Bác sĩ điều trị kể về những quyết định căng não trong hành trình 96 ngày đưa bệnh nhân 91 từ "cõi chết trở về"
"Nhiều thời điểm, chỉ cần ekip bác sĩ chậm một chút bệnh nhân đã ngưng tim bất kỳ lúc nào nên chúng tôi đều phải đưa ra nhiều quyết định căng não" - PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo (PGĐ Bệnh viện Chợ Rẫy...
Sáng 22/6, PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo đã đại diện BV Chợ Rẫy tổ chức cuộc họp báo về hành trình 96 ngày đưa bệnh nhân 91 từ cõi chết trở về.
Được biết phi công người Anh là ca điều trị dài ngày và có diễn tiến bệnh xấu nhất trong các trường hợp mắc Covid-19 tại Việt Nam. Nhớ lại những ngày tưởng chừng không còn hy vọng, bác sĩ Thảo chia sẻ, ekip BV Chợ Rẫy vẫn chưa khi nào bỏ cuộc, luôn sẵn sàng chiến đấu trong tâm thế "còn nước còn tát" để đưa một người ngoại quốc quay trở về cuộc sống.
Và cuối cùng, một kết quả tốt đẹp cũng đã mỉm cười!
PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo đánh giá BN 91 là một ca hồi phục kỳ diệu
Sẽ sớm được xuất viện và hỗ trợ trở về quê nhà
Theo đó, tính đến ngày 22/6, sức khỏe bệnh nhân 91 đã khả quan. Nam phi công đã tỉnh táo hoàn toàn, có thể tiếp xúc, giao tiếp bằng lời nói. Bệnh nhân có thể thực hiện các động tác tinh tế như nắm, viết, tự ăn, sử dụng điện thoại di động.
Về các hoạt động của cơ quan chức năng đều đã trở lại bình thường. Hoạt động cung cấp oxy giảm, ban ngày không cần thở oxy. Tình trạng phổi hồi phục tốt, không suy hô hấp, tự thở. Các cơ quan khác cũng đã hầu như đã hoạt động bình thường, đặc biệt là hệ miễn dịch.
Sức cơ chân hồi phục khá, có thể co bình thường. Bệnh nhân đang tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Tuy nhiên cần phải thêm thời gian mới có thể đi đứng bình thường.
Bệnh nhân đã tiến triển rất khả quan.
Trong giai đoạn tiếp theo, bệnh nhân 91 sẽ có đủ các điều kiện đánh giá để xuất viện. Trước mắt thì bệnh nhân vẫn sẽ tiếp tục được chuyển xuống các khoa để chăm sóc điều dưỡng và cải thiện thể lực.
Theo ý nguyện từ phía bệnh nhân, Bệnh viện Chợ Rẫy đã liên kết với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam sẽ biện pháp đưa bệnh nhân trở về quê nhà tại Scotland.
10 ngày tìm kiếm những loại thuốc chưa từng có ở Việt Nam
Nhớ lại những ngày đầu, PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo kể: Lúc bệnh nhân phi công nhập viện tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, hôm đó anh vẫn còn khỏe, tự đi vào viện và chỉ có biểu hiện sốt nhẹ.
Thế nhưng, chỉ vài ngày sau đó, bệnh nhân đã chuyển biến xấu cực kỳ nhanh. Bệnh nhân suy hô hấp nặng, chỉ số oxy hóa máu kém, có lúc phổi phổi đông đặc xuống còn 10% hoạt động. Tại thời điểm đó, bác sĩ buộc phải đưa ra các quyết định phải kịp thời, vì chỉ chậm một chút bệnh nhân có thể ngưng tim bất cứ lúc nào.
Hành trình 10 ngày đi tìm kiếm từng loại thuốc chưa từng có ở VN, bác sĩ Thảo tấm tắc nó có thể viết thành sách.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử ê-kíp gồm 4 bác sĩ có chuyên môn cao sang hỗ trợ kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (ECMO) cho BV Bệnh Nhiệt Đới. 43 ngày ấy, mỗi lúc nhận được tin nhắn thông báo từ BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, lại là những giờ căng não của toàn bộ cả ekip 2 bệnh viện.
"Nhiều thời điểm bệnh nhân xảy ra liên tiếp nhiều sự cố, diễn tiến xấu trong cùng lúc như thuốc không còn tác dụng, màng phổi vừa được phục hồi thì đã đông đặc, lúc này xét nghiệm âm tính virus lúc khác lại dương tính,… Điều đó khiến chúng tôi phải quyết định đúng để cứu sống bệnh nhân. Chúng tôi từng kinh qua nhiều bệnh, dù tuyệt vọng vẫn cố gắng hết sức để cứu sống bệnh nhân với tâm thế còn nước còn tát", bác sĩ Thảo kể.
