Cậu bé từng khiến Tóc Tiên "nổi da gà" tại Vietnam Idol Kids: 6 năm sau chinh phục loạt học bổng "triệu đô", mẹ tiết lộ bí kíp siêu hữu ích
Ngoài thành tích học tập đỉnh, Hòa còn là gia sư dạy SAT, chơi piano siêu "cừ" và thường xuyên tổ chức nhiều chương trình hòa nhạc quyên góp từ thiện gây được tiếng vang.
6 năm trước, ngay ở tập 1 Vietnam Idol Kids, cậu bé Lý Vĩnh Hòa là thí sinh nhí được 3 vị giám khảo đánh giá cao vì có thẩm mỹ âm nhạc tốt, đặc biệt Tóc Tiên đã không tiếc lời khen ngợi: "Có rất nhiều cảm xúc và đầy tình cảm. Chỉ cần nghe câu đầu tiên là cô đã nổi hết da gà vì con hát cao độ chuẩn xác, nhịp chuẩn xác, không chênh phô".
Cậu bé được đánh giá là "tài không đợi tuổi". Em gái Vĩnh Hòa, Mai Chi cũng là quán quân Gương mặt thân quen nhí 2016. Cả hai đều không phải "con nhà nòi" về nghệ thuật, không được đào tạo bài bản và chỉ đi thi để thử sức mình.
Sau 6 năm, Vĩnh Hòa nay trổ mã thành một cậu thanh niên chững chạc. Không chọn theo con đường nghệ thuật, Hòa được mẹ định hướng tập trung vào việc học. Mới đây, cậu bé đã chinh phục loạt học bổng từ nhiều trường đại học lớn ở Mỹ với tổng giá trị học bổng lên tới hơn 1 triệu USD. Ngoài ra, Hòa còn là gia sư dạy SAT, chơi piano siêu "cừ" và thường xuyên tổ chức nhiều chương trình hòa nhạc quyên góp từ thiện gây được tiếng vang.
Hành trình săn học bổng của Vĩnh Hòa có sự đồng hành sát sao, lên kế hoạch, lịch trình hướng dẫn chi tiết từng bước của mẹ. Chị Hồng Điệp cho rằng, điều quan trọng nhất với các bạn nhỏ là cần có định hướng sớm và cha mẹ cần có thời gian để đồng hành cùng con.
Cụ thể, các học bổng Lý Vĩnh Hòa được nhận như sau:
1. Dickinson: 77,236usd/ năm với tổng số tiền được nhận cho 4 năm là 254,144usd.
2. Beloit: 68,362usd/năm, tổng số tiền được nhận cho 4 năm 221,048 usd.
3. Central: 60,370usd/ năm, tổng số học bổng được nhận 183,480 usd.
4. Wooster: 71,000usd/ năm, tổng số tiền được nhận 196,000 usd.
5. Kalamazoo: 69,236usd/năm , tổng số tiền được nhận 160,944usd.
6. Miami: 52,000usd, tổng số tiền được nhận 68,000usd.
Định hướng sớm và đồng hành cùng con
Khẳng định những bạn học kém thì không nên săn học bổng vì khả năng thành công không cao và sẽ tốn chi phí, thời gian. Tuy nhiên, chị Hồng Điệp, mẹ của Vĩnh Hòa cho rằng, những bạn săn được học bổng cũng không cần giỏi xuất sắc. Carot (tên ở nhà của Hòa) là 1 ví dụ.
"Trường Mỹ không chọn người giỏi mà họ chọn người toàn diện, nghĩa là nếu có 2 bạn 1 bạn học rất giỏi và chỉ là học giỏi và 1 người học vừa phải nhưng lại có thêm nhiều yếu tố khác thì chắc chắn họ chọn bạn thứ 2. Vì vậy, điều quan trọng nhất với các bạn nhỏ là cần có định hướng sớm và cha mẹ cần có thời gian để đồng hành cùng con.
Nếu đọc các bài báo về học bổng vào đại học Mỹ hàng năm chúng ta thường thấy 1 khuôn mẫu chung là gia đình nghèo, học giỏi, cha mẹ luôn nói rằng, họ không biết gì, con họ tự học, tự tìm học bổng, nói chung là con tự làm tất cả. Sau khi trải qua 1,5 năm cùng con săn học bổng thì mình khẳng định đó là những trường hợp cực kì hiếm hoi. Đâu đó trong cuộc sống vẫn có 5% kỳ tích và sự khác biệt".
