Căng thẳng tuyển sinh đầu cấp
Ngoài những lưu ý đặc biệt về giấy xác nhận cư trú, lãnh đạo các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện và TP Thủ Đức - TP HCM, còn nhận định năm nay sẽ là năm tuyển sinh lớp 6 căng thẳng vì lứa học sinh tuổi rồng vàng.
Năm học 2023-2024 cũng là năm đầu tiên theo quy định của Luật Cư trú - bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; việc tuyển sinh đầu cấp dù không chịu nhiều ảnh hưởng nhưng phụ huynh cần chú ý đến các giấy tờ liên quan xác nhận học sinh (HS) đang cư trú thực tế tại đâu.
Chú ý giấy tờ xác nhận cư trú
Chị Thúy Vy - phụ huynh đang tạm trú tại phường An Khánh, TP Thủ Đức - cho biết hộ khẩu của cả gia đình thuộc quận Gò Vấp, TP HCM nhưng do điều kiện làm việc, chị chuyển đến tạm trú nơi khác. "Năm nay, con vào lớp 1, vừa qua khu chung cư thông báo phụ huynh đăng ký thông tin bé với ban quản lý, gia đình không rõ trong trường hợp hiện nay bỏ sổ hộ khẩu, bỏ sổ tạm trú thì con sẽ xác nhận đăng ký tuyển sinh bằng cách nào" - chị Vy nói.
Đó cũng là băn khoăn của nhiều phụ huynh khi theo quy định của Luật Cư trú, từ ngày 1-1-2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng. Trong khi trước đó, đây là những giấy tờ xác nhận trong công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp. Theo hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 3, tại TP HCM lâu nay, việc tuyển sinh đầu cấp căn cứ theo địa bàn phân tuyến, nghĩa là HS thường trú ở khu vực nào sẽ được phân tuyến vào trường học tương ứng. Việc phân tuyến ưu tiên cho HS thường trú rồi mới đến tạm trú, ngoại trừ một vài trường có phương án tuyển sinh riêng. "Tuy nhiên, các thông tin liên quan đến nơi cư trú của HS thì dù bỏ sổ hộ khẩu, cũng đã thể hiện trên dữ liệu quốc gia về dân cư nên không khó để tra soát khi thực hiện công tác tuyển sinh".
Tuyển sinh đầu cấp năm 2023 tại TP HCM sẽ căng thẳng do số học sinh tăng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Thủ Đức, hiện nay TP Thủ Đức đang trong khâu điều tra số liệu HS. Tuy nhiên, về cơ bản việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không ảnh hưởng đến tuyển sinh đầu cấp. "Nhưng người dân phải có giấy tờ xác nhận mình đang cư trú ở đâu để thực hiện các hồ sơ thủ tục hành chính liên quan" - ông Nguyên nói.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, chia sẻ bỏ sổ hộ khẩu không có nghĩa tuyển sinh tự do. Ông Huy cho biết thêm Phòng GD-ĐT không kiểm soát được nơi cư trú của trẻ. Thực tế việc cư trú của công dân vẫn được quản lý bằng hình thức số hóa trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông qua mã định danh. Đa phần các trẻ hiện nay đều có mã định danh. Do đó, các phường sẽ rà soát số lượng trẻ trên địa bàn, báo cáo về Phòng GD-ĐT. Căn cứ vào số liệu, Phòng GD-ĐT quận sẽ tham mưu quận để phân tuyến cho phù hợp. Hiện nay các phường, tổ dân phố đang tập trung điều tra thông tin cư trú theo địa bàn dân cư, trong đó chủ yếu là xác định thông tin của gia đình có con em chuẩn bị vào lớp 1. "Còn lớp 5 lên lớp 6 chủ yếu vẫn phân tuyến dựa trên trường tiểu học mà các em đang học, trừ một số trường hợp phát sinh thêm" - ông Huy nói thêm.
Lớp 6 tăng đột biến vì "rồng vàng"
Theo lãnh đạo nhiều phòng GD-ĐT, dù chưa chốt số HS chính xác ở các lớp đầu cấp nhưng dự kiến số HS lớp 5 lên lớp 6 năm nay sẽ tăng đột biến, lý do đây là lứa tuổi "rồng vàng". Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, thông tin dự kiến năm học 2023-2024, quận Gò Vấp có khoảng 6.000 HS tốt nghiệp THCS và 11.000 HS hoàn thành chương trình tiểu học lên lớp 6. Số HS tăng mạnh vì lứa tuổi "rồng vàng".
Ông Thanh cho biết thêm, hiện tại Phòng GD-ĐT sử dụng thông báo mã định danh HS thay cho hộ khẩu để đối chiếu thông tin cư trú do phụ huynh khai trên trang tuyển sinh của quận. Phụ huynh sau khi đăng ký trực tuyến sẽ đến trường để nộp hồ sơ. Nếu như trước đây, nhà trường yêu cầu phụ huynh mang theo sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú để đối chiếu thì giờ đây phụ huynh cần mang theo các giấy tờ do công an cung cấp gồm: Thông báo mã định danh của trẻ và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. "Nếu thông tin khi đăng ký không trùng khớp với mã định danh, trẻ sẽ được bố trí chỗ học theo nguyên tắc bảo đảm chỗ học nhưng không được phân tuyến như HS khác" - ông Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo một phòng GD-ĐT, năm học 2023-2024, các quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục thực hiện công tác tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, theo nguyên tắc "phụ huynh ngồi nhà cũng có thể nộp hồ sơ cho con", phụ huynh chỉ phải thực hiện một công đoạn cuối là mang các giấy tờ liên quan đến xác nhận thông tin đã kê khai trên trước đó. Phụ huynh đỡ tốn thời gian nhưng chính vì vậy cũng cần phải kê khai thật, vì nếu không sẽ rất mất thời gian và làm có thể lỡ thời gian chuẩn bị lại hồ sơ cho con.
Trong khi đó, theo Sở GD-ĐT TP HCM, sở đã làm việc với các đơn vị liên quan về ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong công tác tuyển sinh của ngành GD-ĐT. Sau khi UBND TP HCM ban hành kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của thành phố, căn cứ vào kế hoạch chung, các quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ công bố kế hoạch tuyển sinh của đơn vị.
Dự kiến tiếp tục xét tuyển vào lớp 6, trừ Trường chuyên Trần Đại Nghĩa
Được biết, năm học 2023-2024, TP HCM tiếp tục thực hiện xét tuyển vào lớp 6, trừ lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Trong khi đó, xét tuyển vào lớp 6 ở những trường theo mô hình tiên tiến tại một số quận, huyện sẽ vẫn có phương án xét tuyển riêng như Trường THCS Vân Đồn (quận 4), THCS Nguyễn Du (quận 1), THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10), Trung học Thực hành Sài Gòn (Trường ĐH Sài Gòn)...