Cảnh báo của chuyên gia: Ngay cả khi chỉ bị cảm cúm, đừng làm điều này cho con vì rất hại
Khi trẻ bị cảm cúm, biện pháp phổ biến của cha mẹ là mua thuốc "không có sự chỉ dẫn của bác sĩ", được quảng cáo rầm rộ là có thể chữa nhiều chứng bệnh, bao gồm cả cảm cúm.
Trẻ em thường hay bị cảm hơn người lớn, khoảng 6 -10 lần/năm. Mỗi khi bị cảm thường kèm theo các triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi, ho và sốt nhẹ từ 7-10 ngày, có vẻ như trẻ liên tục bị ốm.
Cha mẹ thường muốn trẻ cảm thấy dễ chịu hơn và một lẽ tự nhiên là họ cố gắng tìm cách giúp con. Biện pháp phổ biến là mua thuốc "không có sự chỉ dẫn của bác sĩ" (OTC – over the counter), được quảng cáo rầm rộ là có thể chữa nhiều chứng bệnh, bao gồm cả cảm cúm.
Đi dạo quanh vài hiệu thuốc gần nhà, bạn sẽ thấy rất nhiều loại thuốc OTC dành cho cả người lớn và trẻ em.
Bạn cố mua một hoặc vài loại thuốc cho trẻ uống. Tuy nhiên, với trẻ em dưới 12 tuổi, tốt nhất là không nên dùng các loại thuốc ho, thuốc cảm OTC thường xuyên.
Theo nghiên cứu lâm sàng, các loại thuốc này không thực sự an toàn và hiệu quả. Đây là điều mà tác giả viết bài này đã nghiên cứu với tư cách là giáo sư thực nghiệm dược học.
Trẻ em không hẳn là người lớn thu nhỏ
Khi áp dụng thuốc OTC hay thuốc có chỉ dẫn của bác sĩ (Rx) đối với trẻ em, cần hiểu rằng hiệu quả cũng như tác dụng phụ của thuốc ở trẻ em là khác hẳn người lớn.
30 năm qua, chúng ta đã biết rất nhiều về sự khác biệt của dược lý học, hiệu quả và phản ứng thuốc – hay còn gọi là dược động học ở trẻ em so với người lớn. Tuy nhiên trước đó và thậm chí cho đến tận ngày nay, một số chuyên gia y tế vẫn cho rằng chức năng và tác dụng thuốc đối với trẻ em và người lớn là tương tự nhau.
Từ suy nghĩ này, nhiều bác sĩ thường áp dụng loại thuốc giống nhau cho cả người lớn và trẻ em, chỉ giảm số lượng thuốc dựa trên trọng lượng của đứa trẻ.
Ví dụ, nhà sản xuất hướng dẫn: một đứa trẻ nặng bằng một nửa cân nặng của người lớn thì tương ứng sẽ dùng liều thuốc bằng một nửa của người lớn. Thành phần hoạt chất trong thuốc ho và thuốc cảm OTC dành cho cả người lớn và trẻ em là khá giống nhau.
Tuy nhiên, tác giả đã và đang nghiên cứu thấy rằng, điều này không chính xác, thậm chí là nguy hiểm. Hầu hết các loại thuốc không được nghiên cứu và đánh giá cụ thể đối với trẻ em trước khi FDA dán nhãn chứng nhận và bán chúng ra thị trường.
(FDA: Food and Drug Adminstration - Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ)
Phải có những nghiên cứu và đánh giá chính thức thì mới có thể đưa ra một liều thuốc và một liệu trình thuốc thích hợp dành cho người bệnh. Thế nhưng bác sĩ lại được phép kê bất kỳ loại thuốc nào cho trẻ em mà thiếu những nghiên cứu dược lý đầy đủ về hiệu quả và độ an toàn của thuốc.
Quy định về thuốc OTC khác thuốc kê đơn (Rx)
Quy định của FDA về thuốc OTC khác thuốc kê đơn. Họ đánh giá và phê duyệt hoạt chất của thuốc OTC theo danh mục điều trị. Ví dụ thuốc trị ho và cảm. Từ năm 1972, FDA bắt đầu xem xét lại tính hiệu quả và an toàn của thuốc OTC, và hiện nay họ vẫn tiếp tục công việc này.
Quy định về các sản phẩm thuốc ho và thuốc cảm OTC dành cho trẻ em đã có nhiều thay đổi đáng kể trong những năm gần đây.
Năm 2007, một số chuyên gia y tế kiến nghị FDA cần xem xét cẩn thận về hiệu quả cũng như độ an toàn của nhiều loại thuốc ho và thuốc cảm OTC đối với trẻ em. Họ cũng yêu cầu rằng các sản phẩm này cần phải dán nhãn cấm sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Năm 2008, FDA khuyến cáo không nên dùng thuốc ho và thuốc cảm OTC cho trẻ em dưới 2 tuổi. Ngoài ra, Hiệp hội các Sản phẩm Y tế Tiêu dùng – nhóm thương mại đại diện cho các nhà sản xuất thuốc OTC cũng ra thông báo: thuốc sẽ được dán nhãn "không sử dụng cho trẻ dưới 4 tuổi".
