Cả nước có 16 người tử vong trong 4 tháng đầu năm vì bệnh dại: Cảnh báo bệnh dại có chiều hướng gia tăng

MT,
Chia sẻ

Bệnh dại thường xảy ra ở các mùa trong năm tuy nhiên với thời tiết nắng nóng và mưa ẩm thì dịch bệnh có khả năng bùng phát mạnh do điều kiện môi trường thuận lợi cho virus dại phát triển.

Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%

Theo Bộ NN&PTNT, tình hình bệnh dại có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, cụ thể: Trong năm 2018, cả nước có 103 người tử vong vì bệnh dại (tăng 29 trường hợp so với năm 2017) và có 521.831 người bị phơi nhiễm phải đi tiêm vắc-xin phòng bệnh dại (tăng 21.117 trường hợp so với năm 2017), trong đó 41% các trường hợp là do chó thả rông có biểu hiện ốm và lên cơn dại cắn. Trong 4 tháng đầu năm 2019, cả nước có 16 người tử vong vì bệnh dại và 170.765 người phơi nhiễm phải đi tiêm vắc-xin dại.

Cả nước có 16 người tử vong trong 4 tháng đầu năm vì bệnh dại: Cảnh báo bệnh dại có chiều hướng gia tăng - Ảnh 1.

BS Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Nhiệt đới TƯ) cho biết, bệnh dại là bệnh do rabies virus gây nên. Virus dại chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người thông qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể con người. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại thì tỷ lệ tử vong là gần như 100%. 

Mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắc-xin đúng và đầy đủ. Những trường hợp tử vong do chủ quan không tiêm phòng cũng như theo dõi chó sau khi cắn, bệnh nhân đã không thể cứu chữa.

Dấu hiệu ban đầu của bệnh dại là: 

- Đau nhức nơi vết cắn, những dấu hiệu này lan rộng dọc theo hệ thống thần kinh và hệ thống bạch huyết. 

- Nặng hơn đó là tình trạng co giật, run các cơ kể cả cơ mặt, co thắt cơ hô hấp và co thắt thanh quản gây khó thở, sùi bọt mép, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng... 

Bệnh dại thường xảy ra ở các mùa trong năm tuy nhiên với thời tiết nắng nóng và mưa ẩm thì dịch bệnh có khả năng bùng phát mạnh do điều kiện môi trường thuận lợi cho vi rút dại phát triển. Vào thời điểm này những con chó mang virus dại dễ bị kích thích, hung dữ hơn nên khả năng tấn công người và các con chó khác nhiều hơn. 

Với tâm lý chủ quan vì nghĩ không phải con chó nào cũng bị dại và không phải ai cũng bị cắn nên việc thả rông chó ngoài đường vẫn đang là nguy cơ cao cho bệnh dại phát triển. Các chuyên gia y tế đưa ra cảnh báo bất cứ ai khi tiếp xúc với chó mèo thì cũng có thể bị cắn, cào và gây nên bệnh dại nếu con chó đó có virus dại.

Cần làm gì khi bị chó, mèo cắn

Theo các chuyên gia y tế khi bị chó, mèo dại hoặc nghi dại cắn, phải rửa thật kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối, dội nước nhiều lần để sát khuẩn và làm giảm đến mức tối thiểu lượng virus còn lại ở vết thương. 

Sau đó, phải bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc.

Không nên làm dập nát vết thương để tránh tình trạng virus xâm nhập nhanh hơn. Sau khi rửa vết thương, phải đến các điểm tiêm phòng dại để thầy thuốc chuyên khoa khám và có biện pháp điều trị dự phòng cụ thể cho từng trường hợp.

Cả nước có 16 người tử vong trong 4 tháng đầu năm vì bệnh dại: Cảnh báo bệnh dại có chiều hướng gia tăng - Ảnh 2.

Phải đi tiêm phòng dại ngay trong các trường hợp sau:

Con vật sau khi cắn người, lên cơn dại hoặc nghi bị dại.

Vết cắn gần thần kinh trung ương như thân, đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục và nhiều vết cắn nguy hiểm.

Không theo dõi được con vật.

Nếu vết cắn, liếm rất nhẹ (không trầy xước da) và xa thần kinh trung ương và tại thời điểm cắn người, con vật đó vẫn sống bình thường, hoàn toàn không có biểu hiện nghi ngờ dại thì chưa cần tiêm phòng.

Tuy nhiên, phải theo dõi con vật 10-15 ngày. Trong thời gian đó, nếu thấy con vật có biểu hiện không bình thường như: ốm, bỏ ăn, chết, mất tích, bán hoặc mổ thịt... thì phải đi tiêm phòng dại ngay.

Nếu sau 15 ngày kể từ khi cắn người mà con vật vẫn sống bình thường thì không cần tiêm phòng.

Khi tiêm vacxin phòng dại, cần lưu ý những gì?

Vacxin phòng dại có thể gây một số phản ứng nhẹ tại chỗ tiêm như ngứa, tấy đỏ... nhưng vài ngày sau sẽ hết. Những người có cơ địa dị ứng, bệnh mãn tính hay nghiện rượu có thể bị sốt nhẹ, nhức đầu, buồn nôn, chóng mặt (thường xảy ra sau mũi tiêm thứ 3 trở đi). Tuy nhiên, tỷ lệ người có những phản ứng phụ nói trên rất thấp, khoảng 1-2 phần vạn. Khi có các triệu chứng nêu trên, bệnh nhân phải báo cho bác sĩ ở phòng tiêm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Chia sẻ