Ba mẹ con nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Indonesia kể lại thời điểm khủng hoảng khi có kết quả dương tính, bị dân mạng kỳ thị và dọa giết mỗi ngày
Sau khi nhiễm Covid-19, ba mẹ con còn bị truy tìm và phát tán thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Hơn nữa, ngày nào họ cũng nhận được hàng tá tin nhắn chửi bới, thậm chí dọa giết, ảnh hưởng mạnh mẽ đến ý chí chiến đấu vượt qua bệnh tật.
"Vì cô mà lễ cưới của tôi phải hủy bỏ".
"Vì cô nên ngày tốt nghiệp mới bị dời lại".
"Vì cô mà tôi mất hết công việc".
Đó chỉ là một vài lời chỉ trích gay gắt mà Sita Tyasutami nhận được mỗi ngày. Thậm chí, cô từng bị dọa giết. Người phụ nữ 30 tuổi này chính là "bệnh nhân số 1" mắc Covid-19 của Indonesia.
Hiện giờ đã bình phục và xuất viện, nhưng Sita vẫn không làm sao thoát khỏi sự "khủng bố" của một số cư dân mạng. "Nhiều lúc các bình luận vẫn khiến tôi mệt mỏi" - cô nói.
Hai mẹ con bệnh nhân số 1 và số 2 của Indonesia
Từ trái qua: chị gái Ratri (bệnh nhân số 3), mẹ Maria (bệnh nhân số 2) và em gái Sita (bệnh nhân số 1 của Indonesia). Ảnh: Ratri Anindyajati
Sita là một vũ công kiêm người quản lý nghệ thuật biểu diễn, được xác nhận dương tính với virus corona hôm 2/3, sau vài ngày có triệu chứng.
Sáng 2/3, Tổng thống Joko Widodo công bố cả nước đã có 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Cùng lúc ở Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm Sulianti Saroso (thủ đô Jakarta), Sita và mẹ còn chưa biết về tình trạng của mình. Người báo tin chính là chị gái Ratri Tyasutami (33 tuổi) - một nghệ sĩ biểu diễn và nhà sản xuất âm nhạc.
Mẹ của hai chị em - bà Maria Darmaningsih (64 tuổi) - nhớ lại khoảnh khắc đó: "Con gái Ratri đã gọi cho tôi và có vẻ rất lo lắng. Tôi liền bật ti vi, thấy ông Widodo đang thông báo về hai ca bệnh Covid-19 đầu tiên. Tôi cảm thấy suy sụp". Giữa lúc đó, một y tá bước vào nhưng không thể xác nhận chính thức rằng bà Maria là bệnh nhân số 2, ngay sau con gái Sita.
Tổng thống Widodo không công bố danh tính các bệnh nhân số 1 và số 2. Tuy nhiên chỉ vài phút sau, các tin nhắn đã được truyền đi nhanh chóng trên WhatsApp, hé lộ tên viết tắt của hai mẹ con Maria - Sita. Kế tiếp, toàn bộ thông tin y tế và địa chỉ nhà cũng bị tiết lộ tràn lan.
Vài tiếng sau, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tổ chức họp báo, công bố về tình trạng và thông tin sức khỏe của các bệnh nhân. Đáng chú ý, thông tin từ giới chức đã trùng khớp với tin tức trên mạng xã hội trước đó, và thế là làn sóng giận dữ bắt đầu đổ xuống đầu hai mẹ con nhiễm Covid-19 đầu tiên.
Bà Maria và 3 người con của mình (Ảnh: Dissy Ekapramudita)
"Tôi hỏi y tá có còn bệnh nhân nào khác nằm ở khoa này hay không" - Sita kể lại. "Cô ấy nói không có. Vậy nên, chúng tôi chính là những người bệnh đầu tiên mà Tổng thống vừa nhắc tới".
Các y tá cho biết họ cũng không nắm được chi tiết về những gì đang diễn ra. Sau này, Sita và mẹ mới hiểu rằng, luật Indonesia quy định trong trường hợp bùng phát dịch, Tổng thống cần được báo tin trước cả bệnh nhân.
Sau khi phát hiện bản thân nhiễm virus corona, mẹ con Maria - Sita còn đón nhận nhiều tin tức cay đắng. Hàng loạt tin nhắn gửi thẳng vào di động, từ hỏi han đến chửi bới. Phóng viên cũng dồn về trước cửa nhà họ ở thành phố Depok - vùng ngoại ô của Jakarta. Trong khi đó, giới chức phun thuốc tẩy trùng xung quanh và cho xét nghiệm mọi thành viên trong gia đình.
