Ca sĩ Đại Nhân suýt liệt nửa người vĩnh viễn vì đột quỵ não: Cảnh báo căn bệnh gây tàn phế, tử vong đang đe dọa cả người trẻ tuổi
Ngủ dậy, Đại Nhân bất ngờ choáng váng, không thể đứng dậy được và méo miệng. Nếu gia đình không đưa đi cấp cứu kịp thời, nam ca sĩ đã có thể tàn phế vĩnh viễn, thậm chí tử vong vì căn bệnh vô cùng nguy hiểm.
Ít giờ qua, giới showbiz và cư dân mạng xôn xao trước thông tin nam ca sĩ Đại Nhân bị méo miệng, suýt liệt nửa người vì tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não).
Méo miệng, suýt liệt nửa người sau khi ngủ dậy
Trên tài khoản mạng xã hội, ca sĩ Đại Nhân chia sẻ ngày 24/2, rằng mình vừa phải nhập viện cấp cứu vì tai biến tắc mạch máu não ở động mạch chính. Thời điểm xảy ra sự việc là trưa ngày 22/2, sau khi ăn cơm cùng gia đình.
Ca sĩ Đại Nhân tại bệnh viện. (Ảnh: FBNV).
"Trưa hôm đó ngồi ăn cơm cùng với gia đình xong Nhân cảm thấy nhức đầu nên uống viên thuốc rồi lên phòng nằm ngủ. Khi đang ngủ thi cảm thấy mắc tiểu nên tỉnh dậy thì không đứng lên được.
Cứ nghĩ mình nằm ngủ sai thế bị tê tay chân thôi nên cố hết sức vật dậy để ra khỏi giường mà không thể, té lên té xuống đập đầu đập tay đập chân vào tủ vào bàn bầm tím hết.
(Nhân) cố hết sức la to gọi người nhà lên giúp, khi mẹ và chị lên thấy bị méo mặt, tay chân bên trái hoàn toàn liệt thì ba mẹ liền gọi xe cứu thương đến.
Nhập viện vào thẳng khoa cấp cứu thì bác sĩ chuẩn đoán là bị tai biến tắc mạch máu não. Khi chụp CT thì thấy bị tắc hết mạch máu não chính, và vì Nhân bị trong lúc ngủ nên lúc phát hiện tính ra khá trễ, khi phẫu thuật bác sĩ nói tỉ lệ thành công chỉ là 50/50. Tình hình không hề khả quan nên cả nhà lúc đó chỉ biết cầu nguyện cho Nhân" - nam ca sĩ kể lại.
Theo Đại Nhân, may mắn anh là người tập luyện thể thao hằng ngày và luôn để ý đến chế độ ăn uống, chọn lọc những thứ tốt cho sức khoẻ nên sau khi thông mạch máu não xong thì tay chân và cơ mặt đều trở lại bình thường. Nếu không, anh có thể bị liệt nửa người và phải tập vật lý trị liệu hoặc châm cứu thêm 1 thời gian dài nữa cũng như chưa chắc trở lại như bình thường.
Sau 2 ngày điều trị, nam ca sĩ đã phục hồi. (Ảnh: FBNV).
Thông tin được chia sẻ khiến rất nhiều khán giả và cả các đồng nghiệp trong showbiz của Đại Nhân rất bất ngờ và lo lắng.
Bởi lẽ, nam ca sĩ mới 32 tuổi này vốn được biết là một người tuân thủ chế độc tập luyện và duy trì sức khỏe khoa học nhưng lại mắc căn bệnh thường được nghĩ chỉ dành cho người lớn tuổi.
Tuy vậy theo nhiều chuyên gia, quan điểm đột quỵ nhồi máu não là "bệnh già" không đúng, bởi bất cứ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh.
Trước ca sĩ Đại Nhân, rất nhiều trường hợp bị đột quỵ nhồi máu não khi còn rất trẻ
Tháng 5/2018 trong lúc đá bóng với bạn bè, anh P.M.T (34 tuổi, ngụ TP.HCM) thấy lảo đảo người, muốn té ngã và cảm giác nửa người bên trái yếu dần.
Dù được nằm nghỉ tại chỗ 2 tiếng nhưng tình trạng bệnh nhân không thuyên giảm mà ngược lại còn nặng hơn, người thấy hơi tê và méo miệng, đau đầu nhẹ nên được đưa đi cấp cứu.
Trường hợp bệnh nhân liệt nửa người trong lúc chơi thể thao.
