Bài chia sẻ về những cha mẹ bao bọc con quá đà, khiến con mình đánh mất luôn tự do và cả tương lai đang "gây bão" khắp mạng xã hội
"Những đứa trẻ Việt Nam mỗi ngày đến lớp mang trên vai không chỉ là cặp sách nặng oằn mà còn là những kỳ vọng của cha mẹ chất lên người. Kỳ vọng có con tài ba xuất chúng để hãnh diện với xóm làng, kỳ vọng con xuất sắc hơn người để khoe khoang với đồng nghiệp...".
Đối với mỗi bậc làm cha, làm mẹ, chẳng điều gì khiến họ hạnh phúc hơn khi chứng kiến từng ngày con lớn lên khỏe mạnh, trưởng thành. Dù những đứa con có lớn khôn bao nhiêu đi nữa, nhưng trong mắt cha mẹ, chúng vẫn mãi là đứa trẻ. Có lẽ bởi nhiều đấng sinh thành có suy nghĩ ấy, nên sinh ra tâm lý bao bọc con cái quá. Họ sợ rằng, dù chỉ vài phút giây sơ sảy thôi, con cái họ sẽ mắc sai lầm và bị những sóng gió của cuộc đời xô ngã.
Vậy nhưng, điều đó không hẳn sẽ khiến những đứa trẻ ấy tốt lên, mà vô hình trung nó sẽ khiến những đứa trẻ đánh mất đi sự tự do, đánh mất đi sự dũng cảm, dám dấn thân, "cháy" hết mình cho tuổi trẻ, cho những khao khát từ thuở thiếu thời.
Mới đây, trên trang blog của tác giả Phan Tường Duy, anh chia sẻ những ý kiến rất thật về những cha mẹ bao bọc con quá đà khiến con mình đánh mất luôn tự do và cả tương lai mình. Nguyên văn bài chia sẻ của anh Phan Tường Duy như sau:
MẸ ƠI HÃY YÊU CON LẦN NỮA!
1. Mình có một thằng bạn thân. Nó thông minh, lanh lợi, mặt mày sáng bừng, bài toán khó nào cũng giải được, ý thơ nào cũng phân tích đến mức độ cô giáo nghe xong còn kêu nó đứng giữa lớp giảng lại cho các bạn.
Nó luôn đứng nhất toàn khối suốt những năm phổ thông và từng đoạt giải ba Hóa toàn quốc. Trong mắt mọi người, nó là ánh sáng mặt trời chói lọi. Có điều, nó rất ít tham gia hoạt động phong trào dù rất thích, cũng ít khi đi ăn đi chơi với lớp. Nguyên nhân là do mẹ nó không muốn vậy!
Mẹ nó muốn nó chú tâm vào việc học. "Cứ học đi rồi đời mày sẽ huy hoàng, mấy cái khác đều là tào lao cả!". Đó là nguyên văn câu nói của mẹ nó. Một ngày của nó là một đường thẳng với ba điểm thẳng hàng: Nhà, trường, lớp học thêm.
Bẵng đi một thời gian dài không liên lạc, hôm Tết về nhà, mình và nó hẹn cà phê. Nhìn nó khỏe mạnh cường tráng lắm. Nó kể sau khi tuyển thẳng đại học vào ngành mẹ nó chọn, nhờ sống xa nhà nên thoát ly được phần nào.
Nó đã có những bước chuyển mình vĩ đại (theo như ý nó). Nó phấn khởi khoe mình cái áo nó tự chọn tự mua.
Nó cũng tự hào vì cuối cùng cũng được tự thân giặt đồ. Chỉ hai việc đó thôi mà đã khiến thằng bạn 20 tuổi đầu của mình sung sướng đến mất ngủ, cảm giác như vừa đạt được một cột mốc lừng lẫy trong đời vậy!
Nhưng cũng được bấy nhiêu thôi! Ngày nào mẹ nó cũng gọi n cuộc để kiểm tra xem hôm nay nó ăn gì, đi đâu, gặp ai, làm gì.
Đúng 8h30 tối là video call, nó mà không bắt máy là thế nào cũng có hàng chục tin nhắn mang tính chất truy hỏi dội tới tấp vào điện thoại. 10h30 tối mà không có mặt ở phòng là mẹ nó bắt xe lên ngay trong đêm.
Có lần nó đi với mình mà bật chế độ không làm phiền trên smartphone, tối về mở điện thoại ra thấy 15 cuộc gọi nhỡ từ "mẫu hậu" thì tái mặt, hai đầu gối nhũn ra trong một nốt nhạc. Bọn bạn chung phòng thấy tưởng bị ngộ độc thực phẩm, hè nhau vác đi trạm xá.
