Cập nhật dịch COVID-19: Châu Âu không còn là điểm nóng của dịch bệnh, Brazil nổi lên như là một ổ dịch nghiêm trọng

T.L,
Chia sẻ

Tình hình dịch COVID-19 tại Mỹ đang dần hạ nhiệt, song Brazil lại đang nổi lên như là một ổ dịch nghiêm trọng. Nga là nước đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc bệnh trong ngày cũng như tổng số người mắc bệnh.

Bản tin lúc 6h ngày 25/5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, không có ca mắc mới COVID-19. Hôm nay đã tròn 39 ngày Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng. 11/58 ca đang điều trị đã âm tính từ 1-2 lần với virus gây COVID-19. Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam có 325 ca mắc COVID-19.

Trên thế giới, theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật sáng 25/5 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 93.563 ca mắc bệnh và 2.752 ca tử vong mới, giảm đáng kể so với hôm trước.

Tính đến nay, toàn thế giới đã ghi nhận ít nhất 5.491.513 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 346.360 ca tử vong. Đại dịch COVID-19 đã lan ra hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với 2.299.178 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh. Số bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch còn 53.224 và 2.845.975 người đang phải điều trị tích cực.

Trong 24 giờ qua, thế giới chỉ có 2 nước ghi nhận số ca tử vong ở mức trên 500 ca là Brazil và Mỹ. Tình hình dịch tại Mỹ đang dần hạ nhiệt, song Brazil lại đang nổi lên như là một ổ dịch nghiêm trọng. Nga là nước đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc bệnh trong ngày cũng như tổng số người mắc bệnh.

Cập nhật dịch COVID-19: Châu Âu không còn là điểm nóng của dịch bệnh, Brazil nổi lên như là một ổ dịch nghiêm trọng - Ảnh 1.

Du khách tập trung trên lối đi vào cuối tuần Ngày Tưởng niệm ở Ocean City, Maryland, US, ngày 23 tháng 5 năm 2020. REUTERS / Kevin Lamarque

Brazil: Vẫn có nguy cơ bùng phát dịch mạnh

Tại Brazil, trong vòng 24 giờ qua, quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận 653 ca tử vong và 15.813 ca dương tính, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì COVID-19 tại nước này lên lần lượt 363.211 và 22.666 ca. Theo số liệu, số ca mắc COVID-19 tại Brazil đã vượt qua Nga và đứng thứ 2 thế giới, sau Mỹ.

Trước đó, từ ngày 22/5, công báo của chính phủ Brazil công bố rằng Brazil sẽ gia hạn lệnh đóng cửa biên giới thêm 30 ngày. Biện pháp này sẽ áp dụng cho cả các biên giới đường bộ và hàng không, chỉ trừ giao thông thương mại. Ngoài ra, lệnh cấm nhập cảnh còn được miễn trừ đối với các công dân Brazil và người nước ngoài tạm trú hay thường trú tại nước này theo các cơ quan đại diện ngoại giao.

Giới chức y tế cảnh báo Brazil chưa tới đỉnh dịch và số ca tử vong cũng như dương tính với virus SARS-CoV-2 có thể còn tăng cao trong thời gian tới.

Mỹ: Hạn chế du khách từ Brazil nhập cảnh vào Mỹ

Mặc dù số ca mắc bệnh mới trong ngày vẫn ở mức cao nhưng số ca tử vong do dịch COVID-19 tại Mỹ đã giảm đáng kể. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận 18.338 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 1.685.166 và 603 ca tử vong mới, tổng số ca tử vong là 99.286.

Thống đốc bang New York Andrew Cuomo tuyên bố các hạt ở ngoại ô thành phố New York có thể bắt đầu hoạt động trở lại từ tuần sau (25/5) nếu số ca tử vong liên quan đến COVID-19 tiếp tục giảm và các chương trình truy xuất tiếp xúc được thực thi rộng rãi. Ông Cuomo cũng khuyên mọi người nên thực hiện tốt việc giãn cách xã hội khi tập hợp thành nhóm tối đa 10 người.

