Biển Đông đón áp thấp nhiệt đới thứ hai
Sáng nay, vùng áp thấp trên khu vực đông bắc của đảo Luzon (Philippines) đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới và di chuyển vào Biển Đông. Nhận định cho thấy, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên và đổi hướng ngược ra vùng biển Đài Loan (Trung Quốc), ít ảnh hưởng đến nước ta.
Vào 7h sáng nay (4/7), tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39- 49km/h), giật cấp 8.
Do áp thấp nhiệt đới mới hình thành nên đường đi và diễn biến còn phức tạp, khó lường. Kịch bản có xác suất cao nhất hiện nay là bão sẽ di chuyển theo hướng tây tây bắc, sau đó đổi hướng đông đông bắc, đi lên vùng biển phía Đài Loan của Trung Quốc.
Với kịch bản này, trong 24 giờ tới (tính từ 7h sáng 4/7), áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và tiếp tục mạnh thêm.
Đến 7h sáng 5/7, tâm áp thấp nhiệt đới cách đặc khu Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 780km về phía đông bắc với cường độ mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.
Trong 24-48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới đổi hướng đông đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km và tiếp tục mạnh thêm.
Đến 7h sáng 6/7, tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía tây nam đảo Đài Loan (Trung Quốc) với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Dự báo về đường đi của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong hôm nay và ngày mai, vùng biển phía đông bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa dông và gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4m. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Do các cơn bão/áp thấp nhiệt đới hình thành từ Biển Đông hoặc sát Biển Đông thường có diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo mới nhất để có thông tin về áp thấp nhiệt đới.
Từ đầu mùa bão năm nay, Biển Đông ghi nhận 3 xoáy thuận nhiệt đới hoạt động gồm 1 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới. Cả 3 xoáy thuận này đều hình thành trên Biển Đông hoặc sát Biển Đông.
Trong đó bão số 1 hình thành từ khu vực giữa Biển Đông, có tên quốc tế là Wutip. Dù không đổ bộ trực tiếp đất liền nhưng gây ra mưa lũ kỷ lục trong tháng 6 ở miền Trung. Áp thấp nhiệt đới hình thành sau đó đi vào đất liền Trung Quốc nhưng tàn dư của nó kết hợp với hoạt động của rãnh áp thấp cũng gây mưa lớn cho miền Bắc.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo, trong những năm ENSO duy trì trạng thái trung tính như năm nay, khả năng hình thành các cơn bão ngay tại Biển Đông cao hơn hẳn so với trung bình nhiều năm. Những cơn bão thường tiềm ẩn tính dị thường, khó lường và tác động rất nhanh đến đất liền khiến thời gian ứng phó bị rút ngắn.