Căn bệnh này có thể "giết chết" một người chỉ sau vài giờ: Đừng làm ngơ trước dấu hiệu và nguyên nhân nhiễm bệnh
Nhận thức về bệnh này là sự "phòng thủ" lớn nhất của chúng ta đối với căn bệnh này. Thế nhưng không phải ai cũng có thể dễ dàng xác định các dấu hiệu cảnh báo bệnh.
Không phải ai cũng may mắn thoát "án tử" khi bị nhiễm trùng huyết
Bài viết của Michael J Porter, giảng viên về di truyền học phân tử tại Đại học Central Lancashire, trên trang The Conversation (theconversation.com) một lần nữa dấy lên nỗi lo lắng về căn bệnh nhiễm trùng huyết nguy hiểm. Đây cũng chính là căn bệnh đã suýt giết chết ông.
Mỗi năm, trên thế giới có hơn 30 triệu người bị bệnh nhiễm trùng huyết.
Chuyến viếng thăm gia đình ở Glasgow (Anh) vào dịp Giáng sinh năm 2015 gần như là chuyến đi định mệnh đối với Michael J Porter. Trước khi đi 2 ngày, ông đã sửa chữa cái khóa trên cổng vườn và bị trầy xước ở móng tay. Khi đến Glasgow, ông cảm thấy không khỏe và chỉ trong 24 giờ sau, tôi được đưa vào cấp cứu ở bệnh viện Đại học Hairmyres trong tình trạng hôn mê. Ông đã bị nhiễm trùng huyết. Gia đình ông được thông báo rằng ông gần như không có cơ hội sống sót qua đêm đó.
Michael J Porter bị hôn mê 3 tháng và sau đó mất thêm nửa năm nữa để phục hồi sức khỏe hoàn toàn. Ông là một trong những người may mắn thoát khỏi "cửa tử" từ căn bệnh này.
Mỗi năm, trên thế giới có hơn 30 triệu người bị bệnh nhiễm trùng huyết, có khoảng 6 triệu người tử vong, trong đó gần 2 triệu người là trẻ em. Trong số những người sống sót, 40% sẽ có hội chứng sau nhiễm trùng, khiến họ phải chịu di chứng về thể chất và tinh thần kéo dài.
Bệnh nhiễm trùng huyết không "nể nang" bất kì ai. Charlotte Osborne, 28 tuổi, y tá của 1 bệnh viện tại Birmingham cũng suýt bỏ mạng vì căn bệnh này.
Charlotte Osborne, 28 tuổi, y tá của 1 bệnh viện tại Birmingham đã may mắn thoát khỏi căn bệnh nhiễm trùng huyết.
Từ năm 13 tuổi, Charlotte đã phải thường xuyên ra vào viện vì bệnh Crohn (một bệnh liên quan đến không tiêu hóa). Nhưng năm 24 tuổi, một lần cô tỉnh dậy với cơn đau nhói ở háng. Cơn đau gần như kéo căng cơ bắp của cô. Vì quá chán với việc phải vào viện, cô tự an ủi mình đó chỉ là cơn đau bình thường mà thôi. Thế nhưng, cơn đau ngày tệ hơn. Cô còn nhận ra chân mình có đốm đỏ, tím và nóng khi chạm vào.
Chỉ vài phút sau khi gọi điện cho bác sĩ, cô được đưa đến phòng cấp cứu tại bệnh viện Queen Elizabeth. Tại đây, cô được chẩn đoán có cục máu đông khổng lồ ở chân phải và được đưa vào một loại thuốc chống đông máu để làm loãng máu. Các bác sĩ nói với cô ấy cục máu đông là do sự kết hợp của tình trạng ruột của cô khiến máu không lưu thông. Nhưng sau khi phẫu thuật, cô thấy nóng, lạnh trong người, kèm theo biểu hiện run rẩy, đau nhức khắp người, đến mức phải dùng morphine giảm đau.
"Tôi đã được xuất viện sau một tuần nhưng, hai ngày sau, điều tương tự cũng xảy ra ở chân trái của tôi. Các bác sĩ bị bối rối - tôi vẫn đang dùng thuốc chống đông máu và họ không thể hiểu được tôi đã có một cục máu đông lớn như thế nữa", Charlotte nói.
