Cái Tết cuối cùng của tiểu thương ở ngôi chợ trung tâm quận 1, TP.HCM trước ngày giải tỏa

Thiên Kim,
Chia sẻ

Người mang tâm lý “tới đâu hay tới đó” vì cho rằng sớm muộn gì chợ cũng phải giải tỏa, kẻ lại sợ cuộc sống của mình rồi đây sẽ đảo lộn khi phải rời nơi đã bám trụ nhiều năm qua.

Ngày 22-12-2016, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Công Thương cùng UBND quận 1 và các đơn vị liên quan phối hợp để lên phương án giải quyết nhanh việc giải tỏa chợ Tôn Thất Đạm (phường Bến Nghé, Q.1) sau Tết Đinh Dậu 2017.

Sau khi thông tin trên được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hơn 200 tiểu thương tại chợ đã có những phản ứng khác nhau trước quyết định có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình. Người dân sinh sống ở khu vực này cũng khá hụt hẫng vì sắp phải thay đổi thói quen đi chợ gần nhà...

Cái Tết cuối cùng của tiểu thương ở ngôi chợ trung tâm quận 1, TP.HCM trước ngày giải tỏa - Ảnh 1.

Chợ Tôn Thất Đạm (Q.1).

Tới đâu hay tới đó

Vào ngày cuối năm, nên nhìn bề ngoài, không khí buôn bán ở chợ Tôn Thất Đạm vẫn rất tấp nập. Chị Hồng (48 tuổi, quê Trà Vinh) cho biết đã bán trái cây ở chợ từ năm 1988, nhưng nếu tính từ đời ông bà nữa thì đã rất lâu. Chị nói: "Năm nào cứ đến dịp Tết cũng nghe chuyện giải tỏa, nhưng rồi có thấy gì đâu. Độ này năm ngoái cả chợ đã nháo nhào, hội họp bàn chuyện sẽ đi đâu về đâu. Ban đầu cũng sợ, nhưng riết rồi quen thôi".

Cái Tết cuối cùng của tiểu thương ở ngôi chợ trung tâm quận 1, TP.HCM trước ngày giải tỏa - Ảnh 2.

Nhiều người cho biết đã nghe chuyện giải tỏa chợ nhiều năm nay.

Mỗi ngày, chị Hồng kiếm được trên dưới 200.000 đồng tiền bán trái cây. Người phụ nữ nói sẽ cố bám trụ lại đến phút cuối cùng, bởi nơi đây là nguồn sống của chị. Nhưng một khi chính quyền đã quyết định giải tỏa thì chị cũng đành chấp nhận đi.

Cái Tết cuối cùng của tiểu thương ở ngôi chợ trung tâm quận 1, TP.HCM trước ngày giải tỏa - Ảnh 3.

Cô Chi (73 tuổi) cho biết nếu chợ giải tỏa sẽ về quê sinh sống.

Gần đó, cô Thuý (66 tuổi) đang múc một ly chè cho khách. Người phụ nữ cười buồn: "Mấy năm gần đây, nhiều chung cư xung quanh bị giải tỏa nên khách ngày càng thưa. Hôm nào bán đắt thì được 50-60 ly, còn ế thì tầm 30 ly. Như hôm nay chưa được 20 ly nữa".

Gắn bó với ngôi chợ này 45 năm, cô Thuý có biết bao nhiêu kỷ niệm, nhất là trong những ngày cận Tết, rất nhiều người tìm đến mua chè của cô về cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp, đêm giao thừa. "Chợ này toàn khách mối, giờ nếu bị giải tỏa tôi cũng chưa biết tính sao. Chắc chỉ còn cách gánh đi bán như ngày xưa, nhưng già cả rồi, sợ làm vài bữa lại sinh bệnh. Giờ chỉ còn nước tới đâu hay tới đó".

Cái Tết cuối cùng của tiểu thương ở ngôi chợ trung tâm quận 1, TP.HCM trước ngày giải tỏa - Ảnh 4.

Nhiều tiểu thương tại chợ buôn bán với tâm lý "tới đâu hay tới đó".

Cũng chính vì lý do trên, cô Thuý cho biết sẽ bán đến hết đêm 30 mới nghỉ Tết. Vì mấy năm gần đây đều nghe thông báo chuyện giải tỏa chợ sau Tết nên cô đều bán với tâm thế Tết nào ở chợ Tôn Thất Đạm cũng là cái Tết cuối cùng.

