1. Áo mưa chứa chất gây hại não, ủng đi mưa gây bệnh ngoài da?
Hiện nay, rất nhiều người khi đi ra ngoài đường thường không mang theo
áo mưa. Chỉ đến khi mưa ập xuống mới tạt vào vỉa hè, vội vàng mua cho mình một tấm áo mưa che thân. Áo mưa vỉa hè thường được làm bằng những loại ni lông mỏng, có giá tiền từ 10.000 đến 20.000 đồng, tùy theo tình hình thời tiết, người bán hàng có thể hét giá cao hoặc thấp hơn. Đó dường như là tình cảnh thường thấy ở những người hay quên áo mưa mà gặp mưa bất chợt.
Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như gần đây trên mạng xã hội xuất hiện thông tin áo mưa 10 nghìn đồng có nguy cơ làm tổn thương đến não. Thông tin này khiến mọi người không khỏi hoang mang. Để thuyết phục người đọc, nhân vật đã chia sẻ bằng chứng khó chối cãi.
Áo mưa vỉa hè thường được làm bằng những loại ni lông mỏng, có giá tiền từ 10.000 đến 20.000 đồng. (Ảnh minh họa)
Thứ nhất, cơ quan giám sát của Liên minh EcoWaste, Philippines đã đưa ra, áo mưa làm từ chất liệu nhựa PVC có chứa nhiều
chất phụ gia độc hại khi thải ra môi trường còn tồn tại lâu hơn tuổi thọ của sản phẩm. Trong đó, hàm lượng chì có thể gây hại não và hệ thần kinh trung ương, đồng thời còn phá vỡ các chức năng thông thường của hệ nội tiết. Theo tổ chức này, chì có thể phá vỡ hoặc làm chậm quá trình phát triển trí não gây nên các vấn đề về sức khỏe, học tập, chỉ số IQ thấp hơn, khả năng tập trung ngắn hơn và khó kiểm soát hành vi, đồng thời đưa ra khuyến cáo, người tiêu dùng cần kiểm tra các sản phẩm mà con cái đang sử dụng và nhắc con vệ sinh tay kỹ sau khi chơi và trước khi ăn.
Thứ hai, theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới,
formaldehyde được sử dụng trong sản xuất nhựa, áo mưa, công đoạn hồ trong ngành dệt và điều chế các hoá chất công nghiệp. Chất này cực kỳ độc hại, dễ tan trong nước nên có thể ngấm vào da, dễ bay hơi trong không khí nên có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp khi hít phải.
Nhưng cũng giống như áo mưa 10 nghìn đồng, nhiều người lo sợ việc xỏ ủng có thể gây bí chân. Khi mở ủng mới ra cũng có mùi hắc, nhiều người khẳng định đó là chất độc có thể gây hại thần kinh, tổn thương tế bào não hay chứa kim loại như chì gây hại vùng da chân, ngấm vào người… Có thể nói, mùi nhựa hắc có tên formaldehyde tiếp xúc vào người đã trở thành nỗi khiếp sợ của rất nhiều người sử dụng.
Chưa hết, họ còn lo ngại rằng xỏ ủng có thể gây các
bệnh da liễu, nhất là viêm da chân. Nhựa từ ủng đi mưa được tráng formaldehyde có khả năng ngấm vào da chân, gây nên lở loét chân, ghẻ lở vùng chân, hắc lào chân… Xuất phát từ những suy nghĩ đó, nhiều người cho rằng, thà không xỏ ủng đi mưa còn hơn, tránh để tiền mất tật mang.
Chiếc ủng đi mưa giúp bạn tránh được nguy cơ bị nước mưa vào chân làm ướt giày dép. (Ảnh minh họa) Xóa bỏ những lo lắng không đáng có từ áo mưa, ủng đi mưa
Trước tình hình thông tin hỗn loạn như vậy, nhiều người dân hoang mang không biết liệu tấm áo mưa, đôi ủng mình xỏ đi mưa có thể gây hại cho bản thân không? Thực tế, đúng là những loại áo mưa, ủng không đảm bảo chất lượng, có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, ai cũng biết, áo mưa hay ủng vốn chỉ là những vật dụng đi bên ngoài, cũng chỉ đi vào một lúc chứ không đi mãi. Do đó, tác hại mà nó gây ra cho mọi người đều rất khó có cơ hội xảy ra.