Chị Điệp chỉ ra các lí do:
1. Để hoàn chỉnh hồ sơ săn học bổng Mỹ ngoài kết quả học tập ở trường thì cần có nhiều bằng cấp quốc tế do Mỹ tổ chức mà có vài bằng cấp các con không thể tự học, bắt buộc phải có người dạy và hướng dẫn (ví dụ SAT, lệ phí học môn này rất cao, trung bình từ 400.000 vnd đến 100usd/h 1 buổi học 90-120 phút). Ngoài ra con còn cần rất nhiều hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội, không đơn thuần chỉ làm từ thiện hay đi lao động công ích là xong… Những hoạt động này cũng sẽ ngốn kha khá tiền trong tổng ngân sách.
2. Phần lớn 1 đứa trẻ 15-16 tuổi chưa có đủ kiến thức, kinh nghiệm, trải đời để tự định hướng cho mình cần làm gì và nên làm gì, các con vẫn còn là những đứa trẻ con ham ăn, ham chơi, dù có 1 số bạn trưởng thành hơn, hiểu chuyện hơn nhưng nói bạn tự làm hết mọi chuyện 1 mình thì đó là điều vô cùng khó khăn và ít có bạn nào làm được.
"Nói như thế không có nghĩa là săn học bổng Mỹ là điều không thể. Với kinh nghiệm của mình thì tất cả đều có thể, thậm chí là dễ nếu có định hướng sớm. Mỹ có 5000 trường đại học, xin học bổng các trường top 100/5000 mới khó, chứ để lấy học bổng các trường top thấp thì không lo quá nhiều", chị Điệp nhận định.
3 năm then chốt để chuẩn bị hồ sơ du học
Lý Vĩnh Hòa cùng mẹ chuẩn bị cho hành trình săn học bổng khá trễ (từ năm lớp 11). Tuy nhiên, theo chị Điệp, nếu có định hướng du học đại học thì 3 năm ( lớp 9-11) sẽ là 3 năm then chốt quyết định việc bạn có được nhận vào những trường đại học danh tiếng và có được học bổng hay không.
Với Hòa, vì thời gian chuẩn bị khá trễ nên mọi việc rất tất bật và phải tập trung hơn người khác gấp nhiều lần. Trùng hợp là thời điểm này, Hòa không học ở trường do dịch Covid-19 nên tập trung toàn thời gian cho hồ sơ du học. Em làm bạn với máy tính hơn 1 năm từ 8h sáng tới 11h đêm, cực kỳ áp lực.
Những thứ nhất thiết phải có trong hồ sơ du học
1. Cố gắng có được điểm GPA càng cao càng tốt
Điểm GPA là điểm trung bình của các môn học của bạn trong suốt 3 năm. Điểm GPA của bạn càng cao thì bạn sẽ càng có nhiều cơ hội được nhận vào đại học và được nhiều học bổng, mức GPA gợi ý nên giữ vững từ 9,0 trở lên. GPA của Vĩnh Hòa từ 9,0-9,1 hàng năm.
2. Tham gia vào các khoá học/chương trình học đặc biệt nếu có thể
Những khoá học này thường sẽ có yêu cầu đầu vào nhất định, giáo trình học chuyên sâu hơn và với tốc độ nhanh hơn các khoá học khác của cấp 3. Chính vì thế, khi học bạ của bạn có những khoá học này thì hội đồng tuyển sinh đại học và xét tuyển học bổng sẽ có ấn tượng tốt hơn với bạn. Họ sẽ thấy được khả năng học tập, sự nghiêm túc và cố gắng của bạn.
Chẳng hạn, Advanced Placement Courses (AP course): Có thể dịch là Khoá học Nâng Cao. Khoá học này thường rất khó. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là sau khi học xong 1 khoá học AP thì bạn sẽ có cơ hội tham gia vào một kỳ thi đánh giá. Bạn sẽ được cho điểm từ 1-5. Nếu bạn được 3 điểm trở lên thì bạn được sẽ được công nhận tín chỉ đại học cho khóa học đó. Vĩnh Hòa không có bất cứ tín chỉ AP nào trước khi apply học bổng, sau khi có học bổng bạn mới đăng kí học 2 môn để sau này rút ngắn thời gian học tại Mỹ.
