Bố chồng bất chấp lời can ngăn, đùng đùng nhận cô hàng xóm làm em gái kết nghĩa, 4 năm sau, chuyện lớn xảy ra khiến mẹ chồng tôi xấu hổ
Sau đám tang, nhà tôi ngỡ mọi chuyện đã khép lại. Vậy mà một tháng sau, bố tôi cầm trên tay cuốn sổ di chúc của bà Bé.
Tôi là con dâu trưởng nhưng ở riêng, cách nhà bố mẹ chồng chỉ gần 1km nên vẫn thường xuyên qua thăm hỏi. Nhà chồng tôi ở trong ngõ sâu, cách vài căn là đến nhà bà Bé. Bà sống một mình, không chồng con, nghe đâu hồi trẻ cũng từng có người để ý nhưng rồi cuộc đời xô đẩy, chẳng ai chịu đợi ai mãi được. Cứ thế, bà lủi thủi già đi, ngày ngày qua lại trong căn nhà cấp bốn dột nát, bữa cơm bữa cháo, cũng chẳng có ai gọi một tiếng người thân.
4 năm trước, bố chồng tôi bỗng dưng tuyên bố nhận bà Bé làm em gái kết nghĩa. Mẹ chồng tôi nghe thế, hầm hầm bỏ vào buồng, đóng cửa đánh rầm một cái, rồi ngồi thở dài đến nửa ngày. Hôm ấy, tôi thấy mẹ vừa rửa rau vừa lẩm bẩm: "Gần sáu chục tuổi đầu, râu bạc quá nửa mà còn chơi trò kết nghĩa anh em. Rảnh quá hay sao mà lôi bà ấy về dây dưa với nhà mình?".
Từ đấy, trong nhà bắt đầu lục đục. Bố chồng tôi suốt ngày nói chuyện bà Bé. Bà ốm (mà bà rất hay ốm vì trong người nhiều bệnh nền), ông mua thuốc, rồi sang nấu cháo. Bà rét, ông lục tủ tìm áo bông cũ mang sang. Cả cái ngõ này biết tiếng ông bà là người tốt, hay làm phúc làm nghĩa. Nhưng cũng chính vì thế mà lần nào mẹ chồng tôi góp ý là ông nổi đóa, bảo rằng sống phải có tình có nghĩa, anh em kết nghĩa mà quay lưng sao đành.
Hồi ấy, mỗi lần sang chơi là mẹ chồng lại kéo tôi vào buồng tâm sự, than thở cả tiếng đồng hồ. Mẹ bảo, từ ngày có "cô em kết nghĩa" ấy, bố cứ như người mất hồn, bữa cơm nào cũng nhắc tên bà Bé, đêm ngủ cũng trằn trọc lo bà ấy bệnh. Mẹ nói mãi rồi, nhưng bố không nghe, cuối cùng bà chỉ biết ngồi ôm cục tức, bực đến nỗi người gầy rộc đi.
Rồi thì chuyện gì đến cũng đến. Hồi đầu năm, bà Bé mất. Hôm đó tôi nghe mẹ gọi điện mà khóc rưng rức: "Khổ lắm con ơi, bố mày, người ta mất rồi mà còn khóc thương như ruột thịt. Giờ vẫn đang khóc rưng rức kia kìa, mày về mà xem".

Ảnh minh họa
Đám tang bà Bé, bố chồng lo toan hết từ A tới Z, không thiếu thứ gì, còn gọi cả ban nhạc, thuê người khâm liệm, dựng rạp linh đình như người thân thật sự. Lúc ấy, mẹ tôi còn bảo: "Ông liệu mà cẩn thận, không khéo sau này lại khổ với cái nghĩa này". Tôi nghe thì thấy cũng có lý, nhưng nói ra thì sợ bố lại tự ái, đành im lặng.
Sau đám tang, nhà tôi ngỡ mọi chuyện đã khép lại. Vậy mà một tháng sau, bố tôi cầm trên tay cuốn sổ di chúc của bà Bé, run run đọc cho cả nhà nghe. Bà để lại căn nhà và mảnh đất cho "người anh kết nghĩa" – tức là bố chồng tôi – cùng toàn bộ số tiền tiết kiệm, dặn rằng dùng để lo giỗ chạp, thờ cúng và hương khói hàng năm.
Lúc ấy, mẹ chồng tôi tái mặt. Căn nhà cấp 4 lụp xụp, mảnh đất cũng chẳng phải mặt tiền, nhưng ở cái khu phố đang lên giá này, bán đi cũng được đôi ba tỷ. Mẹ ngồi thừ người ra, mấy lần định nói lại thôi. Còn bố thì lặng lẽ gấp cuốn sổ, giọng buồn rười rượi: "Tao cũng chỉ định lo cho cô ấy mấy ngày cuối đời, vì cái tình cái nghĩa thấy người neo đơn nên mới giúp, không ngờ...".
Từ hôm ấy, mẹ chồng tôi cứ lạnh như băng. Bà không còn càm ràm như trước, chỉ lẳng lặng tránh mặt bố tôi, cơm cũng ăn riêng, đêm thì đòi ngủ với cháu. Có lần tôi sang chơi, thấy mẹ ngồi thẫn thờ bên cửa sổ, ngước mắt nhìn sang ngôi nhà nhỏ giờ đã hoang tàn, mưa gió thổi rêu xanh đầy mái, mà thở dài mãi không thôi...