Bệnh viện Bạch Mai liên tiếp nhận ca biến chứng thẩm mĩ do spa không phép gây họa

Hà Minh,
Chia sẻ

Liên tục tiếp nhận các ca tai biến nghiêm trọng do phẫu thuật thẩm mĩ, tiêm chất làm đầy tại các cơ sở không được cấp phép, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mĩ (Bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo về tình trạng làm đẹp “chui” đang diễn ra tràn lan, đẩy nhiều người vào cảnh “tiền mất, tật mang”, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Chỉ trong thời gian ngắn, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mĩ đã tiếp nhận hàng loạt bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch do thực hiện các thủ thuật thẩm mĩ tại spa hoặc cơ sở chăm sóc da không đảm bảo chuyên môn và pháp lí.

Một trường hợp điển hình là bệnh nhân nữ 34 tuổi, nhập viện trong tình trạng chảy máu ồ ạt, tụ máu lớn vùng kín sau khi thực hiện cắt mí trên và thu gọn vùng môi bé tại một cơ sở thẩm mĩ ở Hà Nội. Sau mổ, vết thương không cầm máu, bệnh nhân chóng mặt, hoảng loạn. Khi đến Bệnh viện Bạch Mai , môi bé tím, sưng phồng, mất ranh giới với môi lớn, có điểm chảy máu không ngừng. Bệnh nhân lập tức được chuyển mổ cấp cứu để cắt chỉ, nạo máu tụ, tìm và khâu cầm máu, đồng thời phục hồi hình thể vùng tổn thương.

Một bệnh nhân nữ khác, 29 tuổi, đã tiêm filler vùng mông tại một cơ sở chăm sóc da. Sau tiêm 6 giờ, vùng mông sưng đau, nóng đỏ, sờ thấy nhiều khối cứng chắc, trong đó có khối lớn tới 10x8 cm. Bệnh nhân phải nhập viện phẫu thuật nạo bỏ filler và xử lí viêm nhiễm.

Hoại tử, liệt vận nhãn sau tiêm filler

Một trong những ca nặng nhất được ghi nhận gần đây là trường hợp bệnh nhân nữ 25 tuổi làm mũi tại một spa ở huyện Ứng Hoà (Hà Nội). Trong quá trình thực hiện, bệnh nhân được tiêm 3ml Lidocain hydroclorid và 1ml acid hyaluronic. Khoảng 15 phút sau, bệnh nhân đau đầu, buồn nôn, nôn ra thức ăn, cảm giác khó thở.

Tại Bệnh viện Đa khoa Vân Đình, bệnh nhân được chẩn đoán phản vệ độ III sau tiêm filler, chưa loại trừ ngộ độc thuốc gây tê Lidocain. Mạch của bệnh nhân lúc này chỉ còn 45 lần/phút, huyết áp tụt còn 90/60 mmHg, vùng mũi tím tái lan đến mắt.

Chuyển tuyến lên Bệnh viện Bạch Mai, tình trạng tiếp tục xấu đi: mắt phải sưng nề, viêm trợt giác mạc, phù đĩa thị, lác ngoài, hạn chế vận nhãn, nghi tổn thương dây thần kinh sọ số III. Đặc biệt, bác sĩ theo dõi khả năng hoại tử da vùng mũi trán do tắc mạch sau tiêm filler, xảy ra sau 41 tiếng từ thời điểm tiêm.

Bệnh viện Bạch Mai liên tiếp nhận ca biến chứng thẩm mĩ do spa không phép gây họa - Ảnh 1.

Bác sĩ chăm sóc vết thương cho bệnh nhân.

Cảnh báo từ chuyên gia

PGS.TS Phạm Thị Việt Dung, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mĩ, Bệnh viện Bạch Mai – cảnh báo: “Tất cả các thủ thuật thẩm mĩ, dù đơn giản đến đâu, đều tiềm ẩn nguy cơ nếu thực hiện tại nơi không đủ chuyên môn. Đặc biệt, các loại filler, botox, thuốc gây tê nếu dùng sai cách, sai liều có thể gây sốc phản vệ, tổn thương thần kinh, thậm chí tử vong”.

Filler là chất lạ đối với cơ thể, nếu tiêm bởi người thiếu chuyên môn hoặc chăm sóc không đúng cách, lạm dụng hoặc sử dụng quá nhiều dịch vụ làm đẹp kết hợp có thể gây nhiễm trùng, áp xe, tắc mạch, hoại tử. Nhiều bệnh nhân gặp biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler tại nhiều vùng khác nhau. Biến chứng thường xuất hiện hai tuần sau tiêm, nuôi cấy vi khuẩn mẫu bệnh phẩm thường nhiễm tụ cầu vàng, E Coli.

Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn muộn có thể do filler là hàng rẻ, trôi nổi, không đảm bảo chất lượng. Cũng có thể do quá trình thực hiện tiêm không đúng kĩ thuật, không đảm bảo vô khuẩn.

Bộ Y tế quy định người tiêm chất làm đầy bắt buộc phải là bác sĩ chuyên ngành Da liễu, tạo hình thẩm mĩ, được đào tạo bài bản về tiêm chất làm đầy. Cơ sở thực hiện thủ thuật phải được cấp phép. Nếu tiêm sai kĩ thuật, sử dụng filler không rõ nguồn gốc và chất lượng, bệnh nhân có thể phải chịu hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tổn thương chức năng cơ thể, nguy hiểm nhất là tử vong.

Bệnh viện Bạch Mai liên tiếp nhận ca biến chứng thẩm mĩ do spa không phép gây họa - Ảnh 2.

Bệnh nhân thâm tím vùng mũi lan lên mắt phải sau khi tiêm filler ở cơ sở spa

Bác sĩ Dung nhấn mạnh, một cơ sở được phép thực hiện phẫu thuật thẩm mĩ xâm lấn ít nhất phải là Phòng khám Phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ, có biển hiệu rõ ràng với dòng chữ “Phòng khám Phẫu thuật tạo hình thẩm mĩ”, niêm yết tên bác sĩ phụ trách, số giấy phép hành nghề và thời gian hoạt động. Việc quảng cáo “tiêm filler, cắt mí, nâng mũi không đau” tại spa, viện chăm sóc da là vi phạm quy định pháp luật nếu những nơi này không được cấp phép thực hiện các kĩ thuật can thiệp y tế.

Cần siết quản lí, ngăn “thẩm mĩ chui”

Thực tế, tình trạng các spa, viện thẩm mĩ hoạt động “chui” hiện nay vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Việc thiếu thanh tra chuyên ngành y tế cấp quận, huyện, cùng lỗ hổng trong quản lí các cơ sở không phép, khiến nhiều cơ sở ngang nhiên thực hiện các thủ thuật vượt phạm vi cho phép, gây hậu quả cho người dân.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tỉnh táo và tìm hiểu kĩ trước khi làm đẹp. Những lời quảng cáo “giá rẻ”, “nhanh chóng”, “không đau” có thể che giấu những rủi ro lớn, thậm chí không thể phục hồi.

Chia sẻ