Các gia đình du xuân đầu năm ở những lễ hội truyền thống, vừa linh thiêng, vừa "không lo về giá"
Trong khi chùa Hương đã chuyển hết sang hình thức vé điện tử thì đền Trần cũng mở rộng quy mô phục vụ lễ khai ấn.
Cứ mỗi độ Xuân về, bên cạnh đón cái Tết đầm ấm bên gia đình thì người Việt Nam còn có phong tục đi chùa hái lộc, cầu may. Năm nay, các gia đình có thể yên tâm phần nào khi tới những lễ hội truyền thống, lớn, quen thuộc, bởi vì công tác tổ chức đã thay đổi đáng kể.
Không chỉ là địa chỉ linh thiêng, chùa Hương còn thu hút du khách vãn cảnh bởi phong cảnh thiên nhiên hữu tình, có núi, có sông và có cả động. Năm nay, di tích này sẽ khai hội từ mùng 6 Tết và kéo dài trong 3 tháng.
Một sự thay đổi lớn mà du khách nhất định phải tới chùa Hương, thăm dòng suối Yến, thăm động Hương Tích vào Xuân này, đó là các hoạt động lễ hội sẽ được tổ chức một cách công khai và văn minh. Thay vì vé giấy như bao năm qua, giờ đây sẽ thay bằng vé điện tử, du khách có thể mua ở bến đò hoặc bãi đỗ xe.
Đặc biệt, có tới 3 bãi đỗ xe chính cho du khách thuận tiện đi bộ, hoặc gọi xe điện vào bến đò. Bãi đỗ xe Đường số 1 cách bến đò 800m, từ bến xe Hương Sơn tới bến đò là 2km và bãi xe Hội Xá cách bến đò 3km.
Ảnh: phuongduyenn_
Quanh năm đều có thể đến thăm Yên Tử, nhưng với nhiều gia đình, tới đây vào những ngày đầu năm mới có ý nghĩa hơn cả. Trên hành trình chinh phục non thiêng, bạn sẽ đi qua từng ngôi chùa, cảm nhận không khí yên bình của cõi thiền xưa, vẻ đẹp hoang sơ của của rừng trúc, nghe tiếng nước chảy róc rách vui tai.
Quãng đường đến với chùa Đồng chủ yếu là những bậc thang phủ kín rêu phong dựa vào những vách đá dốc thẳng đứng. Vượt qua thử thách này, tinh thần ai nấy đều sảng khoái, báo hiệu một năm mới giàu sức khỏe.
Sau 3 năm ngừng tổ chức vì dịch bệnh thì Tết Nguyên đán 2023 này, lễ khai ấn đền Trần được tổ chức trở lại. Như thường lệ, hội chính sẽ bắt đầu từ tối ngày 14 âm lịch với nghi thức dâng hương tưởng nhớ các vị vua Trần, rước lễ kiệu ấn và đóng dấu khai ấn. Và thủ tục phát ấn sẽ diễn ra từ 5 giờ sáng ngày 15 âm lịch đến hết ngày 16 tháng Giêng âm lịch tại 3 nhà Giải Vũ, Nhà trưng bày và đền Trùng Hoa. .
Chưa năm nào đi lễ khai ấn không phải chen chúc, xong, ai nấy đều muốn một lần tới xin được ấn từ ngồi đền với tên hiệu “Trần Miếu tự điển - Tích phúc vô cương”, mang theo ước vọng về một năm mới bình an, may mắn. Năm nay, khu vực sân chính đền Thiên Trường đã được mở rộng, sẽ giúp chuyến du xuân của các gia đình “dễ thở” hơn.
Ngoài xin ấn, đến đền Trần vào dịp này, du khách còn được chứng kiến các nghi lễ truyền thống như rước Nước - tế Cá, tế lễ Tết Thượng nguyên và xem múa lân sư rồng, hát chầu văn, múa rối nước…