Bất khả kháng nhiều người tha hương "ĐỨT RUỘT" RỜI SÀI GÒN, 2 tháng ở quê đầy khó khăn nhưng hỏi "lên Sài Gòn nữa không" thì ai cũng rướm nước mắt

CAS - HẠ PHONG,
Chia sẻ

"Với em dịch này như một cuộc thanh lọc, mình sẽ có một điểm cuối và điểm cuối đó sẽ bắt đầu lại nhiều điều tốt đẹp hơn".

Vốn dĩ là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, hàng chục năm qua, Sài Gòn đã "dang tay" đón hàng triệu người từ khắp nơi đổ về, từ tầng lớp tri thức đến những người dân lao động, từ người trong giới thượng lưu đến những con người cơ nhỡ, không có bất kỳ một thứ của cải nào trong tay. 

Sài Gòn thân thương, rộng lượng ở chỗ không biết chê bai bất kỳ một ai. Thế nhưng, thời gian giãn cách kéo dài suốt 4 tháng liền khiến thành phố đáng sống này phải chia ly hàng chục nghìn người, đặc biệt là người dân lao động, đối tượng mà nó đã cưu mang từ khi vừa "mở mắt". 

Những người rời Sài Gòn đã nghĩ gì khi rời Sài Gòn là liệu pháp họ quyết định để giải quyết những khó khăn hiện tại? 

CSGT dẫn đường, hộ tống hàng nghìn phương tiện nối đuôi về quê chống dịch.

NGƯỜI ĐI THA HƯƠNG BAO NHIÊU NĂM RỒI CŨNG PHẢI VỀ QUÊ 

Cô B. (tên viết tắt, 48 tuổi) phải trở về Cà Mau ngay khi Sài Gòn có lệnh thực hiện giãn cách toàn xã hội, người đi tha hương bao lâu rồi cũng phải về. 

"Cô đi Sài Gòn cũng 4 năm nay rồi, hồi đó vì mâu thuẫn với mấy anh em trong nhà nên cô giận rồi bỏ đi. Người quen biết mình có nghề bếp nên giới thiệu cô vô đứng nấu chính cho quán ăn rồi ở lại nhà chủ luôn. Hồi cuối tháng 5 là bắt đầu hạn chế buôn bán rồi, người ta cũng cho nhân viên nghỉ nhiều lắm nhưng cô là thợ nấu nên vẫn ở lại làm bình thường. Đến hồi đầu tháng 7 cô thấy dịch căng thẳng quá, lỡ mình có gì nơi đất khách quê người thì má mình chịu sao nổi, nên thôi cô về". 

Những xung đột, mâu thuẫn trong gia đình khiến cho cô B. rời khỏi quê nhà đi mưu sinh ở Sài Gòn trong nhiều năm qua. Cô B. chia sẻ là nhờ những tất bật của công việc thường ngày mà cô không còn suy nghĩ nhiều đến chuyện buồn nữa nhưng nhìn những gia đình đến quán ăn cười nói vui vẻ thì cô lại nhớ quê. Nhiều lần cô B. có ý định trở về vì lo cho mẹ già nhưng vì sự hiềm khích không đáng có trong quá khứ làm cô đắn đo. Tuy nhiên, giữa tình hình dịch bệnh căng thẳng, cô B. đã quyết định về nhà để chăm sóc mẹ, bù đắp cho khoảng thời gian mấy năm qua. 

Bất khả kháng nhiều người tha hương "ĐỨT RUỘT" RỜI SÀI GÒN, 2 tháng ở quê đầy khó khăn nhưng hỏi "lên Sài Gòn nữa không" thì ai cũng rướm nước mắt - Ảnh 3.

"Ở Sài Gòn mấy năm vậy chứ cô tiết kiệm được một khoảng đặng lo cho bản thân và mẹ cô. Ngoài ra, cô cũng nhìn thấy được nhiều thứ, học được cái tình của những người xung quanh. Giờ về quê rồi cô cũng nhớ và thương lắm. Tự dưng mỗi ngày đi chợ thấy người ta ì xèo, rồi về đứng nấu không kịp cho khách ăn luôn mà giờ vắng tanh, không còn ai ra đường được nữa. Nhưng mà cô tin là trong thời gian sớm nhất, Sài Gòn sẽ ổn định lại thôi, rồi thỉnh thoảng cô lên "thăm" lại".

"TÔI ĐÃ NỖ LỰC RẤT NHIỀU ĐỂ ĐƯỢC ĐI HỌC Ở SÀI GÒN NÊN CHẮC CHẮN SẼ TRỞ LẠI" 

Câu chuyện của A. (tên viết tắt, 20 tuổi) vừa trở về quê Kiên Giang vì Sài Gòn đóng cửa cách ly thời gian dài. 

Không ít những bạn sinh viên chọn thoát khỏi vùng an toàn ở quê nhà để tìm nơi phát triển bản thân và trau dồi kiến thức. Vì vậy, ngoài A. ra thì có rất nhiều bạn trẻ cũng "tất bật" với sự học, sự kiếm tiền ở Sài Gòn. A. cho biết bạn ấy chỉ được gia đình cho học phí hằng năm, mỗi khoản chi phí khác dựa vào công việc làm thêm. Do tình hình dịch Covid lây lan phức tạp, trường học đổi phương án học online, nơi A. làm việc cũng đã đóng cửa từ cuối tháng 5. Cô ấy phải tìm thêm những công việc tạm thời khác vì nếu về quê sẽ gây thêm áp lực cho gia đình. 

"Tôi đã thuyết phục gia đình rất nhiều lúc tốt nghiệp cấp 3, vì mong muốn phát triển bản thân ở môi trường mới nên đã nộp hồ sơ vào trường đại học ở Sài Gòn. Tôi đã ở đây 2 năm, vừa học vừa kiếm tiền để tự xoay xở chi phí sinh hoạt". 

