BHXH bắt buộc có nhiều thay đổi quan trọng: Những ai thuộc trường hợp này cần lưu ý nếu không muốn mất quyền lợi

Giáng Tiên,
Chia sẻ

Từ ngày 1/7/2025, Nghị định 158/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, mở rộng đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc, siết chặt điều kiện đóng - hưởng, đồng thời quy định cụ thể mức lương làm căn cứ đóng.

Nghị định 158/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đánh dấu bước thay đổi quan trọng trong chính sách an sinh xã hội, đặc biệt ở các nội dung về đối tượng tham gia, tiền lương làm căn cứ đóng, và nguyên tắc xác định mức đóng BHXH.

Đặc biệt, những thay đổi này ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động làm không trọn thời gian, lao động thử việc, chủ hộ kinh doanh, người hoạt động không chuyên trách… Nếu không nắm rõ quy định mới, nhiều người có thể vô tình mất quyền lợi mà không hay biết.

1. Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc

So với các quy định trước đây (đặc biệt là Nghị định 115/2015/NĐ-CP), Nghị định 158 đã mở rộng và làm rõ hơn các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Một trong những điểm mới nổi bật là việc bổ sung chủ hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh và nộp thuế theo phương pháp kê khai vào nhóm bắt buộc tham gia BHXH kể từ ngày 1/7/2025.

Còn lại, chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh nhưng không nộp thuế theo phương pháp kê khai thì từ ngày 1/7/2029 mới phải tham gia BHXH bắt buộc. Đây là bước đi phù hợp với định hướng bao phủ an sinh toàn dân, từng bước đưa các nhóm lao động phi chính thức tham gia vào hệ thống BHXH.

Một điểm đáng chú ý khác là quy định tại Điều 6 về việc đăng ký tham gia và cấp sổ BHXH. Nghị định quy định rõ cách thức đăng ký cho các nhóm đối tượng mới được mở rộng, như chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp tác xã hoặc người làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, người lao động trước khi ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng phải nộp hồ sơ đăng ký tham gia BHXH trước khi xuất cảnh. Điều này nhằm đảm bảo thời gian đóng BHXH không bị gián đoạn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi khi tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất sau này.

Từ 1/7: Đóng BHXH bắt buộc có gì mới, ai cần đặc biệt lưu ý? - Ảnh 1.

Nếu ra nước ngoài làm việc, NLĐ phải nộp hồ sơ đăng ký tham gia BHXH trước khi xuất cảnh (Ảnh minh họa)

2. Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc

2.1. Cách tính lương đóng BHXH bắt buộc cho người làm đủ thời gian trong tháng

Nghị định cũng nhấn mạnh cách xác định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc. Theo đó, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng, bao gồm: mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác nếu được thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng và trả ổn định

Tuy nhiên, các khoản phụ cấp lương phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của người lao động như thưởng doanh số, tăng ca, hỗ trợ ăn trưa... nếu không chi trả cố định hoặc không ghi trong hợp đồng sẽ không được tính vào lương đóng BHXH.

Quy định này tiếp tục kế thừa tinh thần của Nghị định 115/2015/NĐ-CP nhưng được phân loại rõ ràng hơn giữa các khoản được không được tính, giúp người lao động dễ hiểu, dễ đối chiếu để đảm bảo quyền lợi của mình.

Trường hợp của chị Huyền (32 tuổi, công nhân tại Bình Dương) ký hợp đồng lao động với mức lương làm căn cứ đóng BHXH là 5 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập thực tế khoảng 9 triệu đồng.

Theo Điều 39 Luật BHXH và Nghị định 158/2025/NĐ-CP, lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản như sau:

- Thời gian nghỉ: 6 tháng (sinh 1 con, không có yếu tố sinh non hoặc cần chăm sóc đặc biệt).

- Mức hưởng hằng tháng: = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ thai sản.

Lương làm căn cứ đóng BHXH Mức hưởng thai sản/tháng Tổng thời gian nghỉ Tổng trợ cấp thai sản Chênh lệch quyền lợi
5.000.000 đồng 5.000.000 đồng 6 tháng 30.000.000 đồng
9.000.000 đồng 9.000.000 đồng 6 tháng 54.000.000 đồng 24.000.000 đồng

Từ bảng so sánh trên có thể thấy, nếu đóng theo thu nhập thực tế 9 triệu đồng, số tiền chị Huyền nhận được sẽ là 54 triệu đồng, chênh lệch quyền lợi lên tới 24 triệu đồng.