Lần này, cô phải phẫu thuật lấy cục máu đông và đặt ống đỡ động mạch (ống nhỏ) trong chân để giữ cho các tĩnh mạch mở ra.
Các xét nghiệm máu cho thấy Charlotte bị nhiễm trùng huyết và ống thông được gắn vào để cung cấp kháng sinh tiêm tĩnh mạch. Mọi người trong nhà cô được thông báo chuẩn bị tinh thần cho tình trạng xấu nhất. May mắn thay, sau đó cô đã hồi phục giống như Michael J Porter.
Không may mắn như Michael J Porter và Charlotte Osborne, bác sĩ Tony Fogg, một bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật chỉnh hình cột sống rất giỏi của Bệnh viên Great Western, ở Swindon, Anh, đã phải từ giã cõi trần cũng vì căn bệnh này.
Tony Fogg, một bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật chỉnh hình cột sống rất giỏi ở Anh lại không may mắn và đã qua đời sau 8 ngày kể từ khi phát hiện các triệu chứng.
Đầu tháng 3/ 2015, vợ chồng ông đặt một chuyến đi nghỉ nhỏ tới Hague để được tận mắt nhìn một bức tranh nằm trong một cuốn sách mà cả hai đang cùng đọc tại thời điểm đó.
Trước ngày khởi hành vào thứ 6, ông Fogg đi làm về và nói rằng mình đã bị cảm cúm. Sáng hôm sau ngủ dậy, ông còn cảm thấy cổ họng bị đau rát, mắt hơi nhức. Nhưng vợ chồng ông nghĩ những triệu chứng đó cũng không có gì đáng lo ngại và họ vẫn bắt chuyến bay đi Hague như kế hoạch. Sau một ngày tham quan bảo tàng, thưởng thức các món ăn ở địa phương, ông Fogg hắt hơi liên tục, mệt mỏi và đau ngực.
Đến ngày chủ nhật, vợ chồng ông quyết định bay về nhà, đi ngủ sớm và nghĩ đó là bệnh cảm cúm thông thường. Sau khi trở về và đi làm lại, các triệu chứng cúm không thuyên giảm, ông nhanh chóng được cho nhập viện.
Thực ra, bác sĩ Tony Fogg đã bị nhiễm trùng máu mà không hề biết. Chỉ trong vài giờ sau khi nhập viện, ông không còn đáp ứng với kháng sinh và khả năng sẽ không qua khỏi. 8 ngày kể từ khi có triệu chứng, vị bác sĩ 64 tuổi đã bị lên cơn đau tim và qua đời.
Nhiễm trùng huyết - căn bệnh có thể gây tử vong chỉ sau vài giờ
Nhiễm trùng huyết - còn được gọi là nhiễm khuẩn huyết và ngộ độc máu. Nhiễm trùng huyết là khi hệ miễn dịch phản ứng thái quá với các viêm nhiễm và tự tấn công chính các tế bào và cơ quan bên trong cơ thể.
Nguyên nhân có thể là do bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hoặc virus. Biểu hiện ban đầu thường là một loại viêm nhiễm nào đó với một loạt các triệu chứng như sốt, rét run, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp thở và ý thức.
Nhiễm trùng huyết cũng có thể là một biến chứng do nhiễm trùng. Nó xảy ra khi các hóa chất được tiết vào máu để chống lại nhiễm trùng gây ra viêm nhiễm khắp cơ thể. Nó có thể xảy ra vì nhiều lý do khác nhau, ví dụ như viêm phổi, nhiễm trùng đường máu, nhiễm trùng đường tiểu, hoặc thậm chí là từ một vết xước.
