Ăn mặn, ít uống nước là đang ‘nuôi’ sỏi niệu
Lối sống, thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sỏi niệu. Trong đó, có thể kể đến thói quen ăn quá mặn nhưng ít uống nước ở nhiều người trong đời sống hiện nay.
Sỏi tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và niệu đạo) là bệnh lý phổ biến, chiếm gần 2/3 trong tổng số các bệnh lí về tiết niệu. Theo BS CK II Vũ Đình Kha (Trưởng Khoa tiết niệu, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn), đây là bệnh lý gây nhiều biến chứng nặng nề như thận ứ nước, nhiễm trùng, ứ mủ, bệnh dễ tái phát, thậm chí có thể gây tử vong.
Theo các BS, đường tiết niệu là 1 đường ống dài khoảng 25cm dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, càng xuống cuối niệu quản càng hẹp lại. Sỏi niệu quản là sỏi thường di chuyển từ thận xuống niệu quản, sỏi nằm trong lòng niệu quản và gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Do sự tắc nghẽn này mà thận bị ứ đọng nước tiểu và gây ra các biến chứng.
Theo ước tính, tại Việt Nam hiện nay có hơn 2,5 triệu người mắc bệnh sỏi niệu, tương đương 3% dân số và thường gặp ở độ tuổi từ 35- 55 tuổi. Lối sống, thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sỏi niệu. Trong đó, có thể kể đến thói quen ăn quá mặn nhưng ít uống nước ở nhiều người trong đời sống hiện nay.
Thói quen ăn quá mặn nhưng ít uống nước ở nhiều người sẽ dẫn đến sỏi đường tiết niệu.
“Ít uống nước không chỉ là nguyên nhân làm cho các chất độc hại không thể bài thải được ra khỏi cơ thể mà còn là nguyên nhân dẫn đến bệnh sỏi đường tiết niệu. Những người có chế độ ăn ít canxi hoặc uống quá ít nước mà lại có thói quen ăn mặn sẽ nằm trong những nhóm người có nguy cơ bị sỏi niệu cao”, BS Kha nhấn mạnh.
BS Kha cho biết, sỏi niệu quản là căn bệnh nguy hiểm nhất trong các bệnh về sỏi tiết niệu và cũng khó điều trị nhất. Đối với sỏi nhỏ, chưa gây ra biến chứng gì, có thể dùng các loại thuốc làm tan sỏi.
Trường hợp sỏi to, gây ra nhiều biến chứng, các BS khuyên nên áp dụng các biện pháp phẫu thuật xâm lấn.
Các phương pháp phổ biến là mổ hở lấy sỏi trực tiếp ra ngoài, hoặc tán sỏi bằng laser, phẫu thuật nội soi lấy sỏi sau phúc mạc, tán sỏi qua da ngoài cơ thể. Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng, tùy thuộc vào cơ địa, tình trạng bệnh và các bệnh lý kèm theo để có hướng giải quyết phù hợp.
Trong đó, tán sỏi ngoài cơ thể là phương pháp điều trị tiên tiến với nhiều ưu điểm vượt trội. Sáng ngày 23/3, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng vừa tiến hành khai trương, đưa vào sử dụng máy tán sỏi công nghệ mới nhất nhằm hỗ trợ các bệnh nhân bị sỏi đường tiết niệu.
Tán sỏi ngoài cơ thể là sử dụng sóng xung kích hội tụ vào viên sỏi để phá vỡ sỏi, bệnh nhân không hề bị bất kỳ một can thiệp nào khác vào cơ thể.
“Tán sỏi ngoài cơ thể là sử dụng sóng xung kích hội tụ vào viên sỏi để phá vỡ sỏi, bệnh nhân không hề bị bất kỳ một can thiệp nào khác vào cơ thể. Các mảnh sỏi vụn sẽ tự thoát ra qua niệu quản xuống bàng quang và theo đường tiểu tiện ra ngoài.
Phương pháp can thiệp này là một bước tiến lớn trong việc ứng dụng kỹ thuật cao để điều trị sỏi tiết niệu, giảm tối đa các chỉ định mổ thông thường, giảm số ngày nằm viện, đem lại hiệu quả kinh tế và sức khỏe”, BS Kha cho biết.