Tất cả 50 tiểu bang của Mỹ đã nới lỏng các hạn chế phòng COVID-19 ở một mức độ nào đó. Ở một số tiểu bang, như Illinois và New York, các nhà hàng vẫn đóng cửa để ăn uống trực tiếp và các tiệm làm tóc vẫn đóng cửa. Ở nhiều tiểu bang miền Nam, hầu hết các doanh nghiệp đều mở, với những hạn chế về năng lực.

Ngày 24/5, Nhà Trắng thông báo đã quyết định cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với hầu hết công dân nước ngoài từng ở Brazil trong 2 tuần gần nhất, trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang trở thành điểm nóng mới của đại dịch COVID-19.

Châu Âu: Không còn là điểm nóng của dịch bệnh

Pháp: Số ca nhiễm mới và tử vong trong ngày ở mức thấp nhất

Chính quyền Pháp báo cáo, trong ngày Chủ Nhật (24/5), số ca nhiễm và tử vong mới liên quan đến COVID-19 tại quốc gia này ở mức nhỏ nhất kể từ trước khi lệnh phong tỏa bắt đầu có hiệu lực vào ngày 17 tháng 3. Điều này làm tăng hy vọng rằng dịch bệnh tồi tệ nhất đã qua ở Pháp.

Số trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh tại Pháp trong ngày hôm qua là 342, nâng tổng số người mắc bệnh lên 182.584 người. Với số người chết tăng 35 người, tổng số ca tử vong từ đầu dịch tăng lên 28.367.

Nhà dịch tễ học Laurent Toubiana, giám đốc viện dữ liệu y tế IRSAN, cho rằng dịch bệnh tồi tệ nhất đã qua và cho biết dịch COVID-19 có thể không quay trở lại, không giống như các đại dịch trước đó như cúm 1918 ở Tây Ban Nha.

Bất chấp việc nới lỏng các hạn chế, các quy tắc giãn cách xã hội vẫn được áp dụng ở Pháp và Bộ trưởng Môi trường Elisabeth Borne nói với đài phát thanh của Pháp, chính phủ không muốn mọi người đi du lịch nước ngoài vào mùa hè này.

Cập nhật dịch COVID-19: Châu Âu không còn là điểm nóng của dịch bệnh, Brazil nổi lên như là một ổ dịch nghiêm trọng - Ảnh 2.

Một người phụ nữ đi ngang qua một quán bar đóng cửa ở Cambrai, Pháp. REUTERS / Pascal Rossignol

Italy: Số người tử vong hàng ngày giảm xuống

Italy ghi nhận 50 trường hợp tử vong mới do dịch COVID-19 vào Chủ nhật (24/5) so với 119 ngày trước đó, Cơ quan Bảo vệ Dân sự cho biết. Tuy nhiên, cơ quan này nói thêm rằng dữ liệu đó không bao gồm các trường hợp tử vong từ khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do các vấn đề kỹ thuật.

Số liệu kiểm kê các ca nhiễm mới hàng ngày đã giảm xuống còn 531 so với 669 ca vào thứ Bảy. Như vậy, tới hiện tại, Italy ghi nhận 229.858 người mắc bệnh, cao thứ 5 toàn cầu và 32.785 ca tử vong, cao thứ 3 toàn cầu.

Dù đã dỡ bỏ phong tỏa hôm 18/5, nhưng Italy vẫn đang hết sức thận trọng. Trong kỳ nghỉ cuối tuần đầu tiên, người dân trên khắp Italy đã đổ ra đường để tận hưởng các hoạt động giải trí cuối tuần như thói quen trước đây sau hơn 2 tháng phong tỏa vì đại dịch COVID-19.

Anh: Sẽ mở cửa trường học trở lại từ tháng 6

Đến ngày 25/5, số người bị nhiễm COVID-19 là 259.559 trường hợp, với số ca tử vong là 36.793 (tăng 118 ca so với 1 ngày trước đó).

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 24/5 cho biết các trường học tại vùng England sẽ mở cửa trở lại từ ngày 1/6 tới, trước mắt là đón các học sinh thuộc nhóm đối tượng lớp 1 và lớp 6.