Bệnh nhân số 3 - người chị gái
Ratri Tyasutami (33 tuổi) - chị gái của Sita - sau đó cũng có kết quả dương tính với virus corona. Cô sinh sống ở thủ đô Viên (Áo) nhưng đã về Indonesia từ tháng 2 do công việc và chuyện gia đình.
Giống như mẹ và em gái, Ratri có triệu chứng bệnh từ cuối tháng 2, bao gồm ngứa họng, sốt và đau nhức xương khớp. Tuy nhiên Ratri đã cảm thấy khỏe lại nhanh chóng, còn đưa người thân đến bệnh viện ở Depok ngày 27/2. Tại đây, em gái Sita được chẩn đoán viêm phế quản phổi, còn người mẹ tưởng là bị sốt phát ban. Cả hai đều được nhập viện, sau đó mới chuyển lên bệnh viện truyền nhiễm ở thủ đô và được phát hiện mắc Covid-19.
Ba mẹ con nhiễm Covid-19 đầu tiên của Indonesia cố giữ tâm lý lạc quan trong lúc điều trị (Ảnh: Ratri Anindyajati)
Về phần chị gái Ratri, cô nhận kết quả nhiễm bệnh vào ngày 5/3 và nằm cùng khoa điều trị với hai người thân của mình. Tin tức về bệnh nhân số 3 tiếp tục lan truyền.
Quá trình phục hồi giữa "bão" dư luận
Trong những ngày nằm viện, vũ công Sita được một người bạn thông báo rằng tiệc nhảy mà cô từng tham gia có một vị khách nhiễm Covid-19. Người này được làm xét nghiệm sau khi đến Malaysia.
Sita cho biết: "Triệu chứng của tôi tệ hơn mẹ và chị gái. Ban đầu, tôi chỉ ho khan. Nhưng sau khi được thông báo nhiễm bệnh và bị nhiều người chỉ trích, tôi stress nặng. Sức khỏe cũng xấu đi trong vài ngày đầu tiên".
Nhiều người đã tấn công vào các tài khoản mạng xã hội của Sita, gửi đi hình ảnh nhạy cảm và đổ lỗi cho cô vì "mang đến mầm bệnh cho đất nước". Cuối cùng, Sita phải thiết lập chế độ riêng tư để bảo vệ bản thân và gia đình.
"Tôi đã bị tăng huyết áp, lúc đó tôi còn có thể nghe rõ tim mình đập thình thịch - rất nhanh và mạnh. Tôi cũng bắt đầu nôn mửa... mọi chuyện thật kinh khủng" - Sita nhớ lại.
Dù bị tấn công trên mạng xã hội, nhưng tình cảm gia đình đã giúp Sita vực dậy và chiến thắng virus. Trong ảnh là 3 anh chị em Sita chụp với bố của họ (Ảnh: Dissy Ekapramudita)
Điều may mắn là cả 3 mẹ con đều không mắc bệnh lý nền, sức khỏe cũng tương đối tốt. Ngay cả Sita cũng dần cảm thấy khá hơn khi nhận được sự ủng hộ của bạn bè và người thân. "Chị Ratri, mẹ tôi, gia đình tôi và bạn bè - bao gồm những người nhiều năm chưa gặp lại - đã thường xuyên nhắn tin cổ vũ".
Đến hôm 13/3, hai chị em đã được xuất viện, họ vô cùng mừng rỡ nhưng cũng lo lắng vì "mẹ vẫn còn nằm lại một mình". May mắn là đến 3 ngày sau, bà Maria cũng bình phục và trở về nhà.
Hiện giờ khi Indonesia khuyến khích người dân cách ly xã hội, ba mẹ con nhà Sita vẫn lan truyền các thông tin tích cực trên tài khoản của mình. Ratri cho biết sự lạc quan của ba mẹ con đã giúp nhiều người bớt lo lắng hơn. Cô sẵn sàng trò chuyện, tư vấn và tháo gỡ nỗi lo cho bất kỳ ai nhiễm Covid-19 ở Indonesia, bởi vì "chúng ta đi chung một chiếc thuyền" - Ratri nói. Hơn ai hết, 3 mẹ con nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Indonesia hiểu rõ việc bị kỳ thị sẽ gây tổn thương đến mức nào.
(Theo CNA)