Lưu ý: 

- Khoản tiền trợ cấp thai sản do quỹ BHXH chi trả, không phải do doanh nghiệp thanh toán, và không bị tính thuế thu nhập cá nhân.

- Nếu người lao động đóng BHXH chưa đủ 6 tháng trước khi sinh con thì không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Từ 1/7: Đóng BHXH bắt buộc có gì mới, ai cần đặc biệt lưu ý? - Ảnh 3.

Nếu lao động thử việc có mức tiền lương trong tháng thấp hơn mức sàn đóng BHXH thì không thuộc diện bắt buộc phải tham gia BHXH (Ảnh minh họa)

2.2. Cách tính lương đóng BHXH bắt buộc cho người làm không đủ thời gian, thử việc

Đối với nhóm người lao động làm việc không trọn thời gian hoặc thử việc, Nghị định nêu rõ nếu mức tiền lương trong tháng thấp hơn mức sàn đóng BHXH (tức mức lương tối thiểu để tham gia), họ sẽ không thuộc diện bắt buộc phải tham gia BHXH. Đây là điểm thay đổi cần lưu ý so với trước, khi mà quy định về mức lương tối thiểu chỉ được áp dụng gián tiếp thông qua văn bản hướng dẫn chứ chưa được nêu rõ trong luật hay nghị định.

Nghị định 158/2025/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trong một số trường hợp đặc biệt. Ví dụ, với người làm việc theo tuần, ngày hoặc giờ, mức lương đóng sẽ được quy đổi tương ứng ra lương tháng theo số ngày, giờ, tuần đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Trường hợp người lao động được trả lương bằng ngoại tệ, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ được chuyển đổi sang đồng Việt Nam theo tỷ giá trung bình mua vào theo hình thức chuyển khoản do 4 Ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước công bố tại thời điểm cuối ngày 2/1 cho 06 tháng đầu năm và ngày 1/7 cho 06 tháng cuối năm; trường hợp các ngày này trùng vào ngày lễ, ngày nghỉ thì lấy tỷ giá của ngày làm việc tiếp theo liền kề. Đây là cách tính mới, chi tiết và minh bạch hơn nhiều so với quy định cũ - vốn chỉ yêu cầu quy đổi mà không quy định rõ thời điểm và cách xác định tỷ giá.

3. Mức đóng, phương thức, thời hạn đóng BHXH bắt buộc

Về mức đóng và phương thức đóng BHXH, Nghị định 158 không điều chỉnh tỷ lệ đóng so với các quy định trước. Cụ thể, theo Điều 33 và 34 Luật BHXH 2024: Người lao động đóng  10,5% (8% hưu trí, 1,5% BHYT, 1% BHTN); Người sử dụng lao động đóng 21,5% (14% hưu trí, 3% ốm đau/thai sản, 0,5% TNLĐ, 3% BHYT, 1% BHTN).

Tuy nhiên, điểm mới nằm ở quy định cụ thể đối với nhóm lao động không làm việc không hưởng phụ cấp từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng BHXH tháng đó. Trước đây, quy định này đã có trong Thông tư nhưng lần này được nâng cấp thành quy định cấp Nghị định nhằm làm rõ trách nhiệm và tính hợp pháp của việc miễn đóng trong trường hợp ngừng việc ngắn hạn.

Ngoài ra, Nghị định 158 cũng mở đường cho việc triển khai các hình thức đóng BHXH đa tầng, linh hoạt - phù hợp với nhóm lao động nữ, lao động cao tuổi hoặc người làm việc tự do - những người có đặc điểm nghề nghiệp và thu nhập không ổn định. Việc minh bạch hóa cách xác định lương đóng BHXH được kỳ vọng sẽ giúp người lao động hiểu rõ mình đang đóng những gì, được hưởng quyền lợi gì, thay vì cảm giác "bị trừ lương mà không biết để làm gì".

Tóm lại, Nghị định 158/2025/NĐ-CP không chỉ giúp cụ thể hóa các quy định mới trong Luật Bảo hiểm xã hội, mà còn góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng rõ ràng, minh bạch và sát với thực tế hơn. Việc mở rộng đối tượng tham gia như chủ hộ kinh doanh, quy định cụ thể về tiền lương làm căn cứ đóng, hướng dẫn chi tiết thủ tục đăng ký... là những bước đi cần thiết để từng bước tiến tới mục tiêu an sinh xã hội toàn dân.

Chia sẻ