Một tuần sau đó, học sinh các lớp 10 và lớp 12 sẽ có một số giờ học trên lớp với giáo viên nhằm giúp học sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở (GCSE) và hệ dự bị đại học (A level) trong năm 2021.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Johnson cho biết ngày 28/5, Chính phủ sẽ họp xem xét lại các biện pháp phong tỏa sau mỗi 3 tuần mà nước Anh thực hiện kể từ khi áp dụng lệnh phong tỏa hồi tháng 3 vừa qua.

Cập nhật dịch COVID-19: Châu Âu không còn là điểm nóng của dịch bệnh, Brazil nổi lên như là một ổ dịch nghiêm trọng - Ảnh 3.

Một giáo viên dọn dẹp lớp học của mình khi các biện pháp được thực hiện để ngăn chặn sự lây truyền COVID-19 trước khi mở lại một trường tiểu học ở Poynton gần Manchester, Anh. (Ảnh AP / Jon Super)

Nga: Đứng thứ 3 thế giới về số ca mắc bệnh trong ngày cũng như tổng số người mắc bệnh

Tại Nga, theo số liệu cập nhật của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 LB Nga, tính đến 6 giờ sáng 25/5, nước này ghi nhận thêm 8.599 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại 84 chủ thể liên bang, nâng tổng số lên 344.481 ca.

Số liệu trên cho biết với 153 ca tử vong được ghi nhận trong vòng 24 giờ qua, tổng số ca tử vong tại LB Nga hiện đã lên tới 3.541 người; đồng thời có thêm 5.363 ca bình phục, đưa tổng số bệnh nhân được xuất viện lên 113.299 người.

Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm mới nhất với 59 ca tử vong trong ngày, nâng số ca tử vong lên 1.993 ca.

Ngoài Moskva, các địa phương khác có số ca mắc COVID-19 cao trong vòng 24 giờ qua là thành phố St. Petersburg – 384 ca; tỉnh Nizhny Novgorod – 221; tỉnh Rostov – 152; tỉnh Krasnoyarsk – 146.

Tây Ban Nha: Người dân Madrid háo hức trước khi mở cửa trở lại một số hoạt động trong tuần này

Cư dân Madrid và Barcelona đang háo hức dự đoán việc mở lại công viên, bảo tàng, nhà thờ và chỗ ngồi ngoài trời tại các quán bar trong tuần này, khi Tây Ban Nha chuẩn bị nới lỏng một số biện pháp hạn chế chặt nhất ở châu Âu tại thủ đô và thành phố lớn thứ hai của họ.

Tây Ban Nha là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất châu Âu do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất châu lục từ ngày 14/3. Tính đến nay, nước này ghi nhận 282.852 ca nhiễm và 28.752 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trước đó, ngày 23/5, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thông báo nước này sẽ mở cửa trở lại với khách du lịch quốc tế từ tháng 7 tới.

Cập nhật dịch COVID-19: Châu Âu không còn là điểm nóng của dịch bệnh, Brazil nổi lên như là một ổ dịch nghiêm trọng - Ảnh 4.

Các nhân viên của Latam Airlines đi bộ tại sảnh làm thủ tục của công ty tại sân bay quốc tế Guarulhos vì giao thông hàng không bị ảnh hưởng, ở Guarulhos, gần Sao Paulo, Brazil. (REUTERS / Amanda Perobelli)

Châu Á: 24.085 người mắc bệnh và 387 người tử vong trong ngày

Tính tới 6 giờ sáng 25/5 (giờ Việt Nam), châu Á đã ghi nhận 960.418 ca mắc COVID-19, trong đó 27.455 ca tử vong.

Ấn Độ: Ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục trong một ngày

Cơ quan y tế Ấn Độ cho biết trong 24 giờ qua đã có thêm 156 ca tử vong mới và 7.113 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca tử vong và ca nhiễm tại quốc gia này lên lần lượt là 4.024 ca và 138.536 ca. Đây là ngày có số ca nhiễm tăng kỷ lục tại Ấn Độ.