Rồi nó tìm được học bổng du học chuyên về nghiên cứu. Người ta yêu cầu thể lực, nó lao vào chống đẩy mục mặt, gập bụng, hít xà mỗi ngày. Thân thể tráng kiện, thể lực dẻo dai. Apply hồ sơ người ta ok.
Thế mà mẹ nó lại kịch liệt phản đối. "Mẹ tao bảo cứ học rồi ra làm công chức hay nhân viên văn phòng của tập đoàn A, mẹ có xin một chân cho tao rồi, ổn định như thế tốt hơn. Và bà không muốn tao đi xa! - nó bảo thế".
Bà lăn ra xỉu khi nó kiên quyết đòi đi du học, chục lần cấp cứu ở bệnh viện nên cuối cùng nó nhượng bộ, cúi đầu trước sức nặng tình thân.
Nhìn thằng bạn đang ngồi trước mặt, thấy thật tiếc cho một thân tài cán nhưng cuối cùng lại vùi chôn trong cuộc đời tầm thường, thanh xuân tàn úa, niên thiếu phôi pha. Trong cuộc đối đầu lựa chọn lý tưởng sống và tình thân, mẹ nó đã chiến thắng.
2. Có cô ca sĩ T rất xinh đẹp, tài năng. Cô đi trên chính đôi chân của mình, gặt hái được rất nhiều thành tựu, giải thưởng.
Thành công của cô đều được mọi người ngưỡng mộ và thừa nhận. Nhưng theo chia sẻ mới đây trên sóng truyền hình thì có một thời gian dài cô phải lẳng lặng đi trị bệnh trầm cảm, nguồn cơn đến từ mối quan hệ của hai mẹ con.
Mẹ cô từ nhỏ đã luôn muốn cô theo ngành bác sĩ nhưng cô lại nghe theo tiếng gọi của trái tim mình. Nhìn những đồng nghiệp đi show luôn có cha mẹ theo cổ vũ, cô lại thấy chạnh lòng. Mỗi lần đạt giải thưởng lớn cũng không biết chia sẻ cùng ai.
Có lần, cô nhấc máy gọi mẹ khoe giải thưởng vừa thắng được. Trái sự hồ hởi của con gái, mẹ cô đáp: "Có gì mà mừng? Cũng chả là ai trên đời cả, chả bằng ai trên đời cả, xướng ca vô loài".
Chắc có lẽ nhiều người sẽ nhìn thấy bản thân mình trong câu chuyện trên. Tình thương của đấng sinh thành cho con cái là vô hạn, công ơn của cha mẹ là vô bờ. Nhưng nếu yêu thương mà đem tất cả kỳ vọng đặt hết lên người con thì liệu có đúng?
Những giấc mơ chưa thành, những mong ước dở dang của tuổi trẻ, cha mẹ lại đem ký thác tất cả lên người con. Không cần biết nguyện vọng của con mình là gì, tâm tư tình cảm nó thế nào. Để rồi những đứa trẻ đó phải lớn lên trong sự bao bọc quá mức của cha mẹ mà không biết tí gì về xã hội ngoài kia, cũng không biết mình là ai trên thế giới này.
3. Những đứa trẻ Việt Nam mỗi ngày đến lớp mang trên vai không chỉ là cặp sách nặng oằn mà còn là những kỳ vọng của cha mẹ chất lên người.
Kỳ vọng con tài ba xuất chúng để hãnh diện với xóm làng, kỳ vọng con xuất sắc hơn người để khoe khoang với đồng nghiệp. Học, học đi. Và mỗi lần con cái trái ý, họ luôn nói 1 câu "TAO LÀM CÁI NÀY, LÀ VÌ AI?".
Cha mẹ trên thế gian ai mà không thương và muốn tốt cho con. Nhưng cái TỐT đó là theo góc nhìn của cha mẹ, chứ không phải của con. Sao lại bắt con chọn lựa giữa tình thân và lẽ sống, ước mơ. Và liệu trên đời này, con cái có mấy ai dám tạm gạt tình thân qua một bên để can đảm dấn bước theo tiếng gọi lý tưởng sống?
Mấy ai mang tiếng bất hiếu để sống đúng với cuộc đời mình, dẫu trong lòng yêu cha thương mẹ vô vàn? Có lẽ chúng ta đã không thể chứng kiến tài năng kiệt xuất của một nghệ sĩ dương cầm vì giờ anh ấy đang làm công chức bàn giấy theo ý mẹ.
Có lẽ chúng ta đã không có cơ hội rung động tột bậc trước giọng ca của cô ca sĩ nọ vì cô ấy đã lấy chồng, sinh con theo ý cha. Số phận muôn đường vạn nẻo, một đời dài như thế, dân tộc mình có lẽ đã bỏ lỡ quá nhiều tài hoa.
