Thời "bão giá": đã đắt lại còn cân "điêu"

Đinh Liên, nguồn ảnh: afamily.vn,
Chia sẻ

“Bão giá thế này, đi chợ mà như bị mất cắp, lại chịu thêm cảnh cân điêu. 10 bà đi chợ, dễ đến 9 bà về cân lại thì thiếu, rõ là mua cân... được lạng.”

Bão giá, càng bị cân điêu

Chuyện cân điêu, cân thiếu đã trở thành chuyện... xưa như trái đất, nhưng mỗi lần ra chợ, chứng kiến cảnh bị cân điêu, bà nội trợ nào cũng bực bội.

Chị Nga (nhà ở ngõ Chính Kinh, HN) kể lại câu chuyện dở khóc, dở cười của mình: “tuần trước, hai vợ chồng tôi có đi thăm người ốm, đi đến đoạn đường Nguyễn Trãi thì dừng lại mua ít cam. Mặc cả 40.000 đồng/kg xong, cô bán hàng cân cho vợ chồng một túi 8 quả và bảo 3,2 kg.
 
Cầm túi cam trên tay tôi nghĩ bụng, ắt hẳn 8 quả này chưa thể được 3,2 kg vì đi mua cam thường xuyên cho con uống nước nên tôi ước lượng được số quả và số cân tương ứng. Tôi bảo cô chủ hàng đợi một lát, và đi tìm hàng thịt gần đó định cân lại, thì cô bán hàng  đon đả kéo tay lại nói: “thôi, 50.000 đồng thì cân đủ, 40.000 đồng thì cân thiếu.
 
Đến lúc cân lại, thì đúng 2,4 kg. Thiếu gần 1kg, thật sự là không thể chấp nhận được. Ra chợ tôi cũng biết hàng này hàng kia cân thiếu 1, 2 lạng, nhưng cho qua vì họ cũng phải “tiểu xảo” chút mới lời lãi được,  chứ “điêu”  gần 1kg thì đúng là quá đáng,” chị bức xúc nói.
 
Các tiểu thương chỉnh cân đồng hồ để lời lãi được nhiều hơn.
 
Tương tự như thế, chị Mai (ở khu tập thể Thành Công, HN) từ  trước tới nay vốn xuề xòa trong chuyện mua bán, những món đắt rẻ, cân thừa thiếu chị không mấy quan tâm, chỉ mong mua thực phẩm nhanh nhanh về làm cơm cho xong bữa.
 
Nhưng câu chuyện trong buổi sáng chủ nhật đã khiến chị cẩn trọng hơn rất nhiều. “Tôi thường mua thịt gà ở chỗ cô bán hàng quen, mua hơn nửa năm rồi nên tin tưởng cô bán hàng đó lắm. Mỗi lần mua gà, cô ấy phán bao cân, bao tiền thì cứ bằng đó tôi trả, chẳng kiểm tra lại. Lần nào cô bán gà cũng đon đả: “chị quen, em đâu dám thêm bớt gì, để lần sau chị còn đến mua, bán hàng thế này lấy uy tín để người ta còn tin tưởng chị ạ.”
 
Nghe cô bán hàng nói ngọt, ,tôi cũng thấy xuôi tai. Nhưng chủ nhật rồi hai chị em mua con gà 1,6 kg, tôi bảo cô bán hàng chia nửa cho em gái, đến lúc đặt lên cân, 2 nửa đều 0,7 kg... Nói cân điêu thì chẳng ngoa tý nào trong trường hợp này.”
 
Chị than thở: “thời buổi này, giá thực phẩm cứ tăng vùn vụt, mà lại chịu thêm cảnh cân điêu. Mỗi ngày đi chợ tính ra cũng mất đến vài chục nghìn là ít. Nhiều khi biết là cân điêu mà vẫn nhắm mắt cho qua. Nhất là thịt lợn, đắt đỏ thế này chỉ cần ăn gian lạng cũng lời được 14.000 đồng rồi.”
 
Các gánh hàng  rong thường bán với giá rẻ như ở chợ đầu mối,
 nếu không gian lận khó mà lời lãi.
 
"Ai bảo các chị thích mặc cả"!
 
Chuyện cân điêu thì ai cũng biết, nhưng đã chịu cảnh cân điêu, lại bị... quát, mắng cũng không hiếm.
 
Cũng là nạn nhân của “nghệ thuật cân điêu”, chị Hải (Đại Từ, HN) thường mua thực phẩm ở chợ Đại Từ cho gần nhà, thực phẩm ở đây cũng phong phú và khá tươi ngon. Hỏi một cân vải, người bán hàng nói giá 25.000 đồng/cân, mặc cả mãi chị cũng mua được với giá 20.000 đồng/cân.
 
Nghĩ mua được với giá rẻ, chị mua 2 cân, đến hàng bán dưa, nhờ cân lại 2 kg vải vọt lên  thành 2,2kg, nhưng đến hàng thịt lại chỉ còn 1,7 cân. Bực mình, chị quay lại hàng bán vải để hỏi cho  rõ, thì nhận được những lời lẽ thô tục: “thích mua rẻ thì tôi bán rẻ, không thích thì đi hàng khác, sáng này gặp người mở hàng như bà đúng là đen đủi cả ngày.”

