Băng tan cực nhanh ở Cao nguyên Tây Tạng, đe dọa giải phóng gần 1.000 loài vi sinh vật
Hàng nghìn loài vi sinh vật tiềm tàng nguy hiểm có thể bị giải phóng vì băng tan ở Cao nguyên Tây Tạng.
Khi nhiệt độ toàn cầu tiếp tục gia tăng, hiện tượng băng tan càng diễn ra phổ biến ở khắp mọi nơi. Cùng lúc đó, các lớp băng vĩnh cửu cũng tan chảy dần và mở ra các khe nứt trên vỏ Trái Đất. Lượng nước từ băng tan đe dọa dâng cao mực nước biển, nhấn chìm nhiều vùng đất quan trọng trong tương lai.
Tuy nhiên, còn một mối lo khác đáng sợ không kém là việc tan băng này sẽ giải phóng các loài vi sinh vật cổ xưa tiềm tàng mối nguy hiểm bệnh dịch với con người và sinh vật đang sống trên Trái Đất.
Việc sinh tồn đối với vi sinh vật dưới lớp băng dày của Cao nguyên Tây Tạng không hề dơn giản. Chúng phải sống trong môi trường khắc nghiệt, nửa băng tan nửa đông cứng tùy vào mùa trong năm.
Các nhà khoa học mới đây cho biết họ đã khám phá thêm được 968 loài vi sinh vật bên dưới lớp băng dày và tất cả chúng có đặc điểm vô cùng đa dạng, gồm nhiều chủng loài vi khuẩn, tảo, nấm và sinh vật nhân thực.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát một khu vực rộng 2,5 triệu km vuông của Cao nguyên Tây Tạng. Trong khu vực này, họ phát hiện ra rằng hơn 80% sông băng đã bắt đầu rút lui do biến đổi khí hậu.
Các nhà nghiên cứu cho biết, sự đa dạng vi sinh vật đáng ngạc nhiên trong các sông băng, cùng với sự gia tăng băng tan do biến đổi khí hậu, làm tăng khả năng các vi sinh vật nguy hiểm tiềm ẩn - rất có thể là vi khuẩn - sẽ thoát ra ngoài và "càn quét". Nhóm tác giả viết: "Các vi khuẩn gây bệnh bị kẹt trong băng có thể dẫn đến dịch bệnh địa phương và thậm chí là đại dịch" nếu chúng được thải ra môi trường.
Bằng chứng cho thấy rằng một số vi khuẩn mới phát hiện có thể rất nguy hiểm đối với con người và các sinh vật khác. Nhóm nghiên cứu đã xác định được 27.000 yếu tố độc lực tiềm ẩn - những phân tử giúp vi khuẩn xâm nhập và cư trú trên vật chủ tiềm năng - trong danh mục TG2G.
Họ cảnh báo rằng khoảng 47% các yếu tố độc lực này chưa từng được nhìn thấy trước đây, và vì vậy không có cách nào để biết vi khuẩn có thể gây hại tới mức nào.
Các nhà nghiên cứu cho biết, ngay cả khi những vi khuẩn có khả năng gây bệnh này không tồn tại được lâu sau khi thoát khỏi sông băng, chúng vẫn có thể gây ra vấn đề. Vi khuẩn có khả năng độc nhất là trao đổi các đoạn DNA lớn của chúng, được gọi là các yếu tố di truyền di động (MGE), với các vi khuẩn khác.
Vì vậy, ngay cả khi vi khuẩn băng chết ngay sau khi được rã đông, chúng vẫn có thể truyền độc lực cho các vi khuẩn khác mà chúng gặp phải. Sự tương tác di truyền này giữa vi khuẩn sông băng và vi sinh vật hiện đại "có thể đặc biệt nguy hiểm", các nhà khoa học viết.
Nhưng vấn đề tiềm ẩn này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến châu Á. Có hơn 20.000 sông băng trên Trái Đất bao phủ khoảng 10% diện tích đất của hành tinh và mỗi sông băng có khả năng có các cộng đồng vi sinh vật độc đáo của riêng mình.
Vào tháng 4 năm 2021, một nghiên cứu sử dụng hình ảnh vệ tinh của các sông băng đã phát hiện ra rằng gần như mọi sông băng trên Trái Đất đều cho thấy tốc độ mất băng tăng nhanh trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2019, làm tăng nguy cơ vi khuẩn sinh sản đại dịch có thể thoát ra bất cứ nơi nào trên hành tinh.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng cần phải đánh giá "những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe (của những vi khuẩn này)" trước khi chúng được thả ra khỏi nhà tù băng giá.
Nguồn: GBR, Livescience