Bên trong ngành công nghiệp biểu diễn livestream tại Trung Quốc

Hương Cherry,
Chia sẻ

Với mong muốn trở thành một ngôi sao nổi tiếng và luôn kiếm bộn tiền từ dịch vụ biểu diễn livestream trên mạng xã hội, nhiều cô gái trẻ tại Trung Quốc đã bất chấp tất cả, thậm chí là phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi toàn bộ nhan sắc thật của mình.

Kinh Cơ, một cô gái 27 tuổi hiện đang làm công việc biểu diễn livestream bán thời gian cho cổng dịch vụ trực tuyến "花椒" (Huājiāo - Hoa Tiêu) chia sẻ rằng đầu tháng Ba vừa qua, cô đã tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ để tăng cơ hội trở thành một ngôi sao nổi tiếng trên mạng.

Bên trong ngành công nghiệp biểu diễn livestream tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Hàng vạn cô gái trẻ đang ấp ủ giấc mơ trở thành một ngôi sao sáng trong ngành biểu diễn livestream tại Trung Quốc.

Sau hơn 5 tiếng thực hiện nâng mũi và làm căng da mặt, Kinh Cơ được đưa về phòng bệnh để tiếp tục theo dõi trong tình trạng bị cuốn băng gạc kín mít, bao phủ toàn bộ vùng mũi, mắt, trán cùng khu vực gò má.

Mặc dù lúc đó thực sự rất đau đớn, cứ ngỡ như đang "chết đi sống lại" nhưng cô chưa bao giờ cảm thấy hối hận với quyết định của mình.

"Họ sẽ xem tôi biểu diễn và thưởng ‘Hoa Tiêu xu’ cho tôi nhiều hơn nữa. Tôi nhất định phải phải thật nổi tiếng, phải mở được cửa hàng kinh doanh trực tuyến rồi lựa chọn cho mình một người bạn đời thật giàu có", Kinh Cơ khẳng định.

Bên trong ngành công nghiệp biểu diễn livestream tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Công việc của những cô gái này là ngồi trước màn hình máy tính và tìm cách để người xem gửi tặng mình thật nhiều tiền ảo.

"Hoa Tiêu xu" là một loại tiền ảo do cổng dịch vụ trực tuyến "Hoa Tiêu" phát hành và có thể mua được bằng tiền thật. Sau đó, người dùng sẽ sử dụng loại tiền ảo này để chi trả cho các loại hình giải trí hoặc kinh doanh thương mại trên trình duyệt ấy, bao gồm cả việc tặng lại cho những người biểu diễn livestream giống như cô Kinh Cơ.

Dĩ nhiên, họ cũng biết cách quy đổi "Hoa Tiêu xu" thành tiền thật với tỷ giá thấp hơn một chút để tiêu xài thoải mái ngay ở ngoài đời thực.

Bên trong ngành công nghiệp biểu diễn livestream tại Trung Quốc - Ảnh 3.

Tổng doanh thu năm 2016 của ngành công nghiệp biểu diễn này lên tới 30 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng).

Nhưng Kinh Cơ chỉ là một trong số hàng vạn cô gái trẻ đang ấp ủ giấc mơ trở thành một ngôi sao sáng trong ngành biểu diễn livestream tại Trung Quốc mà thôi. Bởi chỉ cần có nhan sắc nổi bật kèm thêm vài tuyệt chiêu thu hút người đối diện, họ có thể vô tư thu về hàng trăm triệu đồng mỗi tháng mà chẳng phải lo nghĩ điều gì.

Mảng dịch vụ giải trí "siêu hot" này mới manh nha xuất hiện khoảng 4 năm gần đây, thế nhưng nó đã phát triển rất nhanh chóng với tổng doanh thu năm 2016 lên đến 30 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 100.000 tỷ đồng).

