Bị mỉa mai đua đòi cho con học trường QUỐC TẾ để "ra vẻ" sang chảnh: Bà mẹ phản biện thuyết phục, câu chốt cuối quá CHÍ LÝ
Có nhiều người thân và bạn bè hỏi tôi, tại sao phải mất thời gian và tốn kém để gửi con cái đến một trường quốc tế, chẳng phải tụi nhỏ học trường bình thường cũng giỏi giang hay sao?
Với quan điểm "đầu tư trí thức là đầu tư bền vững", đứng trước lựa chọn trường công - trường tư, nhiều phụ huynh dù điều kiện kinh tế không mấy dư dả vẫn quyết dè sẻn chi tiêu, tiết kiệm hết mức có thể để con được trưởng thành trong môi trường quốc tế. Chắc hẳn bạn còn nhớ câu chuyện cả nhà ngủ chung trên 1 chiếc giường, không dám mua gì ngoài kem đánh răng, băng vệ sinh, tiền dồn hết cho con học trường Quốc tế. Hay trước đó là trường hợp tranh cãi: "Con học tiền tỷ, cha mẹ sống trong căn phòng 15m2 và đi xe máy suốt 10 năm" của một bà mẹ ở TP.HCM nhận về hàng nghìn bình luận.
Một bà mẹ mới đây cũng chia sẻ lý do tại sao nhất quyết cho con học trường Quốc tế dù vô cùng tốn kém, kinh tế gia đình cũng không quá dư dả. Chị kể: "Có nhiều người thân và bạn bè hỏi tôi, tại sao phải mất thời gian và tốn kém để gửi con cái đến một trường quốc tế, chẳng phải tụi nhỏ học trường bình thường cũng giỏi giang hay sao?". Bà mẹ này trả lời nhiều thắc mắc, đồng thời cũng đưa ra loạt nguyên nhân để gia đình có lựa chọn có phần "mạo hiểm" này:
1. Học trường quốc tế có phải để con đi du học?
Thành thật mà nói, tôi không lên kế hoạch cho đứa trẻ xa như vậy, và điều quan trọng là phải xem nguyện vọng, ý chí của đứa trẻ. Từ khi con 7, 8 tuổi, ăn cái gì, mặc cái gì, xem cái gì, đi đâu chơi con đều có chủ kiến của mình, khi bố mẹ đưa ra một quyết định gì có liên quan đến con đều phải thương lượng với đứa trẻ. Tôi không thấy khó chịu, ngược lại cảm thấy khá vui vì con có chính kiến. Đối với việc ra nước ngoài, thái độ của con tôi cũng rất cởi mở nhưng con vẫn chưa chắc chắn. Vì vậy, tôi nghĩ đây là vấn đề của tương lai.
Tất nhiên, vợ chồng tôi hy vọng con có thể đến một nơi mới để phát triển kiến thức, tôi cũng tương đối yên tâm về khả năng sinh tồn độc lập của con mình, nhưng điều này liên quan đến hướng đi cuộc sống của chính con, nếu con muốn đưa ra quyết định của riêng mình, chúng tôi tôn trọng. Tóm lại, cho con học quốc tế để du học chỉ là một trong những yếu tố tôi xem xét, nhưng đó không phải là lý do chính, nếu theo tỷ lệ phần trăm, tôi nghĩ rằng tối đa 5%.
2. Có phải vì tôi "bài trừ" giáo dục truyền thống?
Cũng không phải. Giáo dục nặng thi cử có nhược điểm, điều này tôi công nhận. Nhưng với trường công lập, khung chương trình giáo dục chuẩn và truyền thống, việc tiếp nối các bậc học trở nên dễ dàng hơn cho học sinh. Con phải cọ xát nhiều với môi trường bạn học xuất thân từ những hoàn cảnh gia đình khác nhau, kỷ luật nghiêm khắc, có sự ganh đua, có mục tiêu để phấn đấu. Ưu điểm nữa là có nhiều trường, có thể chọn trường gần nhà, có thể chọn lớp có cô giáo dạy giỏi, học phí rẻ.
3. Có phải vì "bộ mặt" của cha mẹ không?
May mắn thay, không có bạn bè nào hỏi tôi điều này, nhưng tôi nghĩ sẽ có một số người nghĩ như vậy. Tất nhiên, chuyện mình làm, lựa chọn, tự mình chịu trách nhiệm, tự mình rõ ràng là được, tôi chưa bao giờ vì những lời dị nghị mà biện bạch.