Chắc hẳn bạn có thể mặc áo mưa 10 nghìn đồng 1 – 2 lần, vài lần nhưng đâu có thể mặc chúng mãi? Do đó, việc sử dụng áo mưa này một vài lần, trong một khoảng thời gian ngắn không thể gây ra những tác hại như đã nói ở trên. Việc hít thở phải mùi áo mưa hắc không thường xuyên, bản thân bạn cũng mặc quần áo trước khi khoác thêm áo mưa bên ngoài thì việc áo mưa chứa chì hay bất cứ chất nào ngấm qua da cũng là điều không thể. Chỉ có một đường duy nhất có thể là ngấm qua bàn tay – vùng da hở nhưng không ai mặc áo mưa cả ngày cả đêm nên càng không thể có lý do chính đáng để áo mưa 10 nghìn gây hại cho bạn.
Hơn nữa, thông tin mà chúng ta vẫn truyền tai nhau, thông tin bạn đọc lượm trên mạng vốn chỉ là từ nước ngoài, chưa được thẩm định tại Việt Nam, do đó mọi người cũng không nên quá lo lắng.
Thực tế, việc xông hơi formaldehyde nhằm chống mốc, chống hôi áo mưa, ủng đi mưa chứ không phải vì mục đích có lợi cho người bán hàng hay bất cứ lợi ích nào khác. Do đó, chuyện mở túi áo mưa thấy áo có mùi hắc hay khi bắt đầu xỏ ủng mới mua thấy mùi hắc thì cũng là những chuyện hết sức bình thường và tiếp xúc ngắn, không thường xuyên sẽ không gây tác hại gì cho người sử dụng.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hoá (Trường ĐH Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, tiếp xúc với formaldehyde trong thời gian dài có thể gây phồng rộp giác mạc, cay niêm mạc mắt, đỏ mắt, kích ứng mũi và họng, gây chảy nước mắt, nước mũi, hắt hơi và ho. Ở nồng độ cao, formaldehyde có thể gây cảm giác buồn nôn, khó thở, ngạt thở...
Nói riêng về ủng đi mưa, nếu bạn không xỏ ủng mà xỏ giày dép, hẳn là giày dép sẽ ướt hết. Hiện nay có rất nhiều loại ủng có kết cấu năng động, gọn nhẹ, có thể bao trọn giày dép của bạn và đi vô tư ngoài mưa mà khỏi lo ủng tiếp xúc với da chân. Nếu phải bỏ giày dép để xỏ cũng chỉ tiếp xúc trong khoảng thời gian rất ngắn.
Nếu bạn quyết xỏ giày dép để đi mà không xỏ ủng, ai dám chắc sau đó ổ vi khuẩn ở giày dép không phát sinh và gây bệnh ngoài da? Nếu bạn để chân trần đi mưa thì hãy thử nghĩ xem, nước mưa khi trút xuống đường liệu sạch sẽ hay là thứ nước ô nhiễm kinh hoàng với rác rưởi trên đường, nước cống trào lên?
Do đó, việc xỏ ủng ngày mưa vẫn là điều cần thiết. Để không gặp phải những tác hại không mong muốn, bạn cần chú ý những điều sau khi sử dụng áo mưa và ủng vào ngày mưa:
- Mua áo mưa, ủng đi mưa ở nơi sản xuất đảm bảo chất lượng. Không nên lạm dụng áo mưa 10 nghìn đồng hay ủng giá rẻ vì không đảm bảo có thể sử dụng lâu dài cũng như hiệu quả che chắn tốt nhất.
- Luôn luôn để áo mưa trong cốp xe hoặc chỗ nào mà bạn có thể luôn mang theo bên mình dù mưa hay nắng.
- Khi đi mưa xong, bạn cần phơi áo mưa, ủng. Tránh để ở khu vực ẩm nóng hoặc cất giữ tất cả ngay vào trong cốp xe. Điều này sẽ làm phát sinh một ổ vi khuẩn gây hại, sau này có giặt giũ xong cũng khó sạch hoàn toàn.
- Sau một đợt đi mưa, bạn nên giặt áo mưa và ủng bằng chất tẩy rửa và phơi nơi khô thoáng để đảm bảo chúng luôn sạch sẽ.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Chiếc áo mưa mặc một lần mỏng dính, mỗi lần mặc xong mọi người đều vứt đi nên nó cũng không gây nguy hại cho con người. "Một sản phẩm nào đó muốn gây hại cho con người thì phải vào cơ thể con người trước đã như vào bằng đường miệng, đường hô hấp hoặc thấm qua da. Nếu vào đường miệng thì không phải vì chẳng ai đi ăn áo mưa, vào đường mũi cũng không phải vì áo mưa không thể hóa hơi. Còn chui vào đường da thì có khả năng thấm ướt qua da nhưng không ai mặc lâu cả. Bản thân mọi người cũng đều mặc cách áo, cách quần. Vì thế cho nên không có vấn đề gì phải lo ngại. Cũng không vì thế mà gây hoang mang dư luận", ông Thịnh khẳng định. (Theo Kênh14) |