Ăn thịt nướng xong thấy tội lỗi: Dấu hiệu bạn đã sống quá lâu trong nỗi sợ thiếu tiền
Hơn 10 năm đi làm, ngoài 30 tuổi, vậy mà ăn một bữa thịt nướng vẫn phải bàn tới chuyện “quán nào rẻ hơn”?
“Đi làm từ năm 21 tuổi, giờ 34 rồi, lên được vị trí quản lý nhóm, thu nhập cũng không tệ. Vậy mà mỗi lần muốn ăn buffet thịt nướng với bạn, vẫn thấy bản thân loanh quanh với câu hỏi: quán kia có mắc không, bên này đang khuyến mãi, hay qua quán Y ăn cho rẻ. Mà có phải là không có tiền đâu, chỉ là... không dám tiêu thoải mái” - Một chị bạn trong ngành marketing kể, và nhiều người xung quanh gật đầu đồng cảm.
Chuyện nghe tưởng nhỏ, nhưng lại là lát cắt rõ rệt cho một thực tế: có rất nhiều người đã đi làm hơn 10 năm, ngoài 30 tuổi, đang ở giai đoạn gọi là ổn định nhưng mỗi lần chi tiền cho bản thân lại mang theo một nỗi lấn cấn khó tả.

Ảnh minh hoạ
Có thu nhập ổn nhưng vẫn tiếc tiền ăn ngon, vì sao?
Không ít người đi làm lâu năm vẫn thường xuyên đặt câu hỏi: “Bữa này có đáng để ăn không?”, “Quán này 500.000 đồng một suất có đáng không?”, “Sao không để dành tiền làm việc khác thiết thực hơn?” Đây không phải là kiểu tiết kiệm cực đoan mà là biểu hiện của một dạng tâm lý mơ hồ: không thoải mái với việc tiêu tiền cho chính mình. Người trong cuộc sẽ viện đủ lý do để trì hoãn việc “enjoy” một chút, từ “cuối tháng rồi” đến “tháng này đóng bảo hiểm”, hoặc “tiền đó để đầu tư thì hơn”.
Nhưng nếu nhìn kỹ, gốc rễ không nằm ở giá tiền của một bữa ăn, mà nằm ở cảm giác chưa bao giờ đủ đầy để thấy việc chi tiêu cho bản thân là chính đáng.
Làm lâu nhưng chưa chắc đã vững
Đằng sau cảm giác dè dặt khi ăn một bữa thịt nướng hay uống ly cà phê hơn 70.000 đồng là cả một hành trình bất ổn kéo dài. Nhiều người đã từng có giai đoạn thu nhập cao, nhưng rồi dịch bệnh, sa thải, đổi ngành, chi phí sinh hoạt tăng... khiến quỹ tài chính bị xáo trộn hoàn toàn.
Họ làm việc chăm chỉ suốt 10 năm, nhưng mỗi lần tài khoản tăng lên thì lại đi kèm với một khoản chi bắt buộc mới. Người thì xây nhà, người thì lo con nhỏ, người phải gánh bệnh cho ba mẹ. Kết quả là dù không nghèo, họ cũng chẳng đủ thoải mái để ngồi ăn một bữa ngon mà không nghĩ ngợi.

Ảnh minh hoạ
Tâm lý “tiêu cho mình là tội lỗi” và cách thoát ra
Có một thứ không được gọi tên nhưng rất phổ biến: cảm giác tội lỗi mỗi lần tiêu tiền. Không ai dạy bạn rằng việc tự thưởng là xấu, nhưng sau nhiều năm tiết kiệm, dè sẻn, so sánh và tự điều chỉnh, việc chi cho bản thân cũng trở thành cuộc vật lộn nội tâm. Nhiều người nghĩ rằng mình đang sống có trách nhiệm, biết lo xa. Nhưng thật ra, họ đang bị tài chính dẫn dắt thay vì chủ động điều khiển nó.
Một trong những cách vượt qua tâm lý này là thiết lập ngân sách rõ ràng cho từng nhóm chi tiêu, bao gồm cả phần dành riêng cho “niềm vui cá nhân”. Khi bạn xác định từ đầu rằng tháng này được phép dùng 2 triệu để ăn uống, café, mua đồ chơi công nghệ hay skincare, thì việc đi ăn buffet 500.000 đồng không còn là cuộc tranh luận kéo dài trong đầu nữa. Đó là tiêu trong giới hạn, không phải hoang phí.
Một bữa thịt nướng không định nghĩa sự ổn định, nhưng cho thấy cách bạn nhìn tiền
Câu chuyện không nằm ở cái giá của bữa ăn, mà nằm ở việc bạn đã xây dựng hệ thống tài chính cá nhân như thế nào. Có những người thu nhập không quá cao nhưng vẫn có thể thoải mái ăn uống, đi chơi vì họ kiểm soát được tiền bạc. Cũng có người lương 50 triệu mỗi tháng nhưng cuối tháng vẫn cảm thấy thiếu thốn, vì chi tiêu không kiểm soát hoặc không phân bổ hợp lý. Tài chính cá nhân không phải là cấm mình tiêu, mà là hiểu rõ giới hạn, nhu cầu, mục tiêu và có kế hoạch rõ ràng để vừa được sống, vừa được vững.
Bạn xứng đáng được ăn ngon, miễn là có kế hoạch
Không ai đi làm 10 năm chỉ để tiếp tục dè dặt với từng bữa ăn. Không ai ngoài 30 tuổi mà chưa từng mong một lần được tiêu tiền cho chính mình mà không phải băn khoăn. Nếu bạn vẫn đang lặp lại những lần so sánh giá cho một bữa thịt nướng thì hãy thử nhìn lại không phải mức lương của mình, mà là cách mình đang dùng tiền. Một hệ thống tài chính cá nhân lành mạnh sẽ không bắt bạn từ chối niềm vui nhỏ, mà giúp bạn tận hưởng nó đúng lúc, đúng cách, và không mang theo gánh nặng tội lỗi.