Chỉ 5 phút sau khi nhập viện, anh T. đã liệt hoàn toàn nửa người bên trái. Khai thác bệnh sử, người bệnh đã hút thuốc lá trên 20 năm (mỗi ngày khoảng nửa gói) và gia đình có ba từng bị đột quỵ. Kết quả chụp CT mạch máu có thuốc cản quang, các bác sĩ thấy có hiện tượng hẹp nặng gốc động mạch não giữa bên phải của bệnh nhân.
Đánh giá đây là tình trạng của nhồi máu não cấp tính, ekip điều trị đã trao đổi và tư vấn với người nhà về việc sử dụng thuốc tiêu sợi huyết để truyền trực tiếp vào tĩnh mạch của người bệnh.
Sau 15 phút truyền thuốc, anh T. bắt đầu cử động được nửa người bên trái và hồi phục sức cơ sau 45 phút. Một ngày sau, anh hồi phục hoàn toàn.
Căn bệnh gây tàn phế vĩnh viễn và tử vong đáng sợ
ThS.BS Hoàng Thị Tố Uyên, khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết anh T. rất may mắn vì nhập viện trong thời gian vàng (khoảng 4,5 giờ kể từ khi xuất hiện dấu hiệu bệnh) và được cho sử dụng thuốc đặc trị nhanh chóng.
Bệnh đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng bệnh lý do tổn thương mạch máu não đột ngột.
Bệnh nhân đột quỵ được đưa từ đảo vể đất liền cấp cứu.
Nguyên nhân có thể do sự tắc nghẽn mạch máu não làm ngừng trệ dòng máu lên nuôi não phía sau chỗ tắc hoặc do vỡ mạch máu trong não làm cho máu trong lòng mạch thoát ra bên ngoài tràn vào mô não, phá hủy và chèn ép mô não.
Hậu quả là làm phần não có liên quan của bệnh nhân bị tổn thương, không thể hoạt động được, dẫn đến phần của cơ thể mà phần não đó kiểm soát cũng không thể hoạt động.
Theo Tổ chức Đột quỵ Châu Âu, cứ mỗi 30 phút lại có một bệnh nhân đột quỵ đáng lẽ có thể được cứu sống lại phải chết hoặc tàn phế vĩnh viễn.
Thực trạng đáng buồn này phần lớn vì người thân không nhận biết được dấu hiệu của bệnh để đưa bệnh nhân đến đúng bệnh viện chuyên khoa điều trị đột quỵ sớm.
Như trường hợp của ca sĩ Đại Nhân, anh chia sẻ trước khi bị tai biến mạch máu não, bản thân thường xuyên nhức một bên đầu, khó thở khi vận động cường độ cao nhưng nghĩ do bị xoang nên chủ quan bỏ qua.
Thời gian vàng cấp cứu đột quỵ là 4.5 giờ kể từ lúc phát hiện dấu hiệu.
TS. BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội đột quỵ TP.HCM, trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện nhân dân 115 chia sẻ, đột quỵ là nguy cơ gây tử vong thứ ba trên toàn thế giới và đứng số 1 tại Việt Nam.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ mới, tỉ lệ tử vong vì căn bệnh này vượt qua nhiều những bệnh lý hiểm nghèo khác như ung thư, bệnh lý tim mạch, tai nạn giao thông.
Đột quỵ não có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như: Rối loạn nhịp tim, bệnh lý đông máu, hẹp mạch máu.
Các nguyên nhân này thường đến từ các yếu tố nguy cơ: hút thuốc lá, tiểu đường, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp..
Đối với những bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp hay rối loạn lipid máu, …. cần lưu ý thật kỹ các triệu chứng.
Dù nguy hiểm như vậy nhưng số lượng bệnh viện có đơn vị đột quỵ ở nước ta còn chưa nhiều. Cụ thể tại TP.HCM có 11 đơn vị, Hà Nội có 10 đơn vị, các tỉnh thành khác có từ 1-2 đơn vị hoặc không có (thống kê năm 2018).
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu có bất kỳ triệu chứng như méo miệng, tê yếu chân tay/nửa người hoặc toàn thân, hãy nhập viện cấp cứu càng sớm càng tốt trong thời gian vàng để các bác sĩ can thiệp và sử dụng thuốc hiệu quả.
"Để hạn chế nguy cơ đột quỵ, chúng ta nên xây dựng lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, uống rượu bia, tập thể dục thường xuyên. Đối với những bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp hay rối loạn lipid máu... cần lưu ý các triệu chứng để phát hiện và điều trị kịp thời" - bác sĩ Uyên nói.