Cách chọn dưa lê ngọt giòn như mật: Bỏ túi 5 bí kíp vàng từ lão nông, chọn phát ăn ngay!
Chỉ cần lưu ý những điều này, khi mua dưa lê bạn sẽ đều chọn được quả ngon.
Sau tiết Cốc vũ, khi những cơn mưa xuân dần trở nên rào rạt, mùa hè cũng khe khẽ gõ cửa. Và đó cũng chính là lúc những trái dưa lê vàng ươm, xanh mướt tràn ngập khắp các khu chợ, khiến ai đi qua cũng khó lòng cưỡng lại.
Dưa lê sở hữu lớp vỏ trơn bóng, thịt quả giòn ngọt, mọng nước. Chỉ cần cắn một miếng, hương vị ngọt mát như mật đã tràn ngập khoang miệng, xua tan cái oi ả ngày hè. Không chỉ ngon miệng, dưa lê còn là một "kho báu dinh dưỡng" tự nhiên: Giàu vitamin C, chất xơ và kali, giúp thanh nhiệt giải khát, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng.
Tuy nhiên, dân gian cũng nhắc nhở: "Quả ngon đấy nhưng chớ tham lam". Vì bản tính hàn, dưa lê ăn nhiều dễ gây lạnh bụng, đặc biệt với người có tỳ vị yếu, dễ dẫn đến tiêu chảy hoặc khó tiêu.

Chọn được dưa lê ngọt giòn: Không khó nếu biết 5 bí kíp này!
Dưa lê thì ngon, nhưng không phải quả nào cũng "ngon như mơ". Nhiều người mua dưa theo cảm tính, để rồi hoặc gặp quả còn xanh non, nhạt nhẽo, hoặc gặp quả chín nẫu, mềm nhũn. Thật ra, lão nông trồng dưa đã có sẵn "bí kíp truyền đời", chỉ cần ghi nhớ 5 điểm sau đây, đảm bảo bạn chọn đâu chuẩn đấy!
1. Nhìn cuống dưa: Nở to, lồi nhẹ là dưa ngọt
Phần cuống hay còn gọi là "rốn dưa" tiết lộ rất nhiều về độ ngon. Những quả dưa có cuống hơi lồi ra, tạo thành vòng tròn lớn rõ rệt, chính là loại "dưa cái" – lượng đường tích tụ nhiều, thịt dày, ngọt mát. Ngược lại, những quả cuống lõm hoặc vòng tròn nhỏ (dưa đực) thường nhạt, cứng và ít nước.

2. Quan sát cuống gốc: Còn tươi xanh, cứng cáp mới chuẩn
Cuống gốc (phần cuống nối với dây dưa) là "chỉ báo" độ tươi của quả. Nếu thấy cuống xanh mướt, chắc khỏe, như vừa hái, đó là dưa mới, đảm bảo độ giòn ngọt. Còn nếu cuống héo quắt, thâm đen thì dưa đã háo nước, ăn sẽ bở, nhạt và mất vị.
3. Chạm vào vỏ: Mềm vừa tay mới ngon
Dùng tay nhẹ nhàng nhấn thử lên vỏ dưa. Nếu cảm giác mềm vừa phải, có độ đàn hồi nhẹ, đó là dưa chín tới, thịt giòn ngọt, mọng nước. Nếu vỏ quá cứng, dưa còn non; nếu bấm thấy lún sâu, có thể dưa đã bị chín nẫu hoặc hư hỏng bên trong.

4. Ngửi hương thơm: Mùi thơm ngào ngạt là dưa chín tự nhiên
Dưa lê chín ngon sẽ tỏa ra mùi thơm dịu ngọt tự nhiên, đặc biệt ở phần cuống gốc. Nếu đưa mũi ngửi mà cảm nhận rõ hương thơm đặc trưng, đó chính là dấu hiệu "ăn ngay kẻo tiếc"! Ngược lại, nếu dưa không có mùi hoặc mùi nhạt, tức là quả còn non, ăn sẽ nhạt và kém ngọt.

5. Cân trọng lượng: Cùng kích thước, chọn quả nhẹ tay hơn
Không ít người lầm tưởng dưa càng nặng tay càng ngon. Nhưng sự thật là, với những quả cùng kích thước, quả nào nhẹ hơn thường ngọt hơn! Bởi khi dưa chín già, lượng nước trong quả giảm bớt, đường tự nhiên cô đọng lại nhiều hơn. Nếu thấy quả dưa quá nặng, coi chừng nó còn non nước hoặc bên trong đã hư.

Một vài lưu ý khi ăn dưa lê
- Ăn dưa ở nhiệt độ thường để giữ nguyên vị ngọt tự nhiên. Tuyệt đối không ăn dưa vừa lấy ra từ tủ lạnh, vì lạnh sâu sẽ khiến tỳ vị bị tổn thương, gây đau bụng.
- Bảo quản dưa chưa cắt ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.
- Người mắc tiểu đường nên hạn chế lượng dưa lê ăn mỗi ngày do hàm lượng đường cao.
- Người dạ dày yếu có thể uống thêm chút trà gừng sau khi ăn dưa để trung hòa tính lạnh.
Dưa lê ngọt mát sau tiết Cốc vũ chính là món quà tinh tế mà thiên nhiên ban tặng. Nhưng để thưởng thức trọn vẹn cái ngọt thanh ấy, bạn đừng quên nằm lòng "5 bí kíp vàng" từ những người nông dân giàu kinh nghiệm: Nhìn cuống dưa, quan sát cuống gốc, chạm vỏ, ngửi hương, cân trọng lượng. Chọn đúng, bạn sẽ có ngay một bữa tiệc mùa hè tươi mát ngay tại nhà.
Dẫu vậy, cũng đừng vì mê mà ăn quá nhiều. Hãy ăn đúng mùa, ăn đúng cách, để từng miếng dưa ngọt lành ấy thực sự nuôi dưỡng cơ thể và tâm hồn!