Bệnh nhiễm trùng huyết đặc biệt nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Các triệu chứng sớm của nhiễm trùng huyết thường phát triển nhanh và có thể bao gồm:
- Nhiệt độ cao hoặc sốt
-Ớn lạnh và run rẩy
- Nhịp tim tăng nhanh
- Thở nhanh
Trong một số trường hợp, các triệu chứng nhiễm trùng nặng hoặc sốc nhiễm trùng nghiêm trọng hơn - khi huyết áp giảm xuống mức thấp nguy hiểm - phát triển ngay sau đó. Chúng có thể bao gồm:
- Cảm thấy chóng mặt hoặc nhìn mờ đi
- Lẫn lộn hoặc mất phương hướng
- Buồn nôn và ói mửa
- Tiêu chảy và lạnh
- Da bị nhợt nhạt và da nhợt nhạt hoặc lốm đốm
Tiến sĩ, bác sĩ Ron Daniels, một nhà tư vấn chăm sóc và gây mê quan trọng, và trưởng điều hành tổ chức từ thiện UK Sepsis Trust (sepsistrust.org) nói rằng: Nhiễm trùng huyết có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai ở mọi lứa tuổi và được gây ra khi cơ thể phản ứng quá mức với nhiễm trùng, kích hoạt hệ thống miễn dịch đi vào tình trạng tăng tốc và gây viêm lan rộng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng viêm này có thể dẫn đến suy cơ quan, sốc và cuối cùng là tử vong. Việc điều trị cứ chậm trễ mỗi giờ là nguy cơ tử vong lại tăng 8%.
Ron Daniels, Chủ tịch Quỹ Nhiễm trùng máu của Anh cảnh báo: "Với một số ca bệnh bị nhiễm trùng máu, sự sống của bệnh nhân được đếm từng giờ. Thậm chí nếu bạn không có một dấu hiệu cảnh báo đặc trưng nào, nhưng cứ thấy người ngày càng mệt mỏi và không thể kiểm soát ý thức, bạn hãy đi khám ngay".
Để phòng ngừa nhiễm trùng huyết, cần tránh sử dụng bừa bãi thuốc kháng sinh khi không có chỉ dẫn của bác sĩ. Khi bị bệnh, việc điều trị tích cực các trường hợp nhiễm Gram âm và chăm sóc tốt có thể giúp bệnh nhân hồi phục nhanh và tránh được nguy cơ tử vong.
Đối với bệnh nhân nhiễm trùng máu mới nhập viện, thông thường sẽ được làm các xét nghiệm cơ bản (máu, nước tiểu, họng, tai…) để chẩn đoán nhiễm trùng máu và xác định nơi bị nhiễm trùng. Tùy vào loại vi khuẩn gây bệnh mà sử dụng kháng sinh điều trị phù hợp để loại bỏ nguồn gốc gây nhiễm trùng.
Ngoài ra cần kết hợp với việc tái lập khối lượng tuần hoàn và điều chỉnh thăng bằng kiềm toan, sử dụng thuốc vận mạch và chống rối loạn đông máu. Để việc điều trị đạt kết quả cao, bệnh nhân nên được làm kháng sinh đồ để tìm loại thuốc đặc trị với loại vi khuẩn gây bệnh, song không phải chờ kết quả của kháng sinh đồ mới điều trị mà nên dùng kháng sinh phổ rộng ngay sau khi xét nghiệm bệnh phẩm.
Nhiễm trùng máu nguy hiểm như đau tim
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã khuyến cáo đội ngũ y tế phải điều trị bệnh nhân nhiễm trùng máu cấp bách giống như với bệnh nhân bị đau tim.
Họ phải tự hỏi: Đây có phải là ca nhiễm trùng máu không nếu thấy bệnh nhân có triệu chứng phát ban, sốt cao hoặc mạch đập nhanh.
Bất cứ ai bị nghi ngờ mắc căn bệnh chết người này phải được chuyển cấp cứu ở bệnh viện và được các bác sĩ, y tá có kinh nghiệm theo dõi.
Đây là cách bạn có thể ngăn ngừa nhiễm trùng nếu xước hoặc có vết thương cắt tại phòng tập thể dục, hay bất cứ nơi nào khác.
- Rửa tay của trước khi bạn chạm vào vết thương hở hoặc đeo găng tay dùng một lần nếu bạn có thể.
- Nếu vết thương không quá sâu và không cần khâu, hãy rửa sạch bằng nước sạch (không xà phòng). Nhẹ nhàng để nước chạy nước qua vết thương để loại bỏ bụi bẩn có thể bị mắc kẹt bên trong. Đi khám bác sĩ nếu bạn không thể làm sạch đúng cách.
- Bôi thuốc mỡ kháng sinh để bảo vệ vết thương khỏi các bụi bẩn bên ngoài.