Ba mùng ăn Tết ở chỗ làm - không khí đoàn viên đến trễ hơn một chút nhưng "trưởng thành" nhanh hơn một chút
Mặc dù đánh đổi không khí Tết đoàn viên, nhưng đón Tết tại nơi làm việc vẫn ý nghĩa và rộn ràng theo một cách khác.
Câu chuyện ăn Tết ở chỗ làm vốn chẳng lạ, thế nhưng ngoài những tâm sự nhớ nhà và khó khăn xa quê thì nhiều người trẻ bây giờ có nhiều phương thức đón Tết rất tích cực. Vẫn kết nối được với gia đình, vẫn chu toàn công việc, lại giữ bản thân ở một trạng thái vui vẻ, tự tạo một không khí Tết truyền thống đáng nhớ cho riêng mình.
Không khí Tết ở chỗ làm khác ở nhà ra sao?
Vắng đi không khí đoàn viên ở nhà nhưng đón Tết tại chỗ làm, không đìu hiu như mọi người vẫn nghĩ.
Chị Trà Mây - lễ tân của một khu nghỉ dưỡng 5 sao chia sẻ: "Lúc mình kể cho gia đình, bạn bè nghe là năm nay không về quê ăn Tết, ai cũng tưởng mình phải làm tất bật và không được hưởng không khí Tết. Nhưng mà nơi mình làm việc là khách sạn, cũng chào đón các khách xa nhà đến đây nghỉ dưỡng mùa Tết, nên khắp các khu vực sẽ được trang hoàng tràn ngập màu sắc Tết để cả khách và nhân viên cũng thấy thân thuộc và tận hưởng đầy đủ không khí mùa lễ hội hơn. Ngoài ra, các bữa ăn tại nơi làm việc cũng sẽ có thêm quầy mứt và bánh chưng bánh tét, dưa muối... Đêm giao thừa cũng sẽ đốt lửa trại tại bãi biển và countdown đủ đầy.
Dẫu vậy, không khí tại nhà lúc nào cũng sẽ ấm áp và đong đầy yêu thương từ con cháu và ông bà, thời gian có lẽ trôi chậm hơn. Ngược lại, với nơi làm việc, nhịp điệu sẽ theo kiểu rộn rã tất bật hơn bao giờ hết, chúng mình phải gọi là chạy xung quanh cả ngày để cung cấp dịch vụ kịp thời cho từng yêu cầu để khách cảm nhận được những ngày đầu năm suôn sẻ."
Tuy nhiên cũng tuỳ nơi làm việc, mà không khí Tết thay đổi ra sao. Anh Võ Hải cho biết: "Mình làm việc ở nước ngoài và bên đây không đón Tết Âm lịch, thế nên mình cố tận hưởng không khí Tết Dương lịch cùng mọi người, xem như bù lại. Vào Tết Âm lịch, công ty mình vẫn hoạt động bình thường, cùng ăn bữa trưa vui vẻ và chia sẻ về Tết Việt cùng nhau... Những ngày Tết đi làm cũng khá vui vì không khí ở nơi làm việc của mình vốn đã gần gũi, quan tâm nhau sẵn nên không bị cảm giác một mình."
"Ở nơi làm việc không khí Tết trôi qua thực sự rất nhanh chứ không như Tết ở nhà, vì mình bận rộn với nhiều hoạt động và công việc. Công tác chuẩn bị không khí Tết khá tất bật vì vừa cho đồng nghiệp vừa cho cả khách hàng." - Anh Hoàng Bùi, đang làm việc tại khu nghỉ dưỡng Phú Quốc.
Lên kế hoạch ăn Tết chỉn chu để vơi nỗi nhớ nhà
Những người trong cuộc chia sẻ, có một cái Tết vui hay buồn ở chỗ làm, phần lớn cũng là cách sắp xếp thời gian, công việc và hoạt động cá nhân của mình trong những ngày Tết.
"Năm nay, mình đã tặng cho bản thân 2 chuyến du lịch để Tết có thể đơn giản hơn một chút. Tận dụng mùa Black Friday vừa rồi mình tranh thủ sắm sửa vài món đồ Tết, còn lại mình sẽ chuyển tiền mua đồ Tết của mình sang mua cho mẹ một chiếc áo dài và sắm sửa đồ dùng trong nhà cho gia đình từ xa. Vì là ăn Tết ở công ty, nên 2/3 thời gian mình sẽ quây quần cùng đồng nghiệp và khách. Giống như các ngày khác mình vào ca lúc 8 giờ sáng, tuy nhiên các mùng trong Tết, mình sẽ dậy từ rất sớm khoảng 5 giờ để trang điểm thật đẹp, bật nhạc Tết cho có tinh thần, xúng xính đi làm." - Chị Trà Mây chia sẻ kế hoạch đón Tết của mình.