Theo dự đoán của China Renaissance Securities – một hãng đầu tư tài chính uy tín ở quốc gia đông dân nhất châu Á thì năm 2020, mức doanh thu của mảng dịch vụ giải trí này còn đạt gấp 3 lần hiện tại và hoàn toàn vượt mặt doanh thu phòng vé từ ngành phim điện ảnh.

Bên trong ngành công nghiệp biểu diễn livestream tại Trung Quốc - Ảnh 4.

Trước khi bắt đầu công việc, các cô gái trẻ sẽ được trang điểm và làm tóc thật đẹp.

Sự phát triển nhanh chóng của loại hình trên đã thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, trong đó nặng ký nhất phải kể tới những "ông lớn" thuộc lĩnh vực kinh doanh trực tuyến tại Trung Quốc như Tencent, Alibaba Group hay Baidu.

"Hiện chúng tôi đang đầu tư cho nhiều cổng cung cấp dịch vụ livestream và giải trí tương tác, bao gồm cả trang chuyên livestream dành cho game thủ lớn nhất Trung Quốc là Dòuyú - Đấu Ngư", đại diện hãng Tencent nhấn mạnh.

Ngoài ra, cổng dịch vụ buôn bán trực tuyến "淘宝" (Táobǎo – Đào Bảo) của "ông lớn" Alibaba cũng mới cho ra mắt nền tảng livestream riêng vào năm ngoái, cho phép người bán  có thể trực tiếp quảng cáo các sản phẩm tới khách hàng của mình.

Bên trong ngành công nghiệp biểu diễn livestream tại Trung Quốc - Ảnh 5.

Họ tranh thủ ngắm nghía lại nhan sắc của mình trước giờ "lên sóng".

Nguyên nhân dẫn tới sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng biểu diễn trên là do lượng người sử dụng internet tại Trung Quốc đang ngày một gia tăng. Tính đến nay, đã có hơn 700 triệu người được tiếp cận với mạng internet – cao hơn cả dân số của hầu hết các quốc gia trên thế giới ngoại trừ Ấn Độ.

Vì vậy, thật không có gì đáng ngạc nhiên khi các cổng cung cấp dịch vụ livestream lại phát triển một cách rầm rộ đến như vậy mà đa phần đều tập trung vào loại hình biểu diễn giải trí trực tuyến.

Bên trong ngành công nghiệp biểu diễn livestream tại Trung Quốc - Ảnh 6.

Trường quay để sản xuất các chương trình livestream là tổ hợp văn phòng với những ô riêng biệt được trang trí giống như phòng ngủ của một cô gái trẻ.

Do các chương trình truyền hình đang dần trở nên thiếu sức hút đối với khán giả nên dịch vụ livestream thường phát triển rất mạnh tại những thành phố nhỏ. Đồng thời, với khả năng tiếp cận máy vi tính hạn chế thì việc xem được livestream trên điện thoại thông minh chính là sự lựa chọn tối ưu của rất nhiều người.

"Nó cũng kéo theo sự đi lên của nhiều ngành kinh doanh phụ trợ khác trong xã hội, ví dụ như tìm kiếm tài năng mới để xuất hiện trên các chương trình livestream, cho vay tiêu dùng và cả... phẫu thuật thẩm mỹ", anh Vương cho biết.

Theo ông Đặng Kiện, giám đốc hãng truyền thông Three Minute TV – nơi chuyên đào tạo và cung cấp người biểu diễn cho gần 40 cổng dịch vụ livestream lớn tại Trung Quốc thì công ty của ông đang vận hành một "cỗ máy sản xuất được quân sự hóa" nhằm cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho ngành dịch vụ livestream tại quốc gia này.

Vị giám đốc cũng khẳng định thêm: "Chúng tôi đã tung ra hơn 1.000 nhân sự chuyên nghiệp cho các cổng dịch vụ livestream lớn nhỏ. Dĩ nhiên, việc tự sản xuất hàng trăm chương trình hấp dẫn theo đơn đặt hàng vẫn luôn được ưu tiên hàng đầu".