Với cô Lê Thị Thu Hà (55 tuổi), được bán xôi ở chợ không chỉ đơn thuần là chuyện kiếm sống. Cả quãng đời thanh xuân đầu tắt mặt tối kiếm sống khiến cô không thể thành gia lập thất, nên việc đi bán giống như một niềm an ủi. Mỗi ngày, người phụ nữ phải tốn đến 150.000 đồng tiền xe ôm để mang gánh hàng lỉnh kỉnh của mình từ quận 4 sang chợ. "Hôm nào bán hết còn có đồng ra đồng vào, còn ế phải chịu. Có hôm dư đến 40 gói xôi, tôi lại cầm đem cho mấy người quét rác, mấy ông bán vé số, xe ôm gần đó..".

Cái Tết cuối cùng của tiểu thương ở ngôi chợ trung tâm quận 1, TP.HCM trước ngày giải tỏa - Ảnh 5.

Cô Hà coi gánh xôi chè của mình vừa là phương tiện kiếm sống, vừa là nguồn vui

Đang rôm rả thì sắc mặt cô thoáng buồn khi nghe hỏi về chuyện giải tỏa. Cô Hà thở dài: "Lúc ấy chắc nghỉ bán xôi luôn, cũng già cả rồi".

"Cho tôi chui xuống đất bán cũng được…"

Nhưng với một số tiểu thương buôn bán lớn, việc giải tỏa chợ có quan hệ trọng đại đến cuộc sống của họ. Chị P., chủ một sạp giày dép có tiếng tại chợ nói: "Ngày xưa bán được 10 thì giờ chỉ còn 1. Mỗi tháng tiền thuế chợ tổng cộng cũng hơn hai triệu. Cuộc sống càng ngày càng khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng trụ lại để tồn tại. Giờ chỉ nghe giải toả mà không biết đi đâu, tôi rất hoang mang".

Theo nhiều tiểu thương, cách đây không lâu, ban quản lý chợ có đến để rà soát cụ thể từng ô, diện tích cụ thể của chợ. Tuy nhiên, họ chưa nghe chuyện đền bù hay di dời cụ thể.

Cái Tết cuối cùng của tiểu thương ở ngôi chợ trung tâm quận 1, TP.HCM trước ngày giải tỏa - Ảnh 6.

Cái Tết cuối cùng của tiểu thương ở ngôi chợ trung tâm quận 1, TP.HCM trước ngày giải tỏa - Ảnh 7.

Những khuôn mặt buồn bã khi việc kinh doanh ngày càng chậm.

Chị Diệp Bảo, chủ một tiệm quần áo nói trong bức xúc: "Chuyện giải tỏa chợ tôi đã nghe từ nhiều năm trước chứ không phải bây giờ. Năm nào cứ đến gần Tết, tôi cũng được mời lên họp, nhưng rồi cũng chẳng biết số phận mình ra sao khi không biết chính xác thời gian cụ thể".

Chị Bảo cho biết, lo sợ chuyện giải tỏa có thể diễn ra bất cứ lúc nào nên chị không dám nhập hàng mới về, hàng cũ đã có phần lỗi thời nên khách ít mua, lâu dần chị nợ tiền hàng với số tiền rất lớn. Giờ nếu bị dời đi mà không có chỗ bán, hoặc chỗ bán lạ mất mối quen thì cũng xem như mất trắng.

Cái Tết cuối cùng của tiểu thương ở ngôi chợ trung tâm quận 1, TP.HCM trước ngày giải tỏa - Ảnh 8.

Nhiều người chọn cách bán dạo để chủ động hơn trong việc tìm nơi mưu sinh.

"Nếu giải toả để phát triển thành phố thì người dân chúng tôi rất sẵn sàng. Nhưng phải có phương án để ổn định cuộc sống, ổn định nơi buôn bán cho chúng tôi. Ai cũng bảo rằng đất ở trung tâm quận 1 đã quá chật chội rồi, không còn chỗ mở chợ nữa".

Cái Tết cuối cùng của tiểu thương ở ngôi chợ trung tâm quận 1, TP.HCM trước ngày giải tỏa - Ảnh 9.

Chị Bảo lo lắng về cuộc sống của mình.

Được biết, chủ trương di dời chợ Tôn Thất Đạm đã có từ năm 2009, vì ngôi chợ này nằm trên lòng đường, giữa chợ lại có một trường tiểu học, giờ tan tầm tập trung rất đông người qua lại, gây mất trật tự đô thị cũng như như nguy cơ về cháy nổ.

Cái Tết cuối cùng của tiểu thương ở ngôi chợ trung tâm quận 1, TP.HCM trước ngày giải tỏa - Ảnh 10.

Một trường tiểu học nằm trong lòng chợ Tôn Thất Đạm.

Ngoài ngôi chợ trên, chợ Nguyễn Văn Tráng (phường Bến Thành) và chợ Nancy (phường Đa Kao) cũng là những ngôi chợ trung tâm nằm trong diện di dời, giải tỏa.

Chia sẻ