Bất ngờ tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Tỷ lệ chọi 1 ngôn ngữ tăng hơn 20 lần, có đáng để theo đuổi?

Bảo Tín,
Chia sẻ

Vượt tiếng Anh, tiếng Trung... đây là ngôn ngữ có tỷ lệ chọi tăng bất ngờ nhất. Bạn có đoán là ngôn ngữ nào?

Năm học 2025 - 2026, lớp chuyên Tiếng Nga của THPT chuyên Nguyễn Huệ và THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam ghi nhận tỷ lệ chọi cao đột biến. Đây là mức độ cạnh tranh chưa từng thấy ở các lớp chuyên ngôn ngữ ít phổ biến này trong nhiều năm qua. 

Theo công bố chiều 13/5 của Sở Giáo dục và Đào tạo, hơn 16.000 thí sinh đăng ký thi lớp 10 THPT chuyên. Với chỉ tiêu 2.730 cho cả bốn trường, tỷ lệ chọi bình quân là gần 1/6.

Cụ thể, năm nay, lớp chuyên Tiếng Nga của THPT chuyên Nguyễn Huệ với tỷ lệ chọi 1/21,6. Đây là lớp có mức độ cạnh tranh vượt 1/20 - ngưỡng mà không lớp chuyên nào năm ngoái đạt được. Năm ngoái, tỷ lệ chọi ngành này chỉ 1,23.

Lớp chuyên Tiếng Nga của THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ams) cũng tương tự. Gần 550 học sinh đăng ký, trong khi chỉ tiêu 35, khiến tỷ lệ chọi hơn 1/15. Trong khi năm ngoái, lớp này có tỷ lệ chọi thấp nhất, chỉ 0,77.

Điều gì đã khiến học sinh và phụ huynh đổ dồn về những lớp học vốn từng "ế ẩm"? Và liệu việc theo học có thực sự đáng đầu tư?

Bất ngờ tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Tỷ lệ chọi 1 ngôn ngữ tăng hơn 20 lần, có đáng để theo đuổi?- Ảnh 1.

Tiếng Nga đã... "tới thời"?

Với sự thay đổi bất ngờ này, nhiều người cho rằng, phụ huynh đã bắt đầu nhận ra cơ hội phía sau một ngôn ngữ ít phổ biến: Học bổng du học Nga mỗi năm vẫn đều đặn cấp cho học sinh Việt Nam, chi phí học tập và sinh hoạt rẻ, chính sách hỗ trợ khá tốt. Cộng thêm việc một số ngành ở Việt Nam dùng tổ hợp có tiếng Nga để xét tuyển, khiến đây trở thành một "ngách" ít người biết nhưng tiềm năng.

Sự tăng đột biến này phản ánh một thay đổi âm thầm trong chiến lược của phụ huynh thành phố: Tìm đường vòng để tránh con đường đã quá đông người đi. Với tiếng Anh bão hòa, tiếng Trung cạnh tranh gay gắt, thì tiếng Nga trở thành "ngách lạ" đầy hứa hẹn.

Ít người học, điểm chuẩn đại học cũng có thể dễ thở hơn, thậm chí sau này xin việc cũng dễ được coi trọng hơn vì là nhân lực hiếm. Một số bạn trẻ có ước mơ theo đuổi ngành ngoại giao, quan hệ quốc tế, hoặc du học dài hạn cũng chủ động chọn học tiếng Nga từ cấp 2, cấp 3 để có nền tảng tốt.

Trong bối cảnh mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga ngày càng phát triển sâu rộng, việc học tiếng Nga không chỉ giúp hiểu sâu hơn về văn hóa và lịch sử nước Nga mà còn mang lại cơ hội nghề nghiệp rộng mở, từ biên phiên dịch, quan hệ quốc tế đến phát triển trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Tính đến năm 2024, nhiều trường đại học tại Việt Nam báo cáo tỷ lệ sinh viên ngành Ngôn ngữ Nga có việc làm sau tốt nghiệp đạt mức cao:

Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS): 100% sinh viên tốt nghiệp năm 2023 có việc làm. Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM: 92,86% sinh viên tốt nghiệp năm 2023 có việc làm.

Tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế, kết quả khảo sát sinh viên ngành Ngôn ngữ Nga tốt nghiệp có việc làm sau một năm ra trường đạt tỉ lệ 100% (khảo sát sinh viên tốt nghiệp năm 2023). Qua thống kê từ Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng trong đề án tuyển sinh năm 2024, 100% sinh viên ngành Ngôn ngữ Nga tốt nghiệp năm 2023 đã có việc làm.

Tuy nhiên, cũng có những góc nhìn rất thực tế đáng để suy nghĩ.

Tiếng Nga không hề dễ học. Bảng chữ cái khác hoàn toàn với tiếng Anh, ngữ pháp phức tạp, cách phát âm và cấu trúc câu cũng khó hơn nhiều ngôn ngữ khác. Nếu học sinh không thực sự yêu thích và có khả năng học ngoại ngữ, việc học sẽ rất nặng nề.

Hơn nữa, thị trường lao động dành cho người học tiếng Nga không rộng. Ngoài một số vị trí phiên dịch, giảng dạy, hay làm việc trong các tổ chức hợp tác với Nga, thì cơ hội việc làm không nhiều. Và kể cả khi có việc tốt, thì phần lớn đã có người làm lâu năm, có kinh nghiệm – khó đến lượt sinh viên mới ra trường. 

Cũng cần nói thêm: Số lượng trường đại học trong nước đào tạo ngành tiếng Nga hiện khá ít, chỉ tiêu không nhiều. Nếu học sinh học chuyên Nga mà sau này không muốn theo tiếp con đường đó, việc chuyển hướng cũng không dễ.

Đừng chọn vì "đang hot", hãy chọn vì mình thực sự muốn đi đường dài

Nếu con bạn yêu thích ngôn ngữ, có định hướng du học rõ ràng, hoặc muốn theo đuổi nghề ngoại giao, quốc tế, thì tiếng Nga là một lựa chọn đáng đầu tư. Nhưng nếu chọn chỉ vì thấy tỷ lệ chọi năm ngoái thấp, hay nghĩ rằng học tiếng "hiếm" sẽ dễ xin việc hơn, không thực sự yêu ngôn ngữ, học vì bố mẹ tính toán thay thì rất có thể sẽ vỡ mộng.

Đừng quên: Học một ngoại ngữ là hành trình nhiều năm, không phải một kỳ thi. "Hiếm" không đồng nghĩa với "dễ kiếm việc". Cơ hội chỉ thực sự mở ra với người có đam mê, năng lực và sự kiên trì.

"Căng não" vào 10 Tuyến bài chia sẻ tin tức, kinh nghiệm ôn thi, đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 hiệu quả, các bài viết, quan điểm của phụ huynh, chuyên gia về kỳ thi lớp 10 hiện nay. KHÁM PHÁ
Chia sẻ