơn. Đáng tiếc là mặc cho lý do ban đầu có đẹp tới đâu, McCandless đã không thể vượt qua thử thách để trở về với văn minh, với những người yêu thương và quan tâm anh.

Câu chuyện về Alexander siêu lang thang - gã thanh niên mộng mơ và lãng mạn, trở thành biểu tượng của tự do sau khi chết đói - Ảnh 5.

Cuộc đời Chris McCandless đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều văn hóa phẩm đương đại nổi tiếng.

Vậy Chris McCandless, anh là gã khờ dại đáng trách hay một kẻ mộng mơ vĩ đại? Câu trả lời có lẽ sẽ mỗi người một khác, tuy nhiên một điều khá chắc chắn, đó là anh đã trở thành tượng đài bất tử của những người trẻ yêu tự do, muốn được sống với không gì khác ngoài bản thân và cái tôi chân phương của chính mình.

(Nguồn: Tổng hợp)

Chia sẻ