Tuy nhiên, giữa tình hình Sài Gòn giãn cách toàn xã hội từ đầu tháng 7, A. đã phải đi xe máy về quê vì không "gồng gánh" nổi chi phí. "Tôi đã dùng gần hết khoản tiền tiết kiệm nên chỉ còn cách tạm về quê để chờ ngày Sài Gòn khỏe mạnh lại". 

Bất khả kháng nhiều người tha hương "ĐỨT RUỘT" RỜI SÀI GÒN, 2 tháng ở quê đầy khó khăn nhưng hỏi "lên Sài Gòn nữa không" thì ai cũng rướm nước mắt - Ảnh 5.

Hiện tại, A. dành khoảng thời gian tạm dừng mưu sinh này để về ở bên cạnh gia đình, phụ giúp được việc gì thì làm việc đấy. Cô ấy chia sẻ vì bị áp lực giữa học tập và tiền bạc nên mỗi năm chỉ về quê vài lần, 2 năm qua vì muốn kiếm thêm tiền cũng không về ăn Tết. Lần trở về này là để A. bù đắp cho gia đình sự vắng mặt thời gian qua. 

"Tôi nhớ có lần vừa tan học phải chạy qua Tân Phú để đi làm, mà đường Cộng Hòa giờ tan tầm thì ai cũng biết nó "cực hình" cỡ nào. Tôi cứ chạy tới chạy lui từ trường đến chỗ làm qua biết bao cái giờ tan tầm thế đấy. Hôm dọn đồ đạc chạy về quê, nhìn đường phố vắng hoe, chỉ toàn chốt chặn và xe cứu thương mà xót xa dữ lắm. Nhưng tôi tin là Sài Gòn thế nào cũng sẽ khỏe mạnh, vì người ở đây ai nấy cũng kiên cường hết. Tôi đã nỗ lực rất nhiều để được đi học ở Sài Gòn nên chắc chắn sẽ trở lại…".

Bất khả kháng nhiều người tha hương "ĐỨT RUỘT" RỜI SÀI GÒN, 2 tháng ở quê đầy khó khăn nhưng hỏi "lên Sài Gòn nữa không" thì ai cũng rướm nước mắt - Ảnh 7.

"HẸN SÀI GÒN VÀO MỘT NGÀY HẾT DỊCH"

Sài Gòn từng là đích đến, là nơi để đám thanh niên T. B. và M. chọn sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng cả 3 đã phải nói câu này khi nhìn lại hành trình hơn 7 năm gắn bó với Sài Gòn nhưng không đủ năng lực để bám víu vượt qua thời gian dịch bệnh hoành hành, thời gian giãn cách dài thượt. 

T. và B. cùng tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin thời gian này vẫn đang làm online không bị ảnh hưởng nhiều, M. thì đang làm việc trong bộ phận IT của một công ty truyền thông. Công việc của M. không mấy suôn sẻ khi công ty đưa ra chính sách cắt giảm 30% lương. M. đã nghĩ đến chuyện thôi việc và về quê vì 70% lương còn lại sẽ khiến cậu sống rất chật vật ở đất Sài Gòn. 

"Cả khu trọ chỉ còn mỗi phòng của 3 đứa em chưa đóng tiền, các cô chú cũng thông cảm nhưng tụi em lại thấy áy náy vì đều là thanh niên trai tráng, không thể làm gì được hơn lúc này. Em thấy về quê chính là lựa chọn tức thời mà sáng suốt nhất, vừa để cha mẹ đỡ lo vừa đỡ tốn kém, mình đã không làm ra tiền rồi nên em nghĩ cách tiết kiệm vẫn tốt hơn là hao hụt thêm", M. nói. 

Cả ba chia tay ở căn phòng trọ vỏn vẹn 50 mét vuông, M. khăn gói lên đường, cậu thanh niên 26 tuổi không có nhiều sự đắn đo lắm vì nghĩ "đằng nào cũng sẽ trở lại Sài Gòn". 

M. quyết định rời Sài Gòn về quê và hẹn một ngày sẽ trở lại...

"Công việc của em ở quê không có môi trường để làm, nếu có thì thường mức lương rất thấp, công việc rất nhàn, em lại là người thích môi trường nhộn nhịp, cạnh tranh, tất bật như ở Sài Gòn. Trở về quê là cách tạm thời, vì ở lại phải lo tiền nhà, tiền ăn, chi tiêu đủ thứ còn về nhà dù sao cũng nhẹ nhàng hơn", M. bộc bạch tâm sự. 

Khi được hỏi những dự định trong tương lai, M. vui vẻ hoạch định ra rất nhiều thứ đồng thời cũng không quên khẳng định việc đầu tiên cậu làm hết dịch đó chính là trở lại Sài Gòn và bắt đầu những thứ mới mẻ. 

"Với em dịch này như một cuộc thanh lọc, mình sẽ có một điểm cuối và điểm cuối đó sẽ bắt đầu lại nhiều điều tốt đẹp hơn". 

Bất khả kháng nhiều người tha hương "ĐỨT RUỘT" RỜI SÀI GÒN, 2 tháng ở quê đầy khó khăn nhưng hỏi "lên Sài Gòn nữa không" thì ai cũng rướm nước mắt - Ảnh 9.

Bất khả kháng, nhiều người tha hương "ĐỨT RUỘT" RỜI SÀI GÒN về quê nhà, gần 2 tháng cuộc sống đầy khó khăn nhưng hỏi "có lên Sài Gòn nữa không" thì ai cũng rướm nước mắt - Ảnh 4.

 

Chia sẻ