Chị Doris Le tiết lộ: "Mình chưa bao giờ đón Tết Nguyên đán ở nơi làm việc. Năm nay là lần đầu tiên, mình sẽ lên kế hoạch sắp xếp thời gian thật tối ưu để ngoài giờ làm ra thì có những buổi tụ tập, ăn uống cùng bạn bè, đồng nghiệp. Ngoài ra, mình sẽ mua một ít đồ trang trí Tết, vài món quần áo mới và một ít phong bì "lì xì" vui dành cho nhau để có một cái Tết riêng thật hay ho."
Anh Võ Hải chia sẻ kinh nghiệm của mình rằng có một kế hoạch chi tiết đến từng khung giờ sẽ làm không khí Tết xa nhà bớt lẻ loi hơn rất nhiều: "Trước Tết tầm nửa tháng mình đã ghi hết các đầu mục cần mua sắm, còn mua cải trắng, dưa hành về học muối để có bữa ăn truyền thống trong những ngày Tết. Cận Tết mình có niềm vui mỗi khi tan làm là dọn dẹp toàn bộ nhà cửa, trang trí, kho thịt...
Mình có cả một timeline cho từng mồng làm gì như video call cho gia đình, đọc sách, xem phim Tết... soạn cả trang phục mặc ngày hôm đó. Tham gia vào các cuộc hẹn của người Việt để có một buổi trò chuyện "Việt Nam" hơn, những chủ đề chung về Tết cũng làm mình rôm rả trong lòng. Đặc biệt mình lì xì cho mọi người nữa, vì mình rất thích phong tục này và chủ động thực hiện để cảm thấy một cái Tết Việt đúng nghĩa."
"Được" gì khi chấp nhận làm việc xuyên Tết?
Giá trị tình cảm gia đình thực sự vẫn luôn quý giá hơn bất cứ thứ gì, thế nên nhiều bậc cha mẹ phản đối khi con mình mải mê công việc ngay cả khi Tết đến - dịp lễ quan trọng nhất năm. Ở thời điểm hiện tại, cha mẹ đã nghĩ thoáng hơn nhiều về điều này, tôn trọng quyết định của con hơn, bớt quy chụp con cái đang coi trọng công việc, thông cảm rằng con sẽ đạt được nhiều thành tựu khác cho riêng mình.
"Năm đầu tiên mình thông báo không về nhà ăn Tết, mắt mẹ trống vắng hẳn. Tuy nhiên, qua kinh nghiệm năm 2021 ăn Tết tại chỗ làm, gia đình cũng quen hơn việc mình làm ở xa và sẽ vắng nhà nhiều cái Tết nữa. Đi làm ngày Tết thì sẽ tiết kiệm một khoản lớn mà cũng nâng cấp kỹ năng làm việc hơn bội lần, vì mùa Tết là mùa "peak season" của khách sạn, nên trải qua được giai đoạn này mỗi năm, là chúng mình sẽ thăng tiến, tạo ra một phiên bản mới của bản thân, không thể bỏ lỡ được.
Và sau Tết ai cũng trở lại làm việc, khách du lịch sẽ lắng lại. Thì đây là khoảng thời gian mà mình ôm một khoản lương to về nhà với mọi người tầm 14 ngày. Hơn nữa còn có điều kiện tự thưởng cho bản thân một chuyến du lịch nho nhỏ." - Chị Trà Mây.
Chị Doris tâm sự: "Khi thông báo Tết sẽ không về nhà đón Tết, ba mẹ mình có hơi buồn một tí, nhưng vẫn ủng hộ quyết định của con gái vì ba mẹ biết con gái sẽ vui khi có thời gian Tết vừa làm việc và tiếp xúc gặp gỡ khách hàng, vừa có thời gian kết nối cùng bạn bè đồng nghiệp.
Mình quyết định vẫn làm việc xuyên Tết vì mình thích không khí nhộn nhịp khi đi làm, thay vì ở nhà quây quần bên gia đình - việc mà trước đây là chuyện quen thuộc thời đi học thì ăn Tết xa nhà vừa cho mình trải nghiệm mới, vừa tập cho mình có thể "vững tâm" đi xa hơn, có nhiều kỉ niệm mới hơn và tạo kỉ niệm gắn kết với mọi người ở chỗ làm nhiều hơn."
"Vì tính chất công việc yêu cầu ở lại làm việc xuyên Tết, mình mất cơ hội đoàn tụ hiếm hoi với cả gia đình tuy nhiên qua đó cũng khiến mình thấm hơn về giá trị thực sự của gia đình là như thế nào." - Anh Hoàng Bùi, 24 tuổi.
Thực chất chuyện ăn Tết tại chỗ làm không phải là nỗi ám ảnh như nhiều người vẫn tưởng. Đối với một số người trong cuộc, họ khá hào hứng cho một mùa Tết với không khí hoàn toàn mới lạ, tận dụng cơ hội nhân đôi nhân ba thù lao, trau dồi học hỏi và có cách thu xếp khéo léo hơn để quan tâm, kết nối với gia đình.