Tình hình COVID-19 tại ASEAN hết ngày 24/5

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.393 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 26 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực chỉ còn hai nước Indonesia, Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Dịch bệnh tiếp tục xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới và tử vong tại những điểm nóng như Singapore hay Indonesia đều giảm.

Ủy ban chống COVID-19 của Indonesia thông báo, ngày 24/5 nước này có 526 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 22.271 ca. Tổng số ca tử vong tại Indonesia đã tăng lên 1.372 ca, với 21 ca tử vong mới. Số người khỏi bệnh là 5.409. Indonesia vẫn là "ổ dịch" nghiêm trọng nhất khu vực. Hiện nay, đại dịch COVID-19 đã lây lan đến toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia.

Trong khi đó, Bộ Y tế Philippines ngày 24/5 ghi nhận 258 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 14.035 ca. Philippines có thêm 5 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 868 ca. Bộ trưởng Y tế nước này Francisco Duque nhận định Philippines đang đối mặt với làn sóng nhiễm COVID-19 thứ hai.

Trong vòng 1 ngày qua, Singapore ghi nhận số ca mắc bệnh COVID-19 cao nhất khu vực với 548 ca và tới thời điểm này Singapore cũng là nước có tổng số ca dương tính nhất, số ca tử vong vẫn là 23 ca. Ngoài ra, Singapore có 13.882 ca đã bình phục. Các biện pháp phong tỏa nhằm đối phó với dịch COVID-19 đang được áp dụng tại Singapore sẽ kết thúc vào ngày 1/6 và nước này sẽ dần khởi động lại nền kinh tế theo 3 giai đoạn trong vài tháng sau đó.

Malaysia không ghi nhận thêm ca tử vong nào trong ngày 24/5, tổng số tử vong là 115 người. Với 60 trường hợp mới mắc bệnh, tổng số bệnh nhân dương tính với COVID-19 tại Malaysia là 7.245 người.

Tại Thái Lan, trong ngày 24/5 không ghi nhận thêm ca mắc bệnh COVID-19 và ca tử vong nào, duy trì ở mức 3.040 ca nhiễm và 56 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1 vừa qua. Tính đến ngày 24/5, Thái Lan cũng ghi nhận tổng cộng 2.921 bệnh nhân COVID-19 đã bình phục và được phép trở về nhà. Các cơ quan an ninh của nước này đã nhất trí kiến nghị kéo dài Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới hết tháng 6 do tình hình đại dịch COVID-19 toàn cầu vẫn đáng lo ngại.

Cập nhật dịch COVID-19: Châu Âu không còn là điểm nóng của dịch bệnh, Brazil nổi lên như là một ổ dịch nghiêm trọng - Ảnh 5.

Hai sĩ quan trong trang phục bảo vệ cá nhân (PPE) đứng cạnh khi các cảnh sát Italy khác kiểm tra những người nhập cư ở vùng nông thôn ở Palma di Montechiaro gần Agrigento Sicily. (Sandro CATSNESE / AFP)

Đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại khu vực Trung Đông trong ngày 24/5, với số ca mắc mới trong ngày và tử vong đều ở mức cao

Thông báo của Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho hay trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 1.141 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở quốc gia này lên tới 156.827 người. Trong khi đó, tổng số ca tử vong ở Thổ Nhĩ Kỳ là 4.340 người, trong đó 32 ca mới được ghi nhận.

Bộ Y tế Saudi Arabia cùng ngày thông báo đã có thêm 11 ca tử vong do COVID-19 và 2.399 ca mắc mới. Tính đến nay số trường hợp tử vong do COVID-19 ở Saudi Arabia là 390 người trong tổng số ca mắc là 72.560. Với nỗ lực nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 trong dịp lễ Eid Al-Fitr, vương quốc này đã áp dụng lệnh phong tỏa 24 giờ đến ngày 27/5.

Tối 24/5 theo giờ địa phương, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, tuyên bố, từ ngày 1/6 nước này sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc, cho phép đa số các lĩnh vực kinh tế hoạt động trở lại, cũng như dỡ bỏ một số hạn chế liên quan đến việc đi lại của người dân.

Nguồn: Reuters, Channelnews

Chia sẻ