Áp thấp nhiệt đới gần biển Đông đã mạnh lên thành bão

PV,
Chia sẻ

Sáng sớm nay (18/7), áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông Philippines đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là Wipha.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 1h ngày 18/7, tâm bão WIPHA ở vào khoảng 16,4 độ Vĩ Bắc - 125,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines).

Áp thấp nhiệt đới gần biển đông đã mạnh lên thành bão- Ảnh 1.

Bản đồ dự báo quỹ đạo và cường độ bão Wipha phát lúc 2h00 ngày 18/7/2025. (Ảnh: thoitietvietnam)

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62 - 74 km/giờ), giật cấp 10. Bão đang di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20 km/h.

Trong 24 giờ tới, bão sẽ tiếp tục hướng Tây Bắc, tiến sát Bắc đảo Luzon (Philippines). Đến 1h ngày 19/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ vĩ Bắc - 121,7 độ kinh Đông, duy trì sức gió mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11.

Trong 48 - 72 giờ tiếp theo, bão Wipha nhiều khả năng đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 2 trong năm 2025.

Dự báo đến 1h ngày 20/7, bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 740 km về phía Đông Đông Nam, sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12. Vùng nguy hiểm trên biển được xác định từ vĩ tuyến 17,5 - 22,5 độ vĩ Bắc và từ kinh tuyến 115,5 - 120 độ kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai tại phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông được cảnh báo ở cấp 3.

Tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với vận tốc 20 - 25 km/h, đến rạng sáng 21/7, bão còn cách bán đảo Lôi Châu khoảng 220 km, mạnh lên cấp 11, giật cấp 14. Cấp độ rủi ro thiên tai tại phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông được cảnh báo ở cấp 3.

Áp thấp nhiệt đới gần biển đông đã mạnh lên thành bão- Ảnh 2.

Bản đồ dự báo quỹ đạo và cường độ bão Wipha phát lúc 02h00 ngày 18/7/2025

Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.

Do ảnh hưởng của bão,vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông từ chiều ngày 18/7 có gió mạnh lên cấp 6 - 7, giật cấp 9; sóng biển cao 2,5 - 3,5m, biển động mạnh.

Cơ quan khí tượng cảnh báo tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Chia sẻ