Ví dụ, học AP Chemistry (AP Hoá), thi được 5 điểm, và khi lên đại học thì không phải học lớp General Chemistry là lớp ban đầu của Chemistry mà có thể học ngay vào lớp cao hơn. Điều này giúp mình tiết kiệm được thời gian và tiền bạc lúc học đại học, vì tín chỉ đại học đắt tiền hơn lúc học cấp 3 nhiều.
3. IElTS:
Nếu apply Úc hay Canada thì phần này cực kỳ quan trọng, nhung nếu apply Mỹ thì đây chỉ là yếu tố đủ... nghĩa là bạn chỉ cần 7,0 để có thể đủ điều kiện xét hoc bổng. Đối với Mỹ, Ielts chỉ thể hiện trình độ ngoại ngữ chứ không thể hiện được phần học thuật, 7.0 là bạn đủ khả năng để đọc hiểu và học tốt.
3. Chuẩn bị cho kỳ thi xét tuyển đầu vào đại học
Tại Mỹ có 2 kỳ thi mà bạn nên biết. Đó là ACT và SAT. 2 kỳ thi này giúp hội đồng xét tuyển đánh giá sự sẵn sàng của học sinh khi ứng tuyển vào đại học. Nếu bạn muốn học đại học ngay sau khi hoàn tất cấp 3 thì nên tham gia thi vào năm 11. Nếu bạn thi sớm thì bạn sẽ có thời gian để thi lại nếu muốn.
ACT là viết tắt cho American College Testing. Bài thi gồm có 4 phần: Đọc hiểu, Ngôn Ngữ Anh, Toán, Khoa Học, và 1 phần Viết (không bắt buộc). Bài thi kéo dài 3 tiếng. Mỗi năm được tổ chức 7 lần ở khắp các thành phố ở Mỹ.
SAT là viết tắt cho Scholastic Assessment Test. Bài thi gồm có 3 phần: Đọc hiểu, Ngôn Ngữ Anh, Toán, Bài thi kéo dài 3 tiếng. Mỗi năm được tổ chức khoảng 10 lần ở khắp các thành phố ở Mỹ. Nhưng chỉ được tổ chức ở Vietnam tầm 4 lần/năm. Vĩnh Hòa chọn SAT để học, đây là phần bạn bỏ nhiều thời gian và công sức nhất trong toàn bộ hồ sơ du học.
4. Tìm người hướng dẫn
Chị Điệp chia mentor ra 2 kiểu: Agency và tư vấn tự do. Trong đó, agency là các trung tâm tư vấn du học, có hai loại là "liên kết" với các đại học Mỹ và tuyển học sinh ở Việt Nam hoặc không có liên kết.
Với trung tâm không liên kết, họ chủ yếu săn học bổng ở các trường đại học top 100, sẽ xem profile của học sinh rất kỹ trước khi nhận. Nếu thấy khả năng lấy được học bổng bao nhiêu, nên đủ thời gian chuẩn bị không thì họ mới nhận. Agency này thường thu phí rất cao từ 8000usd đến 50,000 usd tiền phí dịch vụ (tuỳ vào trung tâm và tuỳ vào danh sách trường, mức độ học bổng mà bạn hướng tới).
Loại trung tâm này sẽ cùng đồng hành với con bạn trong tất cả mọi việc, họ có nhiều bộ phận khác nhau, bạn sẽ phải làm việc với từng bạn phụ trách của từng bộ phận (bạn chuyên trách về học thuật, bạn về ngoại khoá, bạn về design, thiết kế, bạn về chọn trường, nộp hồ sơ…). Tuy nhiên sẽ có 1 bạn quan trọng nhất là mentor - chính bạn ấy sẽ lên lộ trình, thiết kế khối lượng công việc cho từng bộ phận và theo sát tiến độ của từng công việc.
Chị Điệp cho rằng do Vĩnh Hòa không chăm lắm, ít chủ động nên gia đình chọn agency loại 2… Mức phí trả tầm trên dưới 100 triệu.
