Bí quyết chăm sóc giàn hồng leo nở rộ như trời Tây của mẹ đảm ở Quảng Ninh
Với ưu thế khu vườn rộng rãi, nhiều ánh nắng mặt trời, chị Thúy Hường lựa chọn trồng đủ các loại hoa quanh nhà, làm đẹp tổ ấm. Chị yêu nhất là hoa hồng nên dành nhiều tâm huyết và thời gian tạo nên giàn hồng leo nở rộ hoa vô cùng lãng mạn.
Chị Thúy Hường hiện tại đang sống cùng gia đình nhỏ của mình ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ngoài công việc là một chuyên viên tư vấn luật, chăm sóc gia đình nhỏ, chị yêu thích khoảng thời gian thư giãn, cân bằng tâm trạng khi ra vườn chăm cây, chăm hoa. Với khoảng diện tích 200m2, chị Hường dành khoảng 50m2 cùng với khu vực sân để trồng các loại hoa.
Bên cạnh các loại hoa theo mùa, chị Hường trồng các loại hồng. Hương thơm cùng sắc màu rực rỡ của hoa hồng luôn khiến chị cảm thấy thoải mái, thư giãn khi bước ra vườn, ngắm cây ngắm hoa, hít thở không khí trong lành. Trong vườn của chị có giàn hồng leo Abraham Darby 2,5 năm tuổi.
Theo chị, thời tiết miền Bắc tuy nắng nóng và có 4 mùa với khí hậu khác nhau nhưng vẫn có thể trồng được hồng ngoại. Theo chị Hường, để có giàn hồng sai hoa, form hoa chuẩn, to đẹp cần có niềm đam mê và dành thời gian chăm sóc.
Về giá thể, chị trồng cây trực tiếp xuống đất pha cát mà không trộn các loại phân. Chị Hường lưu ý nên chọn giá thể trồng sạch, không bị các loại nấm bệnh hay con trùng (sùng) chuyên ăn rễ cây. Nếu muốn xử lý đất sạch, chị Nhung khuyên mọi người nên phơi đất, trộn chút vôi bột kèm thêm một chút Trichoderma.
Chị Thúy Hường chia sẻ về cách chăm sóc hồng: "Để hồng sai hoa, bông to, mình thường ép hoa nở vào mua thu, đông, xuân khi thời tiết khá mát mẻ sẽ tốt cho sự sinh trưởng của hồng ngoại. Vì thế, về dinh dưỡng mình sẽ chia làm 2 mùa để tiện hơn trong việc chăm sóc. Theo kinh nghiệm của mình thì các loại hồng đều thích dịch chuối".
Trong những ngày mùa hè nhiều nắng, chị Hường chỉ bón cho cây một lượng nhỏ, ít, chủ yếu lượng dinh dưỡng này để nuôi thân, lá và không cần kích mầm cho cây lớn. Khoảng 2/3 tuần hoặc tháng bạn mới bón 1 lần cũng được. Mỗi lần bón, chị Hường pha 0,5-1 lít dịch chuối + 1 năm nhỏ NPK hòa tan và tưới.
Vào mùa đông khi thời tiết thích hợp, nếu bón đủ dinh dưỡng cây sẽ lớn nhanh. Để kích thích cây lớn nhanh, chị thường bón một lượng dịch chuối 1 – 2 tuần/lần. Thỉnh thoảng, chị bón thêm chút phân bò, gà. Những lúc có thời gian chăm sóc, chị Hường bón dịch hỗn hợp gồm chuối, trứng, đậu tương, pha bia với nước tưới gốc và lá cây.
Những bông hồng tỏa hương thơm ngát.
Để đảm bảo hồng tốt tươi chắc chắn không thể thiếu việc giữ ẩm. Chị Hường tưới nước cho cây mỗi ngày vào mùa hè và tưới 2 – 3 ngày/lần vào mùa mát. Chị lưu ý không nên tưới khi trời tắt nắng vì dễ sinh nấm bệnh, chỉ nên tưới lá vào buổi sáng.
Một trong những bí quyết giúp hồng tốt tươi chính là tỉa cành. Chị Hường thường chú ý đến việc cắt tỉa các cành nhỏ, cành còi, những cành bị khuất nắng không lớn được giúp hồng leo bật nhiều mầm và hoa.
Mỗi năm, chị sẽ cắt tỉa sâu một lần vào dịp giáp Tết, trước và sau khi cắt tỉa sẽ bón thúc nhiều dinh dưỡng để cây bật những mầm chính to, khỏe từ gốc.
Để cây bật nhiều mầm, chị Hường còn chú ý uốn cành cong nhẹ, hơi vòng cung. Khi đó mầm nhánh sẽ bật lên rất nhiều ở mỗi nách lá. Với thời tiết mát và dinh dưỡng thích hợp từ khi cắt tỉa sẽ mất khoảng trên dưới 1,5 tháng cây sẽ cho nụ, nếu cắt tỉa sâu cây sẽ cho hoa chùm và bông to.
Hồng ngoại trồng ở Việt Nam thường bị nhiều bệnh vào mùa hè. Vì nhà có trẻ nhỏ nên chị Hường không dùng các loại thuốc trị bệnh độc hại. Để phòng trĩ, chị phun phòng bằng tỏi, ớt, gừng xay cùng 1 – 2 giọt nước rửa bát và 1 quả chanh hoặc ngâm thuốc là, gừng, tỏi, ớt với rượu đều hai mặt lá. Thỉnh thoảng, chị pha thêm nước vôi thật loãng để phun đều hai mặt lá để chống nấm.
Tuy việc chăm sóc hồng có phần hơi vất vả so với các loài hoa khác nhưng ngắm nhìn thành quả là cả giàn rực rỡ khoe sắc, tỏa hương khiến chị cảm thấy mọi vất vả, áp lực cuộc sống đều biến mất. Giàn hoa trong mơ còn giúp ngôi nhà của chị thêm đẹp mắt, thêm niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn.
Nguồn ảnh: NVCC