Theo tôi, chẳng cha mẹ nào đánh đổi cuộc sống của gia đình mình, tương lai của con cái mình chỉ để có chút sĩ diện với người đời. Mục đích lớn nhất, cao cả nhất của cha mẹ vẫn là mong muốn mang đến cho con môi trường tối ưu nhất có thể.
4. Vậy đâu là lý do tôi gửi con tôi đến một trường quốc tế?
Thứ nhất, vì sự tự tin của con: Là một người lớn, tôi biết rằng sự tự tin bắt nguồn từ nhận thức về khả năng của chính mình, từ việc chấp nhận những thiếu sót của bản thân. Nhưng sự tự tin của trẻ em cần sự công nhận bên ngoài nhiều hơn là nhận thức và khẳng định của riêng mình.
Chúng cũng mong muốn các bạn cùng lớp khác quan tâm, mong muốn sự công nhận của giáo viên, cần tất cả các loại khuyến khích dù năng lực có ra sao chứ không phải chỉ nhìn vào những học sinh có thành tích tốt để tuyên dương. Một đứa trẻ không biết thế mạnh của mình sẽ rất khó khăn, tôi không muốn con mình có một tuổi dậy thì nổi loạn vì thiếu sự khuyến khích và quan tâm. Trường công lập có nhiều ưu điểm nhưng bù lại, lớp quá đông, học sinh phải nỗ lực để theo các bạn trong lớp, chế độ chăm sóc của cô giáo cũng chỉ ở chừng mực nhất định.
Ở trường Quốc tế, tương tác với giáo viên là việc bắt buộc. Các em phải luôn đặt ra câu hỏi thì giáo viên mới giải thích và luôn đảm bảo tất cả các em phải tích cực xây dựng bài vở, tránh lối học đọc - chép truyền thống. Giáo viên ở trường sẽ luôn có cách khiến cho các em hoạt động, không ai là ngoài cuộc trong bài học cả.
Sự đồng hành và chăm sóc của giáo viên là khá quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em, trong trường quốc tế, một lớp học khá ít học sinh, cộng với việc họ biết làm thế nào để khuyến khích trẻ em phát huy thế mạnh, tôi tin rằng điều này có lợi để nuôi dưỡng sự tự tin.
Thứ hai, vì sức khỏe của đứa trẻ: Tôi biết nhiều bậc cha mẹ rất coi trọng việc học tập và tích lũy kiến thức của con cái họ. Nhưng nếu chọn giữa một đứa trẻ kém thông minh và một đứa trẻ ốm yếu, tôi vẫn chọn vế thứ hai. Đến tuổi này, tôi hiểu rằng sức khỏe và thời gian là quý giá nhất, tất cả những điều khác chỉ là thứ yếu.
Sức khỏe được chia thành hai loại, một là sức khỏe thể chất, một là sức khỏe tâm lý. Các lớp học sức khỏe trường Quốc tế sẽ chú ý đến giáo dục an toàn của trẻ em, chẳng hạn như làm thế nào để tự cứu mình khi xảy ra hỏa hoạn, gặp tai nạn xe hơi làm thế nào để đối phó, tóm lại là các kỹ năng cần thiết cho trẻ.
Thực tế hiện nay cho thấy có rất nhiều trẻ bị ám ảnh tâm lý vì áp lực học tập. Các trường Quốc tế tôi biết cũng chú trọng tâm lý học đường, quan tâm phát triển từng cá nhân về sở thích, năng lực.
Thứ ba, để con mở rộng tầm nhìn: Học tập trong môi trường có nhiều bạn học sinh đến từ các nước không những giúp trẻ trau dồi kỹ năng tiếng Anh mà quan trọng hơn, ngay từ nhỏ con đã được tiếp xúc nhiều nền văn hóa. Mỗi nước sẽ có một nền văn hóa khác nhau dù có những điểm tương đồng nhất định. Sau này, khi đi làm việc và giao tiếp với những người ngoại quốc, các em sẽ không còn bỡ ngỡ và mắc phải những điều cấm kỵ ở một số nước. Con cũng sẽ có nhiều suy nghĩ độc lập, mới mẻ học hỏi từ những người bạn xung quanh.
"Thực sự có nhiều học sinh xuất thân từ những trường bình thường nhưng học giỏi rồi giành được học bổng qua nước ngoài học vẫn thành danh. Tuy nhiên, mục đích quan trọng nhất của gia đình tôi không phải là con thành ông này bà nọ. Quá trình trải nghiệm quan trọng hơn kết quả, và lựa chọn ra sao là tùy thuộc vào quan điểm của mỗi gia đình", bà mẹ này kết luận.