Cha mẹ chỉ nên là người chỉ dạy, không phải chỉ đạo. Những cuộc trò chuyện giữa hai thế hệ chỉ nên sử dụng lời khuyên chân thành ấm áp, không phải hạ quân lệnh nặng như núi như non. Theo từ điển, ÁP ĐẶT là từ dùng để chỉ hành động dùng sức ép buộc người khác chấp nhận một điều gì đó.
Mà đã là gượng ép thì đau đớn chứ hạnh phúc gì đâu? Ông bà áp đặt cha mẹ, cha mẹ áp đặt con trẻ, vòng tuần hoàn ấy cứ tiếp diễn mãi trong cái gọi là GIA ĐÌNH đây sao?
Những bậc làm cha làm mẹ kính mến, hãy cho con cái mình một thân thể khỏe mạnh và một trái tim biết yêu thương là quá đủ, những chuyện sau này của cuộc đời cứ để con tự viết nên. Đấng sinh thành hãy là điểm tựa để con tung cánh muôn phương, là tổ ấm bình yên để mọi giông bão dừng bước trước thềm nhà.
Cha mẹ hãy cho con vùng vẫy trong biển rộng, để con làm Phù Đổng Thiên Vương kiêu dũng, vươn vai trở thành đấng anh hùng hào kiệt, con đã không còn là cậu Gióng bé bỏng của mẹ ngày xưa. Hãy để con bắt đầu hành trình vạn dặm cùng non sông, để ánh dương huy hoàng đậu trên vai con vững chãi.
Thật ấm áp biết bao khi con chinh phục hết non này đến núi khác, ngoái đầu nhìn lại vẫn là mắt mẹ dõi theo cùng trăm nghìn tin yêu. Nơi phương xa, chúng con sẽ hiểu rằng nơi để đi về không phải nhà, nơi có gia đình mới là nhà. Và CHA MẸ đôi khi không phải là danh từ để chỉ ai cả, mà là một cách gọi khác của hai chữ TÌNH THÂN.
4. Thật ra ngày trước mẹ mình cũng áp đặt và quản lý mình chặt cực kỳ luôn. Hai mẹ con luôn căng thẳng với nhau.
Nhưng sau này đi qua nhiều nơi, gặp qua nhiều người, những trải nghiệm có được mình đều tự nguyện ghi chép lại và "trình báo" cho mẹ. Dần dà, mẹ bắt đầu hiểu và tin tưởng mình. Không còn mỗi ngày gọi kiểm tra xem mình đang ở đâu, làm gì hay truy hỏi hành tung của mình nữa.
Và mỗi khi mình đi xa rồi bất ngờ về nhà, việc đầu tiên sau khi cởi mũ bảo hiểm là phóng ngay vào nhà và ôm hun má mẹ một cái chụt. Mẹ còn làm gì được đâu ngoài mắng thằng quỷ này mày đi dữ quá ha. Lâu lâu, mẹ vẫn hay hỏi sao mày đi miết mà ít về nhà quá vậy. Mình chỉ biết gãi đầu cười cười.
Mẹ ơi mẹ thông cảm cho con, vì con trai mẹ ôm mộng tứ phương, sao có thể khom lưng bó gối một chỗ rồi dở dở ương ương một đời!
Thương mẹ lắm chứ, nên lúc đi mình toàn lẳng lặng đi xe ra bến, mẹ cũng quen nên hễ không thấy mình là hiểu ừ thì nó đi nữa rồi. Mình báo cáo chứ không xin phép nữa. Quay bước đi, sau lưng là mẩu giấy note dán lên cánh cửa tủ lạnh. Trên giấy đề dòng chữ ngắn gọn mà đầy kính yêu: "Thưa mẹ con đi!". Yêu!".
Bài chia sẻ về cách dạy con với nội dung chính muốn hướng đến là mong mỏi các bậc làm cha, làm mẹ đừng mang những giấc mơ chưa thành, dở dang của tuổi trẻ ký thác tất cả lên đứa con của mình ngay sau khi đăng tải đã thu hút hàng nghìn lượt like, share của cư dân mạng.
Rất nhiều phụ huynh đã gật gù tâm đắc trước câu chuyện tưởng như khách quan mà hết sức sâu sắc ấy. Dẫu biết, chẳng ai trên cuộc đời này thương con bằng cha mẹ, nhưng thương con sao cho đúng bởi những tình yêu thương mù quáng quá đôi khi dễ bị biến tướng thành quá bao bọc để rồi những người con vẫn mãi là đứa trẻ mang hình hài người lớn, lúc nào cũng có thể sai lầm và dễ dàng bị cuộc đời dụ dỗ.