Ảnh hiếm ngày xuân ở Thanh triều: Phu kéo xe tất bật làm thêm cuối năm, phú hộ háo hức chờ một thứ bay lên trời hóa thành ánh sáng rực rỡ
Người lớn dắt theo trẻ nhỏ đi xem kịch ở miếu, là tập tục truyền thống trong dân gian thời nhà Thanh ở Trung Quốc.
Năm cũ đã qua, năm mới lại đến. Mỗi nơi trên thế giới có những tập tục đón chào năm mới khác nhau. Song cho dù ở nơi đâu, ngày xuân cũng đều mang ý nghĩa đoàn viên, hạnh phúc, vui vẻ và cầu chúc tài lộc, tiền vô như nước. Có bao giờ bạn tự hỏi ở thời đại xưa, người ta đón năm mới như thể nào không?
Hãy cùng xem cảnh người thời nhà Thanh làm gì khi đón năm mới.
1. Người lớn dẫn theo trẻ con đi dạo khắp con hẻm trong xóm để chúc mừng năm mới. Thời Thanh vào hơn 100 năm trước, nhiều người nghèo không thể mua quần áo mới, ăn mày và hòa thượng còn không có cả giày để mang.
Hình ảnh dưới đây là những người phụ nữ cùng con nhỏ đi chào hỏi trong ngày đầu xuân, quần áo xúng xính, sắc mặt vui vẻ, chứng tỏ gia cảnh ít nhất ở tầm trung lưu trở lên.
2. Năm mới cũng là cơ hội ngàn vàng để các tiểu thương, người buôn bán tranh thủ kiếm tiền. Ảnh dưới đây bắt trọn khoảnh khắc một người đàn ông gánh hàng rao bán khắp con đường trong ngày xuân. Không biết anh bán món gì, chỉ thấy đôi quang gánh chất đầy hàng, cũng có nhiều tiểu thương khác kế bên, người qua lại nhộn nhịp trong ngớt.
3. Đây là cảnh tượng đông đúc trước thềm năm mới trên một con đường lớn ở Thượng Hải. Thượng Hải là một trong những thành phố phát triển nhất Trung Quốc lúc bấy giờ và cho đến hiện tại.
Đường sá rộng rãi, phu kéo xe tất bật chạy tới chạy lui, người bán hàng nhỏ tranh thủ khoảng thời gian còn lại trong năm kiếm thêm chút thu nhập. Phú hộ ngồi trên xe, dân lao động làm việc không ngơi tay, khắc họa rõ nét sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội lúc bấy giờ.
4. Đốt dây pháo trong dịp lễ đã có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc, bắt nguồn từ nhà Đường. Tương truyền, để xua đuổi thú dữ quấy nhiễu, người dân đã đốt pháo để tiêu trừ hung hiểm, dần dần hình thành một tập tục truyền từ đời này sang đời khác.
Song xã hội Thanh triều khi xưa không phải ai cũng đủ điều kiện chơi pháo. Như trong bức hình dưới đây, chỉ thấy những anh chàng thanh niên ăn vận kiểu cách Tây hóa, vui vẻ đốt pháo. Những đứa trẻ con nhà bình thường xúm lại ham vui.
5. Năm mới mà không có pháo hoa thì mất đi vài phần không khí tưng bừng.
Người dân Thanh triều cũng đốt pháo hoa trong sân nhà, vừa có thể xua đuổi những điều không may, vừa giúp ngày xuân thêm đậm vị.
Ba người đàn ông trong bức hình dưới đây chắc chắn xuất thân trong gia đình khá giả, bằng chứng là họ ăn mặc rất chỉn chu, một người còn đội thêm chiếc nón kiểu Tây thời thượng.
Cả ba đang chờ pháo hoa đặt trên chiếc ghế đẩu trong sân vườn bùng nổ và bay lên trời cao, hóa thành những đốm sáng rực rỡ.
6. Ngày xuân, mọi người mặc quần áo đẹp, nam thắt bím tóc gọn gàng, nữ bới tóc cài thêm trâm, trẻ con đội mũ thêu hoa và gắn thêm chuỗi đồng tiền trừ tà trên đai lưng.
Bất kể quen biết hay xa lạ, hễ ra đường gặp nhau thì phải cúi đầu chào và cho nhau vài câu chúc may mắn. Đó chính là tập tục truyền thống trong dân gian thời nhà Thanh ở Trung Quốc.
7. Đây là hình ảnh trên một con đường lớn thời nhà Thanh trong năm mới. Khung cảnh đông đúc, người qua kẻ lại không ngớt, rất giống với hình ảnh đón xuân thời nay.
Lúc bấy giờ, người dân Thanh triều rất thích sự nhộn nhịp. Lễ hội ở miếu (gọi tắt là Miếu hội) đã trở thành một trong những hoạt động truyền thống của họ. Người lớn dắt theo trẻ nhỏ đi xem kịch ở miếu, vỗ tay hoan hô, càng đông càng vui.
8. Người trong bức ảnh dưới đây đang đi về hướng từ đường của nhà mình. Đây cũng là một văn hóa truyền thống quan trọng của người Trung Quốc nói riêng và nhiều quốc gia châu Á nói chung. Mỗi năm đến ngày tế tổ ở từ đường, người trong nhà dâng lên những thức quà để cầu mong tổ tiên phù hộ năm tới mưa thuận gió hòa, vạn sự an yên.