Ban giám hiệu đang dự giờ, cô giáo đố học sinh một câu, nghe bé gái trả lời xong liền ngượng chín cả mặt
Việc người lớn có hành động không phù hợp trước mặt trẻ có thể dẫn tới những hệ quả xấu.
Nhiều người thường bảo trẻ con thì không biết gì, vậy nên, họ nói năng, hành xử vô tư trước mặt con. Tuy nhiên, những đứa trẻ hấp thụ kiến thức từ môi trường xung quanh, cả tích cực lẫn tiêu cực. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể sao chép y chang lời nói, hành động đó vào hoạt động thường ngày của mình.
Như trường hợp mới đây, đoạn trao đổi ngắn giữa cô giáo và phụ huynh học sinh đã nhanh chóng lan truyền khắp các mạng xã hội, một lần nữa nhắc nhở bố mẹ cần chú ý nhiều hơn khi giao tiếp trong gia đình.
Cụ thể, trong đoạn tin nhắn, cô giáo thân mật chia sẻ với mẹ của một em học sinh tên Nhung: "Hôm nay lớp có dự giờ, em có giới thiệu các thầy cô dự giờ. Em có đố các bé: "Người thứ nhất là thầy Hiệu trưởng, người thứ 2 là thầy Hiệu phó, còn người thứ 3 có bạn nào biết không? Thì bé Nhung nói "Người thứ 3 là con đ* cướp chồng". Gia đình lưu ý giúp em".
Hẳn cô giáo đã được phen "ngượng chín mặt", khó xử thế nào khi học sinh của mình trả lời trong tiết dự giờ và có thầy Hiệu trưởng cùng ban giám hiệu. Nhiều người thấy hài hước, tuy nhiên đọng lại sau đó là những nỗi lo lắng. Có thể thấy em học sinh thực tế chỉ vô tư bắt chước lại những từ mà mẹ bé gọi ai đó.
Nhiều người cho rằng, dù động cơ là gì thì thật hồ đồ khi người lớn tiêm nhiễm vào đầu trẻ những từ ngữ thiếu văn hóa như vậy. Đây chính là cách dạy con một cách nhìn lệch lạc, phiến diện về cuộc đời và ảnh hưởng tiêu cực với quá trình hình thành nhân cách con trẻ.
Phần lớn bố mẹ hay nghĩ rằng, con cái dễ bị nhiễm các từ xấu ở môi trường lớp học hoặc bạn bè, nhưng thực sự, rất nhiều những từ ngữ tiêu cực là các con học từ chính cha mẹ mình. Gia đình là môi trường, trường học ban đầu rất quan trọng với trẻ nhỏ. Ông bà, bố mẹ, thậm chí là những người hàng xóm chính là những tấm gương gần gũi nhất để bé học tập và noi theo ngay từ khi con nhỏ. Thực tế, khi con trẻ vẫn còn nhỏ, càng chưa có khái niệm đúng sai thì chính những lời nói và hành động của cha mẹ luôn là chuẩn mực cho trẻ noi theo và hành xử y như vậy. Đứa trẻ sẽ “âm thầm” quan sát và theo dõi cách bố mẹ nói chuyện với mọi người và với con. Sau đó, các con sẽ bắt chước y nguyên thái độ, lời lẽ và thậm chí cả cách bạn thể hiện cảm xúc khi nói chuyện với ai đó.
Những việc làm, lời nói, cách đối xử của người lớn sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển của con. Chắc chắn, nếu ngay từ nhỏ, người lớn đã dạy con những cách nhìn tiêu cực hay có cái nhìn ác ý với người khác, khi lớn lên, con khó có sự bao dung, độ lượng, lúc nào cũng chỉ chăm chăm nhìn ra thói xấu của người khác.
Nhiều bậc cha mẹ bao biện rằng: “Con còn nhỏ, chưa biết gì”, nhưng trẻ con nhận biết được hết mọi điều. Bố mẹ đừng chủ quan coi nhẹ chuyện này để bé không có những lời nói, hành động hỗn láo với người lớn.
Hãy dạy con biết yêu thương người khác, dù người đó có như thế nào đi chăng nữa. Hãy cho con sống trong một môi trường tràn ngập tình cảm gia đình. Chắc chắn, lớn lên con sẽ trở thành một người tốt.