Ai nuôi dạy con cái thông minh hơn? Bố hay mẹ? Câu trả lời thật bất ngờ nhưng càng ngẫm càng thấy đúng!

Thanh Hương,
Chia sẻ

Một nghiên cứu của Đại học Cambridge đã cho thấy điều này.

Ai là người chăm con nhiều nhất trong nhà bạn?

Trong những buổi tụ họp bạn bè, đề tài không thể thiếu của các bà mẹ chính là "tố" ông chồng của mình – những “ông chồng rảnh rang”:

Ban ngày đi làm, tối về chỉ nằm dài trên ghế sofa dán mắt vào điện thoại. Nhờ trông con một lát thì hoặc kêu "Anh không biết", hoặc viện cớ "Anh vào nhà vệ sinh".

Thế nhưng, bạn có biết không? Chính người mà chúng ta vẫn thường chê là “không đáng tin” ấy, lại có thể là người trông con hiệu quả nhất – giúp con phát triển trí tuệ và cảm xúc vượt trội.

1. Trẻ thông minh hơn khi có bố đồng hành

Trên đường từ trường học về nhà, một ông bố đang chơi trò "đoán phương hướng" cùng con: “Con yêu, bây giờ bố đang đứng bên trái hay bên phải con? Nếu xoay người một vòng thì sao?”. Đứa con líu lo trả lời, cả hai cha con cười vang vui vẻ.

Đứa trẻ còn nhỏ nhưng đã phân biệt được trái – phải, tư duy logic rất tốt, vì ngày nào cũng được bố cùng chơi những trò “hại não”.

Một vài trò chơi tiêu biểu mà các ông bố thường chơi với con:

Trò tung con lên cao: kích hoạt hệ tiền đình, giúp bé tăng khả năng giữ thăng bằng

Giả vờ đánh nhau: rèn khả năng phán đoán không gian

Xếp Lego: phát triển tư duy logic

Nghiên cứu của Đại học Cambridge cho thấy, trẻ được bố tích cực tham gia chăm sóc sẽ có kỹ năng ngôn ngữ, tư duy và nhận thức không gian tốt hơn hẳn.

Những đứa trẻ có bố đồng hành từ nhỏ cũng vượt trội trong giao tiếp, quản lý cảm xúc và khả năng chịu áp lực khi đến tuổi thiếu niên.

Ai nuôi dạy con cái thông minh hơn? Bố hay mẹ? Câu trả lời thật bất ngờ nhưng càng ngẫm càng thấy đúng! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

2. Sự "hoang dã" của bố giúp con phát triển tiềm năng

Bạn có để ý không? Các ông bố thường mang phong cách “bạo” khi chơi với con. Một bà mẹ kể, chồng chị ngày thường rất điềm đạm, nhưng cứ chơi với con là như biến thành người khác.

Cuối tuần nào cũng dẫn con chạy nhảy khắp khu, chơi trò "cảnh sát bắt cướp", con mồ hôi nhễ nhại mà vẫn vui tít mắt. Chị lo con bị ngã, chồng chỉ cười: “Không sao, để con vận động, rèn bản lĩnh”.

Những trò chơi như “tung con”, “đánh quái vật”, “đuổi bắt”... tuy khiến mẹ đứng tim, nhưng lại vô cùng có lợi cho trẻ.

Sự tương tác thể chất này giúp kích hoạt nhiều vùng trong não bộ, cải thiện khả năng phối hợp, phản xạ nhanh nhạy và định hướng không gian. Thêm nữa, khi trẻ vấp ngã, các ông bố thường bình tĩnh hơn, khuyến khích con tự đứng dậy thay vì lao tới ôm ấp như mẹ.

Cách giải quyết vấn đề của bố cũng lý trí và điềm tĩnh. Chẳng hạn, có một đứa trẻ làm hỏng đồ chơi, mẹ định mắng thì bố lại nhẹ nhàng hỏi: “Sao vậy con? Mình thử xem có sửa được không nhé”. 

Nhờ thế, trẻ học cách đối mặt với vấn đề thay vì khóc lóc hay chờ người lớn giải quyết hộ.

3. Bố đi đâu mất rồi?

Nói đến đây, hẳn nhiều mẹ thở dài: “Tôi hiểu cả, nhưng nhà tôi thì bố chẳng bao giờ chịu chăm con!”.

Như một bà mẹ nọ, ngày nào cũng tất bật chăm con, trong khi chồng về nhà chỉ biết nằm dài. Hỏi sao không trông con, anh ta đáp: “Chăm con là việc của phụ nữ, tôi lo kiếm tiền là đủ”.

Đây chính là tư tưởng truyền thống: chăm con là trách nhiệm của mẹ, bố chỉ cần kiếm tiền.

Một số bà mẹ lại quen làm hết mọi việc từ khi con chào đời. Bố muốn giúp thì bị chê: “Anh mặc đồ ngược cho con rồi kìa, để em làm cho nhanh”.

Lâu dần, bố cũng chán chẳng muốn động tay, vì có làm cũng bị chê.

"Không phải không muốn chăm con, mà là sợ bị mắng!" – một ông bố than thở. Kết quả là: mẹ ngày càng kiệt sức, bố ngày càng rảnh rỗi, con thì ngày càng xa cách bố.

4. Làm sao để bố thật sự nhập cuộc?

Làm sao để các ông bố thật sự tham gia chăm con? Có vài cách khá hiệu quả:

- Phân công cụ thể: Đừng chỉ nói “anh trông con giúp em”, mà hãy giao việc rõ ràng: “Tối nay anh tắm cho con, kể chuyện rồi ru con ngủ nhé”. Việc cụ thể giúp bố không có cớ thoái thác.

Thiết lập “thời gian của bố”: Mỗi thứ Bảy, tôi để chồng tự quyết định đưa con đi đâu, làm gì. Ban đầu anh hơi bối rối, sau thì hào hứng và thấy vui. Con cũng mong đến cuối tuần để được chơi với bố. Còn tôi có thời gian riêng để nghỉ ngơi, gặp bạn bè.

- Mẹ hãy học cách buông tay: Đừng soi mói khi bố trông con. Mặc đồ ngược, làm đổ cháo – cứ để bố tự học cách chăm con.

Một người bảo từng rất khó chịu vì chồng “vụng về”, nhưng khi chịu buông tay, cô nhận ra chồng có cách riêng để gắn kết với con – và lũ trẻ lại thích chơi với bố hơn!

Hãy nhớ: tình yêu của mẹ mang lại cảm giác an toàn, còn tình yêu của bố tạo ra ranh giới.  Bố không phải “người làm thời vụ” trong hành trình nuôi dạy con, mà là nhân vật không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của trẻ.

Vậy nên, các mẹ ơi, đừng “cân” cả thế giới một mình nữa. Hãy để bố bước vào thế giới của con, cùng chia sẻ niềm vui và trách nhiệm làm cha mẹ.

Tuổi thơ của con chỉ có một lần – và sự đồng hành của bố chính là món quà quý giá nhất.

Chia sẻ