"Băng cướp họ Đoàn" và vụ cướp tổng kho dược phẩm rúng động Cửu Long năm 1981: Xác chết dưới đáy hồ (kỳ 1)

Mạn Ngọc (T/H),
Chia sẻ

40 năm trước, cái tên "Băng cướp họ Đoàn" từng là nỗi ám ảnh của người dân tỉnh Cửu Long cũ (nay là Vĩnh Long và Trà Vinh). Vụ cướp tổng kho dược phẩm Cửu Long năm 1981 do chúng gây ra là sự kiện gây chấn động khắp lục tỉnh lúc bấy giờ.

Trong bối cảnh đất nước còn muôn vàn khó khăn sau khi thống nhất chưa được bao lâu,  thuốc "tây" vào thời điểm đó thực sự quý như vàng, và được coi là tài sản của Nhà nước. Vụ cướp Tổng kho dược phẩm Cửu Long được coi là vụ cướp có vũ trang đầu tiên được ghi nhận, với những tình tiết ly kỳ và ghê rợn được nhiều người bàn tán cho đến mãi sau này. 

Hơn 10 đối tượng dùng súng AK, AR15 đột nhập, khống chế nhân viên tổng kho, cướp đi một số thuốc tân dược và nhiều tài sản cá nhân khác. "Băng cướp họ Đoàn" - nhóm đối tượng gây nên vụ cướp với những thủ đoạn tinh vi, táo tợn và máu lạnh trở thành nỗi ám ảnh không thể nào quên đối với mỗi người dân tỉnh Cửu Long cũ (nay là Vĩnh Long và Trà Vinh).

12 tiếng kinh hoàng đêm mùng 3 Tết

Tổng kho dược phẩm Cửu Long là kho thuốc lớn nhất lục tỉnh Miền Tây thời bấy giờ, tọa lạc tại Khóm 2, Phường 9- TX Vĩnh Long, ven Quốc lộ 1A, có diện tích 7.875m2, là công trình xây dựng dang dở, chỉ có một nhà kho xây hoàn tất là nơi lưu giữ thuốc và các dụng cụ y tế… Xung quanh kho được bao bọc một tường rào bằng gạch cao 2m, cổng vào kho rộng 4m, không có cổng phụ.

Do tính chất địa phương nằm cạnh biên giới Tây Nam, tình hình an ninh trật tự có nhiều phức tạp, nên để đảm bảo an toàn cho kho thuốc, các cán bộ nhân viên của Tổng kho dược phẩm Cửu Long phải cắt cử thay phiên nhau túc trực xuyên Tết. Đảm nhiệm công việc ở kho có 12 người, chia làm 2 ca trực, mỗi ca 6 người, dưới sự chỉ đạo chung của đồng chí Ngô Thành Thương - Bí thư chi đoàn, Trưởng Tổng kho.

Ca 1 bắt đầu từ 29 tết, gồm Ngô Thành Thương (phụ trách), Nguyễn Văn Đáng, Võ Văn On, Đào Thị Hồng Nga, Đặng Thị Thu Vân, Lê Thị Tuyết Trinh. Ca 2 từ mùng 2 đến mùng 4 tết, gồm Lê Thị Xích, Đỗ Thị Thu, Lữ Lý Nữ, Lê Nam Sinh, Nguyễn Văn Kỷ Năng, Nguyễn Hoài Đức.

Băng cướp họ Đoàn rúng động Cửu Long năm 1981: Xác chết dưới hồ (kỳ 1) - Ảnh 1.

18h tối ngày 7-2-1981 (tức mùng 3 Tết Tân Dậu), khi Thu và Nữ đang ngồi trong kho, người nghe điện thoại, người xem xét lại sổ sách thì bất ngờ 2 tên cướp ập vào, chĩa súng AK và AR15 vào 2 người phụ nữ không có khả năng phản kháng. Chúng doạ giết nếu không làm theo lệnh chúng.

Sau đó, Thu và Nữ bị đẩy xuống phòng bếp, ấn vào 1 xó tường. Cùng lúc này, các cán bộ Bảy, Xích, Mãi và Sinh đến kho cũng bị chúng khống chế bắt trói.

Với sự hung tợn đến đáng sợ, lại được trang bị vũ khí "hạng nặng", nhóm cướp nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát kho thuốc. Khi có nhân viên công ty tới lĩnh xăng, chúng thản nhiên nói rằng không có cán bộ trực ở đây, rằng họ đã đi chơi Tết hết rồi. Khi những công nhân viên này vừa khuất bóng, những đồng bọn còn lại của 2 tên cướp lần lượt xuất hiện.

23h cùng ngày, khi đến ca trực, anh Năng và anh Đức vừa tới kho cũng ngay lập tức bị nhóm cướp phục kích, bắt trói ngay tại chỗ. Tuy nhiên, không rõ vì lý do nào mà anh Đức được bọn chúng nhốt vào một phòng riêng, tách khỏi những người đồng nghiệp khác.

Xong việc khống chế, băng cướp bắt đầu trấn lột tài sản cá nhân của các cán bộ nhân viên tổng kho. Đây mới là màn khởi động, bởi số tài sản cá nhân này thực tế là rất nhỏ so với thứ "quý như vàng" mà chúng thực sự nhắm tới khi lên kế hoạch đột nhập Tổng kho dược phẩm Cửu Long này.

1h sáng ngày mùng 4 Tết, vụ cướp thực sự chính thức được khởi động.