5. Hoạt động ngoại khóa
Đây là phần rất rất quan trọng. Nó không chỉ là các công tác xã hội mà bao gồm cả giải thưởng của các kì thi quốc gia, quốc tế. Vĩnh Hòa được 2 giải nghiên cứu khoa học tại Mỹ. Ở Mỹ không chọn người chỉ biết học mà bạn còn phải thể hiện mình là người năng nổ, có trái tim nhân hậu, có năng khiếu và sẵn sàng sống vì người khác.
6. Định hướng hướng đi nghề nghiệp tương lai
Điều này thật sự không dễ dàng cho một học sinh cấp 3. Ngay cả đối với sinh viên đại học thì nhiều bạn cũng thay đổi ngành học, và ngay cả những người đã làm việc trong nghề một thời gian vẫn có thể đổi nghề. Tuy vậy, bạn hãy bắt đầu tìm hiểu về nhiều ngành nghề để có thêm sự hiểu biết và cái nhìn về nhiều nghề nghiệp khác nhau. Trong quá trình này bạn hãy chú ý đến những cảm nhận về ngành nghề đó và ghi chép lại, để từ đó hiểu rõ hơn bản thân bạn thích gì, không thích gì, sở trường của bạn là gì.
Một điều thú vị ở Mỹ đó là hầu hết ngành nghề đều học đại cương 2 năm cùng với nhau, sau 2 năm này bạn nhận ra mình thích và phù hợp với nghề gì thì bạn sẽ chuyển học ngành đó. Ví dụ bạn đăng ký học kỹ sư nhưng sau 2 năm đại cương bạn muốn học công nghệ thì 2 năm cuối bạn sẽ tập trung vào ngành này và ra trường với tấm bằng công nghệ. Vì thế, bạn không cần phải quyết định ngay mình muốn làm nghề gì ở giai đoạn này, mà chỉ cần xác định một hướng đi.
7. Tìm hiểu về các trường đại học
Sau khi đã xác định được hướng đi thì bạn hãy tìm hiểu thêm về các trường đại học tiềm năng. Bạn có thể tìm hiểu từ những website tổng hợp như US News Best Colleges theo các hạng mục bạn quan tâm như vị trí địa lý, các chuyên ngành giỏi, tỉ lệ sinh viên với giáo viên hướng dẫn, v.v. rồi tìm hiểu sâu hơn về mỗi trường.
8. ESSAY: Bài luận
Đây là phần cực kỳ quan trọng trong hồ sơ du học, nó thể hiện quan điểm sống và cho hội đồng tuyển sinh biết bạn là ai… Phần này chắc chắn cần sự giúp sức của những người chuyên môn đi trước.
9. Thư giới thiệu
Đây là những ý kiến của các thầy cô hay người hướng dẫn đồng hành với bạn trong suốt thời gian qua, không cần người viết thư quá cao hay cực giỏi mà quan trọng là người đó gần gũi và có thời gian tiếp xúc với bạn nhiều nhất.
Tự nhận mình là bà mẹ quá nghiêm khắc với con, từ việc học, ăn uống hay cả việc giao lưu bạn bè và trên thực tế đã từng bị gia đình nội ngoại hai bên nhận xét như vậy. Tuy nhiên chị Hồng Điệp cho biết, bản thân là mẹ, chị hiểu con mình. Con không phải là cậu bé siêng năng, cũng không phải là người ham học... nhưng bù lại là cậu bé biết sợ và nghe lời.
"Với 1 đứa trẻ như con mẹ không còn cách nào khác là đóng vai tiger mom (mẹ Hổ) đúng nghĩa. Có thể cách làm của mẹ đã sai hay không hoàn toàn phù hợp nhưng đến hôm nay mẹ con mình đã có chút thành tựu, không uổng phí bao khó khăn đã trải qua.
Học bổng toàn phần học phí của Mỹ là cái gì đó quá lớn và thật sự khó khi mỗi năm trường đại học chỉ cho 1-2 suất cho sinh viên quốc tế trên toàn thế giới… Con luôn bảo mục tiêu mẹ đặt ra quá lớn cho con, con luôn nghĩ rằng mình sẽ không làm được, mẹ vẫn nói mọi thứ đều phải thử, thử rồi, cố gắng rồi, có thất bại cũng không nuối tiếc... Không có áp lực thì không thể có kim cương, để hôm nay con có thể ngẩng cao đầu nói với mẹ: "Mom, i did that".