Bên trong ngành công nghiệp biểu diễn livestream tại Trung Quốc - Ảnh 7.

Hiện có khoảng 150 cổng cung cấp dịch vụ livestream lớn tại Trung Quốc.

Trường quay để Three Minute TV sản xuất các chương trình livestream là tổ hợp văn phòng ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc với những ô riêng biệt được trang trí giống như phòng ngủ của một cô gái trẻ.

Tại đây, hàng chục "hotgirl" của ông Đặng phải thay nhau làm việc cả ngày theo 3 ca. Họ đều có chung nhiệm vụ là biểu diễn, ca hát, tán tỉnh và tìm đủ mọi cách để khuyến khích khách hàng mua tặng mình nhiều món quà biểu tượng bằng tiền ảo thông qua màn hình máy vi tính.

Lợi nhuận từ việc đó sẽ được phân chia theo tỷ lệ đã định sẵn từ trước giữa hàng loạt cổng cung cấp dịch vụ livestream, hãng truyền thông trung gian như Three Minute TV cùng các nàng "hotgirl" xinh đẹp.

Bên trong ngành công nghiệp biểu diễn livestream tại Trung Quốc - Ảnh 8.

Hiện có khoảng 150 cổng cung cấp dịch vụ livestream lớn tại Trung Quốc.

Three Minute TV cũng giúp đỡ "gà cưng" được phẫu thuật thẩm mỹ tại những bệnh viện quen với mức giá ưu đãi nhằm giúp họ trở nên cuốn hút hơn, từ đó sẽ thu về món lợi nhuận khổng lồ cho công ty mẹ.

Bà Kim Tinh - người sáng lập của ứng dụng tìm kiếm nơi phẫu thuật thẩm mỹ thích hợp Soyoung cho biết hiện nay đã có tới 95% "hotgirl" biểu diễn livestream trên mạng từng quyết định tân trạng nhan sắc để tìm kiếm một diện mạo mới với các đường nét hoàn hảo hơn.

"Khi livestream thì mọi chuyện đều diễn ra trực tiếp và không thể chỉnh sửa bằng phần mềm bên ngoài. Do vậy, việc phẫu thuật thẩm mỹ sẽ giúp họ có được sự tự tin tuyệt đối trước hàng nghìn con mắt đang chăm chú ngắm nhìn", bà Kim nói.

Bà Kim còn khẳng định hiện có tới ít nhất 20% khách hàng của ứng dụng Soyoung tới từ mảng cung cấp dịch vụ livestream.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì mặc dù mới phát triển được gần 3 năm nhưng mảng dịch vụ ấy đã dần chuyển sang giai đoạn củng cố, ổn định thị trường với sự tham gia từ các "ông lớn" như như Tencent, Alibaba Group hay Baidu.

Bên trong ngành công nghiệp biểu diễn livestream tại Trung Quốc - Ảnh 9.

Nhiều đơn vị thường xuyên cung cấp các nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục.

Hiện chính quyền trung ương Trung Quốc đang tham gia chấn chỉnh hoạt động của loại hình biểu diễn livestream, đặc biệt là xử lý những đơn vị cung cấp dịch vụ không lành mạnh.

Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2016, Bộ Văn hóa Trung Quốc đã cho đóng cửa 4.313 trang cung cấp dịch vụ livestream, đồng thời cảnh cáo hoặc xử phạt hơn 18.000 người biểu diễn trực tuyến.

Trong đó, 12 cổng cung cấp dịch vụ livestream lớn bao gồm cả Đấu Ngư và Panda TV cũng được yêu cầu phải thay đổi phương thức hoạt động vì thường xuyên đăng tải các nội dung "khuyến khích khiêu dâm, bạo lực, tội phạm và gây tổn hại đạo đức xã hội".

Tuy nhiên, điều này vẫn không làm phai nhạt niềm hi vọng trở thành ngôi sao trên mạng của hàng vạn cô gái trẻ như Kinh Cơ.

Chia sẻ