Ám ảnh cuộc gọi “Chị bán nhà không?” vì lộ thông tin cá nhân
Hàng loạt vụ quấy rối, lừa đảo cho thấy thông tin cá nhân đang bị xâm phạm nghiêm trọng.
Dơ chiếc điện thoại với danh sách dài những số bị chặn, chị Nguyễn Thị Ngọc – cư dân khu đô thị Vinhomes Central Park (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) – bức xúc: "Tôi đã chặn hàng trăm số điện thoại của sale, vì ngày nào họ cũng gọi hỏi căn hộ tôi đang ở có bán hay cho thuê không. Nhà tôi đang ở ổn định nhiều năm, chưa từng đăng thông tin rao vặt, nhưng ngày nào cũng bị làm phiền. Giải thích, năn nỉ, cầu xin, cãi lộn... họ vẫn tiếp tục gọi hết lần này qua lần khác, bất kể ngày đêm, trong giờ làm việc, đang lúc ăn cơm".
Chị Ngọc cho rằng, thông tin cá nhân, mã căn hộ cùng số điện thoại của mình đã bị các doanh nghiệp bất động sản khai thác trái phép. Tình trạng này cũng được nhiều cư dân khác xác nhận trên các diễn đàn cộng đồng.
"Có lần tôi bức xúc, to tiếng với người gọi điện, ngay lập tức họ mắng lại: "Ông làm cán bộ nhà nước ở cơ quan XXX mà dám mắng người dân à...", tôi điếng người, hoá ra họ không chỉ có số điện thoại, mà biết cả nhân thân, cơ quan nơi tôi làm việc", anh Quang, một cư dân khác chia sẻ.
Nếu như chị Ngọc hay anh Quang chỉ dừng ở mức phiền toái, thì ông Trần Văn Ba (quận 10, TP Hồ Chí Minh) lại thiệt hại hàng chục triệu đồng. Ông thường xuyên mua hàng qua kênh TV Home Shopping. Một ngày, ông nhận được cuộc gọi báo tin trúng thưởng món hàng mới mua, với đầy đủ mã đơn hàng, số tiền, thời gian khớp với thông tin thật. Tin là thật, ông chuyển tiền theo hướng dẫn. Chỉ khi đến tận trụ sở doanh nghiệp xác minh, ông mới biết mình bị lừa.
Trong nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến hiện nay như trúng thưởng, làm căn cước công dân, tuyển dụng online… nạn nhân đều bị tội phạm nắm rõ thông tin cá nhân từ trước.



Theo Doanh nghiệp xã hội Chống Lừa Đảo (chongluadao.vn), riêng năm 2024 đã ghi nhận hơn 10.000 vụ lộ lọt dữ liệu cá nhân tại Việt Nam, gây thiệt hại ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng từ các vụ lừa đảo trực tuyến.
Anh Nguyễn Hưng – đồng sáng lập Công ty Cổ phần giải pháp và Công nghệ Vietnix – cho biết, hiện có hàng ngàn trang web đang rao bán công khai thông tin cá nhân của người dùng Việt Nam, từ tên, địa chỉ, số điện thoại đến cả số dư tài khoản ngân hàng. "Chỉ cần vào Telegram, gõ từ khóa, sẽ có hàng loạt bot bán dữ liệu tự động. Chỉ với 1 USD, bạn có thể tìm thấy chính mình – đầy đủ và chi tiết – với giá rẻ như bó rau ngoài chợ", anh Hưng nói.
Trước thực trạng này, chiều 5/5/2025, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đã chính thức được trình. Dự thảo gồm 7 chương, 68 điều, kế thừa Nghị định 13/2023/NĐ-CP và bổ sung nhiều nội dung mới, trong đó đáng chú ý là đề xuất xử phạt từ 1% đến 5% doanh thu năm liền trước với tổ chức vi phạm.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, việc xây dựng Luật là cấp thiết trong bối cảnh dữ liệu cá nhân bị xâm phạm ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền riêng tư và an ninh quốc gia. Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội ủng hộ ban hành Luật, xem đây là bước thể chế hóa quyền con người, quyền công dân trong kỷ nguyên số. Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát tính khả thi của các quy định xử phạt và yêu cầu bảo mật kỹ thuật.
Giới chuyên gia, doanh nghiệp và người dân đặc biệt quan tâm đến tiến độ ban hành luật. Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu – nhà sáng lập Doanh nghiệp xã hội Chống Lừa Đảo – kỳ vọng, luật cần đặt ra khung pháp lý rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc xử lý dữ liệu, đồng thời học hỏi các thông lệ quốc tế và tăng cường chế tài đủ sức răn đe.
"Trong thời đại AI phát triển mạnh mẽ, dữ liệu cá nhân là tài sản quý giá. Bảo vệ dữ liệu không chỉ là quyền cá nhân, mà còn là yếu tố then chốt để đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển kinh tế bền vững", ông Hiếu nhấn mạnh.