Đầu tiên, những tên cướp đã lần mò được chính xác 1 loại dược phẩm có tên Bromv (1 loại siro ho chứa thành phần brom hoá gây buồn ngủ) để ép những cán bộ họ bắt trói uống, nhằm mục đích triển khai việc trộm dược phẩm thuận lợi hơn. Tình tiết này cho thấy chúng đã có chuẩn bị từ trước và lên kế hoạch tỉ mỉ cho phi vụ gây chấn động này.

Băng cướp họ Đoàn rúng động Cửu Long năm 1981: Xác chết dưới hồ (kỳ 1) - Ảnh 2.

Không còn bất cứ sự ngăn cản, chống cự nào, đủ loại thuốc quý được chúng chất đầy vào 8 bao tải. 8 bao tải thuốc được đưa ra ngoài, chất lên xe đạp rồi chở xuống bến đò, nơi có những chiếc ghe chờ sẵn.

Đến 4h sáng, việc cướp dược phẩm và tẩu tán ra khỏi tổng kho về cơ bản đã hoàn thành, tiếp đến là giai đoạn rút quân khỏi hiện trường. 

Đúng lúc này, một biến cố bất ngờ xảy đến. Tiếng xe hơi từ xa dần tới gần, khiến toán cướp thoáng chút bối rối, bởi đây là sự việc mà chúng không hề tính toán được từ trước.

Chiếc xe hơi tiến vào tổng kho, bên trong là đồng chí Bảy Hiệp - Chủ nhiệm Công ty dược phẩm Cửu Long tới để nhận xăng đi công tác. Tuy nhiên, những tên cướp xảo quyệt ngay lập tức ứng biến, đóng giả làm nhân viên kho, bơm đầy can xăng mà người tài xế của vị Chủ nhiệm kho không chút mảy may nghi ngờ. 

Chiếc xe hơi nổ máy rời đi, cũng là lúc hừng sáng. Băng cướp nhanh chóng hoàn thành nốt công việc vừa bị gián đoạn. Quá trình chuyển thuốc xuống bến đò, nhóm cướp mang súng vờ như những du kích đang đi tuần tra nhằm tránh sự nghi ngờ từ phía người dân. 

Cứ thế, khi bao tải thuốc cuối cùng được xếp lên ghe, băng cướp rời đi với số tài sản "khổng lồ" mà chúng vơ vét được, kết thúc 12h kinh hoàng tại Tổng kho dược phẩm Cửu Long (từ 18h ngày mùng 3 đến 5h ngày mùng 4 Tết).

Xác chết dưới đáy hồ

6h sáng ngaỳ 8-2, cơ quan chức năng nhận được thông tin về vụ cướp, nhận biết tính chất và mức độ nghiêm trọng của sự việc, công an Phường 9 và Công an TX Vĩnh Long điện báo vụ việc về Phòng Cảnh sát hình sự.

Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, Ty Công an, Ty Y tế và Công ty Dược phẩm Cửu Long đã có mặt phối hợp chỉ đạo công tác khám nghiệm và bảo vệ hiện trường.

Đây được xem như 1 hiện trường rộng lớn và vô cùng phức tạp mà họ chưa từng thấy từ trước đến nay. Nhóm tội phạm có cách thức hoạt động đầy mưu mô xảo quyệt. Thay vì đánh nhanh rút nhanh như tâm lý thường thấy thì chúng cố thủ tại nơi gây án đến tận 12 tiếng đồng hồ.

Băng cướp họ Đoàn rúng động Cửu Long năm 1981: Xác chết dưới hồ (kỳ 1) - Ảnh 3.

Trong suốt 12 tiếng này, chúng bình tĩnh thực hiện các bước trong kế hoạch khá chỉn chu và tỉ mỉ, thậm chí khi xảy ra các vấn đề phát sinh, chúng cũng thản nhiên ứng phó, không để bị nghi ngờ hay phát giác.

Kết quả điều tra bước đầu xác định, bọn cướp đã lấy đi một số lượng lớn thuốc tân dược, chủ yếu là thuốc nhập khẩu, 2 đồng hồ đeo tay của chị Lữ Lý Nữ và anh Lê Nam Sinh, 1 xe honda của anh Ngô Xuân Mãi, 3 xe đạp.

Các cán bộ nhân viên được giải cứu, tuy nhiên thiếu mất một người. Chính là anh Đức, người được nhốt tách biệt với các đồng nghiệp. Quá trình tìm kiếm được cơ quan chức năng khởi động, không lâu sau anh Đức được tìm thấy, nhưng lúc này, chỉ còn là một cái xác.

Thi thể của anh Đức nằm dưới đáy hồ, cách nhà bếp tổng kho chừng 3m trong tình trạng bị trói tay chân. Nguyên nhân cái chết ban đầu được nhận định là do ngạt nước, toàn thân tím tái. Nhiều khả năng khi bị ném xuống hồ, nạn nhân vẫn còn sống và phải trải qua những giây phút kinh hoàng trước khi trút hơi thở cuối cùng.

Đây cũng là dấu hỏi đầu tiên trong vụ án đặc biệt phức tạp đặt ra cho các điều tra viên, tại sao băng cướp này lại chỉ giết một mình anh Đức? Còn điều gì bí ẩn đằng sau vụ cướp gây chấn động này? Mời quý độc giả đón đọc kỳ tiếp theo trên aFamily.vn vào ngày mai.

"Băng cướp họ Đoàn" và vụ cướp tổng kho dược phẩm rúng động Cửu Long năm 1981: Xác chết dưới đáy hồ (kỳ 1) - Ảnh 4.

Chia sẻ