Ngoài ECMO, kíp bác sĩ trẻ còn thực hiện nhiều kỹ thuật trong hồi sức như mở khí quản, lọc máu, kỹ thuật hồi sức huyết động, hô hấp… Đồng thời 1 ekip hỗ trợ thực hiện ghép phổi cứu sống cũng được thành lập.
"Kinh nghiệm ghép phổi ở VN không phải là nhiều, chỉ có vài ca trên đầu ngón tay. Thế nhưng, khi nghe chỉ đạo, chúng tôi đã lập tức thành lập một tổ kết hợp với bệnh viện Việt Đức để tham gia ghép phổi. Tất cả chỉ vỏn vẻn có vài ngày".
"Đây quả là ca quá đặc biệt trên thế giới" - PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo khẳng định.
Theo bác sĩ Thảo, ICU có nhiều bệnh nhân nặng, nhưng không có người nào nặng như phi công người Anh. Lúc đó, đặc biệt từ dư luận truyền thông đều hướng về tình trạng bệnh của bệnh nhân tại Việt Nam, các bác sĩ gặp không ít áp lực. Thế nhưng, mỗi người đều gạt sang một bên, chỉ tích cực làm công tác chuyên môn để đưa bệnh nhân quay trở về từ cõi chết.
Đặc biệt là trong quá trình bệnh nhân bị phản ứng thuốc, các bác sĩ phải liên tục thay đổi các liệu trình điều trị. 4-5 loại thuốc chưa từng được sử dụng tại Việt Nam lần nào, các bác sĩ phải đặt mua từ nước ngoài, thời gian chờ đợi kéo dài đến 10 ngày.
"Khoảng thời gian ấy, bác sĩ "như đi xiếc trên dây" khi phải vừa hồi phục sức khỏe, vừa đợi thuốc về tới Việt Nam.
Chúng tôi phải đọc tài liệu và cập nhật tình hình y tế trên thế giới liên tục. Trong đêm, chúng tôi quyết định sử dụng thuốc khác vì màng ECMO đông liên tục. Đây là ca đầu tiên sau 2 giờ khi thực hiện phương pháp ECMO, màng đông cứng, trong khi không phải kíp bình thường có thể thay màng lọc được. Trong 57 ngày, chúng tôi đã thay 7 màng ECMO.
Lúc ấy, những biến chứng sau ECMO dài cả một trang giấy A4, chúng tôi xác định bệnh nhân có thể sẽ không còn hoạt động chân, hay ảnh hưởng tới não… Thế nhưng, đến nay mọi thứ vẫn bình thường. Đây quả là ca quá đặc biệt trên thế giới".
"Khoảng thời gian ấy, bác sĩ "như đi xiếc trên dây" khi phải vừa hồi phục sức khỏe, vừa đợi thuốc về tới Việt Nam."
"Sự hồi phục của BN 91 là nỗ lực không ngừng của cả 2 chính phủ Anh và Việt Nam"
PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo chia sẻ, ngay từ đầu, Đại sự quán Anh tại Việt Nam đã liên tục quan tâm đến tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Nhiều cuộc họp giữa 2 bên diễn ra liên tục trong suốt quá trình điều trị. "Sự hồi phục của BN 91 là nỗ lực không ngừng của cả 2 Chính phủ Anh Quốc và Việt Nam" - bác sĩ Thảo nói.
Suốt quá trình cứu BN 91, bác sĩ vừa chữa trị, vừa học hỏi từ tài liệu nước ngoài, tất cả những kiến thức ấy sẽ giúp bác sĩ BV Chợ Rẫy có những nghiên cứu khoa học quan trọng trong thời gian sắp tới.
Ekip bác sĩ BV Chợ Rẫy vẫn tiếp tục điều dưỡng và tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân.
Theo nguyện vọng, BN sẽ sớm xuất viện và trở về quê nhà.
"Khi bệnh nhân bắt đầu nói, anh hỏi lại tất cả đồ đạc của mình trong balo. Anh sử dụng điện thoại liên lạc với bạn bè và được mọi người kể lại quá trình điều trị. Bạn bè bệnh nhân đã nói nếu ở nơi nào khác, anh ấy có thể đã chết" - bác sĩ Thảo chia sẻ.
Bác sĩ Trần Thanh Linh cũng cho biết: Những ngày đầu khi tỉnh dậy, rào cản ngôn ngữ khiến bệnh nhân có dấu hiệu khó chịu. Thế nhưng sau thời gian tiếp xúc, bệnh nhân đã bắt đầu hiểu, học tiếng Việt và còn thân mật với đội ngũ y bác sĩ.
Bác sĩ Trần Thanh Linh mỉm cười nhớ về câu "I Love You" BN 91 nói với mình.
"Có hôm tập vật lý trị liệu xong, lúc chia tay, bệnh nhân còn nói "I love you" khiến chúng tôi cảm thấy vô cùng xúc động" - bác sĩ Linh nhắc lại kỷ niệm vui.