Bộ phim gây ám ảnh nhưng lấy nước mắt nhất hiện tại, 4 người đi nhưng chỉ có 1 trở về!
Sau 13 năm, phim "Mùi cỏ cháy" vẫn là một điều gì đó thật đặc biệt, gắn với cả thế hệ thanh niên anh hùng, sẵn sàng hy sinh cho quê hương, đất nước.
Ra mắt từ năm 2012, Mùi cỏ cháy là một trong những phim chiến tranh hay nhất. Gần đến ngày 30/4, Mùi cỏ cháy lại được nhắc đến nhiều. Xem lại những thước phim gây ám ảnh về 4 chàng trai lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên năm 1971, khán giả vừa xót xa, vừa cảm phục nhưng cũng đầy tự hào, yêu mến.
Với bối cảnh Mùa hè đỏ lửa 1972 và trận chiến tại Thành cổ Quảng Trị, bộ phim đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả khi tái hiện sinh động sự hy sinh, lý tưởng sống và tinh thần của thế hệ thanh niên thời chiến. Sau 13 năm, Mùi cỏ cháy vẫn là một điều gì đó thật đặc biệt, gắn với cả thế hệ thanh niên anh hùng, sẵn sàng hy sinh cho quê hương, đất nước.

Những thước phim khiến triệu người bật khóc
Mùi cỏ cháy do Nguyễn Hữu Mười và Vũ Đình Thân đạo diễn, với kịch bản của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, dựa trên cuốn nhật ký nổi tiếng Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc.
Phim kể lại câu chuyện của 4 sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là Hoàng, Thành, Thăng và Long - những chàng trai trẻ đầy hoài bão đã lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên năm 1971. Sau thời gian huấn luyện ngắn, họ được điều ra chiến trường Quảng Trị, tham gia vào cuộc chiến khốc liệt bảo vệ Thành cổ năm 1972.
Ba người bạn là Thành, Thăng và Long đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến, chỉ còn Hoàng may mắn sống sót và trở về sau chiến thắng mùa xuân 1975. Câu chuyện được kể lại từ ký ức của Hoàng khi ông trở lại thắp hương tưởng niệm đồng đội nơi chiến trường xưa.


Bộ phim được kể lại từ ký ức của nhân vật Hoàng khi trở lại chiến trường xưa. Trên nền ký ức ấy, mạch phim chia làm hai phần: Phần đầu là thời gian các chàng trai rời mái trường, trải qua huấn luyện quân sự đầy gian khó với cả nước mắt, tiếng cười và những ước vọng ngây thơ; Phần hai là trận chiến khốc liệt tại Thành cổ Quảng Trị, nơi 3 trong số 4 người - Thành, Thăng và Long - lần lượt ngã xuống, chỉ còn Hoàng sống sót.
Khán giả không thể quên những hình ảnh giàu chất thơ: Tiếng đàn của Long ngân vang bên giếng làng khi anh tỏ tình với cô thôn nữ hay lời hứa giản dị giữa các nhân vật. Và rồi chính cây đàn, chiếc khăn tay, tấm ri đô ngăn phòng gắn liền với các nhân vật đều trở thành kỷ vật chôn theo họ nơi chiến trường rực lửa.
Cao trào của phim là khi những người lính vượt sông Thạch Hãn, phải đối đầu với bom pháo ác liệt. Giữa mưa đạn, Long hoảng loạn và hy sinh; Thăng mất vì cố nối lại đường dây liên lạc; Thành ngã xuống khi dũng cảm ngăn kẻ thù cắm cờ trên Thành cổ. Mỗi lần một người bạn ngã xuống, tượng cô gái trong công viên Thống Nhất - nơi từng lưu giữ bức ảnh kỷ niệm trước ngày các chàng trai nhập ngũ - lại rơi lệ bằng máu.


Bộ phim kết thúc trong thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975, khi Hoàng gặp lại Đại đội trưởng Phong tại Dinh Độc Lập, rồi ôm nhau bật khóc bên tấm ảnh cũ - biểu tượng cho một thế hệ thanh niên anh dũng, hy sinh và bất tử trong ký ức dân tộc Việt Nam.
Xem lại những thước phim này vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khán giả không thể kiềm được xúc động!
4 người đi nhưng chỉ có 1 trở về
“4 người đi nhưng vì sao chỉ có 1 trở về?”, câu hỏi đầy ám ảnh và đau xót vang lên khi khán giả xem hết phim Mùi cỏ cháy.
Hoàng trở về, mang theo cả nỗi đau và ký ức của những người đã ngã xuống. Anh sống không chỉ cho mình, mà còn sống để kể lại câu chuyện của những Thành, Long, Thăng - những người bạn, người đồng đội, người thanh niên đã chọn lý tưởng lớn hơn cả sự sống. Họ đã không bao giờ thấy ngày toàn thắng, nhưng chính sự hy sinh của họ đã góp phần làm nên ngày 30/4 lịch sử.
Ở thời bình, khi những tiếng súng đã lùi xa, Mùi cỏ cháy vẫn còn nguyên sức nặng như một bản hùng ca rực rỡ. Phim khiến người xem rơi nước mắt vì sự thật giản dị: Tổ quốc độc lập hôm nay được đánh đổi bằng máu của bao thế hệ tuổi hai mươi.

Đảm nhận 4 vai chính Hoàng, Thành, Thăng, Long trong Mùi cỏ cháy là những gương mặt trẻ: Tô Tuấn Dũng, Nguyễn Thanh Sơn, Lê Văn Thơm và Nguyễn Năng Tùng. Ở độ tuổi đôi mươi - đúng với tuổi đời của các nhân vật trong phim - họ mang đến sự chân thật và tự nhiên, điều mà nhiều diễn viên gạo cội khó lòng tái hiện được khi nhập vai người lính trẻ ra trận lần đầu.
Không gồng mình diễn, không quá trau chuốt, sự mộc mạc trong lối diễn của họ phù hợp một cách tự nhiên với tinh thần bộ phim: Kể về tuổi trẻ trong sáng đi qua chiến tranh bằng tất cả sự chân thành.
Mùi cỏ cháy không chỉ là một bộ phim chiến tranh, mà còn là khúc tráng ca tuổi trẻ, nơi cái đẹp và bi thương hòa quyện, để lại trong lòng người xem những xúc cảm sâu lắng.

Giữa những ngày cuối tháng 4/2025 - thời điểm cả nước tri ân các thế hệ đi trước - bộ phim một lần nữa được nhắc nhớ như một trong những tác phẩm điện ảnh xúc động nhất về chiến tranh và lòng yêu nước.
Với ý nghĩa và những cảm xúc đặc biệt đã tạo ra, Mùi cỏ cháy được đặc cách tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17. Tại đây, phim được trình chiếu trong lễ khai mạc và giành giải Bông Sen Bạc danh giá.
Tại Giải Cánh diều 2011, tác phẩm tiếp tục thắng lớn với 4 giải thưởng quan trọng: Phim điện ảnh xuất sắc, Biên kịch xuất sắc (Hoàng Nhuận Cầm), Âm nhạc xuất sắc (Đỗ Hồng Quân) và Quay phim xuất sắc (NSƯT Phạm Thanh Hà).
Năm 2012, Mùi cỏ cháy được chọn là đại diện của Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển Giải Oscar lần thứ 85 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất”.