“Nghĩ ức chế lắm, đã cân thiếu lại còn to mồm quát, nhưng tôi phải ngậm ngùi  cho qua vì không muốn cô ta lớn tiếng chửi thêm. Bị móc  túi ngang nhiên như thế,  ai cũng biết mà chẳng dám kêu ai. Sau nhiều lần đi chợ tôi cũng rút ra được kinh nghiệm “chuẩn” mặc cả giá nào sẽ được cân với mức giá phù hợp, đi mua hàng là tôi hỏi thẳng, có cân đúng, đủ hay không, rồi mới mua.”

Bí mật của chiếc... cân điêu

Lân la hỏi chuyện, chị bán hàng khô tên Hiền (chợ Đại Từ, HN) cho hay: “ôi dào, cân điêu chỗ nào chả có, vấn đề là ít hay nhiều. Với những thực phẩm mua thường xuyên như thịt gà, thịt bò, thịt lợn... thì người ta chỉnh đi sai lệch vài hoa, còn những hàng hoa quả, hải sản thì vài lạng.
 
Tôi bán ở chợ này 5 năm nay tôi biết, nhiều người mua hàng mặc cả giá, mặc cả được thì hào hứng mua, người bán hàng cân xong thì nói ra vẻ mình thoáng lắm: “101.000 đồng cô nhé, thôi cháu lấy cô 100.000 đồng, lần sau cô lại đến.” Nghe thế ai chả thích, nhưng mang về cân thử mới biết họ bớt cho mình 1.000 đồng thì mình mất cho người ta đến mấy chục nghìn đồng,” chị bật mí.
 
Nổi tiếng trong... “nghệ thuật cân điêu” ở chợ này phải kể đến người bán hàng tên Hoa, chuyên bán hoa quả. Chiếc cân bàn 30kg được đặt ở trên kệ lúc nào cũng cân bằng ở con số 0, nhưng đã được chỉnh để ăn gian thêm 3 lạng mỗi cân.
 
Hơn 5 lạng mận khi cân lên tại một gánh hàng  rong ở chợ Ngã Tư Sở.
 
Đem túi mận đó cân thử tại một hàng khác thì được 2,5 lạng...

“Cả chợ này ai cũng biết thế, chỉ người mua hàng là không biết, chúng tôi cùng dân tiểu thương buôn bán với nhau thì cấm có dám cân điêu cho nhau, nhưng biết cũng chẳng dám nói. Thẳng thắn ra thì chợ nào mà chẳng cân điêu, hàng nào mà chẳng cân thiếu,” chị Hiền cho biết thêm.

Để đạt được  trình độ cân thiếu không đơn giản, cũng phải trải qua tập luyện mới có đầy đủ kỹ năng đánh lừa khách hàng. “Ra chợ nhìn mấy bà bán thịt mà hoa mắt, hỏi ai cần mua thịt gì, mua bao tiền, bao nhiêu lạng, chỉ một nhát dao xẻo vèo, đặt lên cân là đúng y như yêu cầu của khách. Hoá ra mọi nguyên tắc của chiếc cân xách nằm ở ngón tay cái đeo khoen móc của cân xách. Chỉ một cú lẩy nhẹ, nhịp nhàng lên hoặc xuống theo cán cân là điều chỉnh ngay được trọng lượng theo ý muốn. Thảo nào mà cũng với miếng thịt đó lúc lại 4 lạng, lúc lại 5 lạng...”

Cũng tương tự với cân đồng hồ, theo hầu hết các tiểu thương ở chợ thì việc điều chỉnh cân hết sức đơn giản. Đối với cân đồng hồ, chỉ cần dùng kìm xoay cái tai ấn lò xo lên một vài nấc hoặc kéo giãn dây lò xo ở bên trong là trọng lượng tăng lên, sau đó kẹp lại chì, cân lại như mới. Còn với cân điện tử, do cấu tạo phức tạp nên thường chỉ có thợ chuyên nghiệp mới làm được. Nhưng đa phần những người bán hàng ở chợ thường sử dụng loại cân đồng hồ.
 
Bà nội trợ nào cũng than trời vì nạn cân điêu thời bão giá.

“Mua cân về, mang lên cửa hàng quen trên phố Thuốc Bắc, mất 50.000 nghìn đồng thì muốn chỉnh bao nhiêu sẽ chỉnh được bằng đó. Cân đồng hồ thì chỉnh rất dễ. Nhìn bên ngoài chỉ có người trong nghề mới phát hiện được hoặc đem hàng cân lại chỗ khác mới biết. Thử nghĩ mà xem, mấy người bán hàng rong bán giá ngang như chợ đầu mối, không gian lận thì lời lãi đâu ra,” một chủ hàng chuyên bán cân trên phố Thuốc Bắc khẳng định.

Nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng, thích trả giá để được mua với giá rẻ, tiểu thương tại các chợ sử dụng chiêu bài cân gian. Thành thử, mua với giá hời lại thành giá đắt. Nhiều bà nội trợ nói đi chợ mà như bị móc túi quả không sai!

Chia sẻ