FDA phê duyệt và hiện nay các loại thuốc ho, thuốc cảm OTC đều dán nhãn đó.
Bên cạnh đó, các tài liệu y tế cũng chỉ ra rằng, thành phần trong thuốc OTC thực ra không hiệu quả trong việc giảm triệu chứng cảm ở trẻ em. Đồng thời, sử dụng thuốc ho và thuốc cảm OTC có thể gây nguy hiểm.
Theo báo cáo, hơn 100 trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đã tử vong do sử dụng thuốc hoặc nguyên nhân phần lớn liên quan đến thuốc.
Mặc dù nhiều loại thuốc ho và thuốc cảm OTC không độc hại, nhưng báo cáo cũng chỉ ra nhiều trường hợp sử dụng thuốc sai quy cách, ví dụ liều quá lớn, dùng quá thường xuyên, đo lượng sirô không chính xác (quá nhiều) hoặc dùng nhiều hoạt chất thuốc OTC khác nhau dẫn đến tích lũy thành liều lượng lớn.
Cha mẹ rất dễ mắc phải những sai lầm này, một phần vì khó đo chính xác một liều lượng sirô quá nhỏ, một phần vì nóng vội muốn con nhanh khỏi bệnh (cho uống càng nhiều thuốc càng hy vọng trẻ nhanh khỏi bệnh).
Cảnh báo về codein
Những nghiên cứu và cảnh báo gần đây đã thay đổi đáng kể cách chúng ta sử dụng một loại thuốc trị ho truyền thống dành cho trẻ em – codein. Đó là một loại thuộc nhóm thuốc giảm đau opioid. Tồn tại dưới dạng thuốc trị ho thì nó vẫn là thuốc không cần kê đơn.
Tuy nhiên bản thân opioid là nhóm thuốc cần có chỉ định của bác sĩ tại tất cả các bang của Mỹ.
Nghiên cứu thấy rằng, codein có thể chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác. Codein đứng một mình có rất ít hiệu quả dược lý. Nhưng khi đi vào cơ thể, gan sẽ làm thay đổi dạng thức về mặt hóa học của codein và chuyển hóa nó thành morphine.
Morphine rất nguy hiểm vì nó ức chế hô hấp, cần được sử dụng thận trọng ngay cả ở người lớn. Codein không có hiệu quả với một số người nhưng lại tác dụng quá mạnh với một số người khác.
Nhiều năm qua, codein được dùng để giảm đau và trị ho ở cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, những đánh giá mới đây cho thấy codein có hiệu quả lâm sàng kém hơn so với nhiều loại thuốc khác.
Do khác biệt di truyền, lượng morphine chuyển hóa từ codein ở từng người là khác nhau. Ở một số người, codein chuyển hóa ra rất nhiều morphine còn một số khác lại ít hơn. Tài liệu tổng hợp 10 năm qua cho thấy codein gây nên chứng suy giảm hô hấp đáng kể ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Hơn 20 trường hợp suy hô hấp dẫn đến tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Năm 2016, Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ công bố cảnh báo nguy hiểm khi áp dụng codein cho trẻ em.
Họ khuyến cáo rằng, dùng codein cho mọi mục đích ở trẻ em, bao gồm cả giảm đau và trị ho cần phải hạn chế bớt, thậm chí chấm dứt hoàn toàn.
Hãy dùng các biện pháp thay thế
Khi con bạn bị cảm, thay vì mua thuốc ho và thuốc cảm OTC, hãy dùng nước muối sinh lý dạng nhỏ hoặc dạng xịt để giúp bé thông mũi.
Vào ban đêm, bạn cũng có thể sử dụng máy phun khí ẩm trong phòng sẽ giúp bé bớt ngạt mũi. Nếu bé bị sốt, bạn có thể dùng các loại thuốc như acetaminophen, ibuprophen để hạ sốt.
Nếu bé ho quá nhiều đến mức khó chịu hoặc không ngủ được, hãy dùng mật ong cho bé từ một tuổi trở lên. Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh rằng mật ong có tác dụng giảm ho hiệu quả và an toàn hơn nhiều so với codein và nhiều loại thuốc ho, thuốc cảm OTC khác.
Những phương pháp này đã được Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ xác nhận. Trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp chữa trị nào cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tốt nhất là hãy hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa, vì nhiều bệnh lý nguy hiểm khác có triệu chứng khá giống với bệnh cảm thông thường.
(Tác giả: Edward Bell – Giáo sư thực nghiệm dược học tại Đại học Drake - Mỹ)