Ái nữ "vua chăn nuôi" Trung Quốc: Từ cô tiểu thư mê thời trang, ghét nuôi lợn đến nữ hoàng của đế chế tỷ đô

THANH THANH,
Chia sẻ

Từ một cô gái yêu thích thời trang và từng cảm thấy xa lạ với nghề chăn nuôi, Liu Chang đã đảm nhận vai trò lãnh đạo New Hope Group và biến nó thành một trong những công ty nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc.

Trong giới kinh doanh Trung Quốc, cái tên Liu Chang không chỉ gắn liền với danh hiệu “người kế nghiệp” của Tập đoàn New Hope – đế chế chăn nuôi lớn nhất nước này – mà còn là biểu tượng của tài năng, sự chuyển mình mạnh mẽ ở phái đẹp. Từ một tiểu thư yêu thời trang thành một nữ CEO sắc sảo, hành trình của Liu Chang không chỉ là câu chuyện về sự kế thừa mà còn là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược, khả năng lãnh đạo xuất sắc và tinh thần đổi mới của một phụ nữ trẻ trong ngành công nghiệp tưởng chừng khô khan.

Ái nữ

Liu Chang và Liu Yonghao.

Cô tiểu thư chưa bao giờ nghĩ... sẽ đi nuôi lợn

Sinh năm 1980 tại Thành Đô, Tứ Xuyên, Liu Chang lớn lên trong một gia đình doanh nhân danh giá. Cha cô, Liu Yonghao, là nhà sáng lập Tập đoàn New Hope, người cùng ba anh em trai xây dựng nên đế chế nông nghiệp từ số vốn vỏn vẹn 500 USD vào năm 1982. Tuy nhiên, thay vì được định hướng sớm vào con đường kinh doanh, Liu Chang được cha mẹ khuyến khích khám phá bản thân. Đặc biệt là Liu Yonghao, dù bận rộn với việc phát triển New Hope, Liu Yonghao cũng không bao giờ ngừng nuôi dưỡng tài năng của con gái mình, Liu Chang.

Ví dụ, ông khuyến khích cô tiếp xúc với hoạt động kinh doanh của công ty từ nhỏ và dần dần xây dựng hứng thú với ngành công nghiệp nông nghiệp. Kể từ khi Liu Chang 16 tuổi, ông đã lên kế hoạch cho con gái mình tiếp quản công việc, và vào năm 1996, ông đã đưa cô sang Mỹ để học tập, nhằm phát triển tầm nhìn quốc tế của cô.

Năm 2002, 22 tuổi, Liu Chang đã lấy được bằng MBA và trở về nước sau khi du học, gia nhập New Hope dưới tên giả "Li Tianmei", bắt đầu từ vị trí chánh văn phòng và làm việc ở cấp hành chính, thậm chí tổng giám đốc lúc đó cũng không biết đến thân phận thực sự của Liu Chang.

Ái nữ

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Liu Chang chia sẻ rằng thời gian ở Mỹ là giai đoạn cô “lắng nghe tiếng nói nội tâm” và “khám phá bản thân”.

Dù vậy, vào thời điểm đó, Liu Chang vẫn chưa có ý định kế nhiệm cha, chỉ cần nghĩ đến việc phải đi nuôi lợn, cô đã cảm thấy không phù hợp chút nào. Lúc bấy giờ, là người luôn yêu thích cái đẹp, chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đi nuôi lợn và ước mơ của cô là làm trong ngành thời trang. Trong khoảng thời gian đó, cô đã thử nghiệm với nhiều mảng khác nhau với khát khao chứng tỏ bản thân.

Liu Chang mượn cha mình 100.000RMB (khoảng 350 triệu đồng), cùng một nhóm bạn bè bán trang sức tại các gian hàng, và khi may mắn, cũng kiếm được khá nhiều tiền. Nhưng những hoạt động nhỏ nhặt của cô không thể nào so sánh được với những thương vụ tiền tỷ mà cha cô thực hiện.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Liu Chang chia sẻ rằng thời gian ở Mỹ là giai đoạn cô “lắng nghe tiếng nói nội tâm” và “khám phá bản thân”. Tuy nhiên, cô không chọn con đường thời trang như vẫn ước mơ trước giờ, mà trở về Bắc Kinh, theo học và tốt nghiệp Đại học Ngoại giao Trung Quốc, đồng thời lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại Đại học Bắc Kinh. Những năm tháng này không chỉ trang bị cho cô kiến thức chuyên sâu mà còn rèn luyện tư duy toàn cầu, một lợi thế quan trọng trong bước đường sự nghiệp sắp tới của cô.

Ái nữ

Liu Chang không chọn theo đuổi lĩnh vực thời trang mà quyết định trở về Bắc Kinh

"Nữ hoàng chăn nuôi"

Thế nhưng sau khi về nước, mỗi khi thấy bạn bè của cha đến nhà chơi và nói chuyện về xu hướng ngành, phát triển doanh nghiệp... Liu Chang nhận ra rằng có lẽ dù cố gắng thế nào đi nữa, cô cũng không thể đạt được vị thế của cha mình. Từ đó, cô bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ về việc kế nhiệm và với danh tính "Li Tianmei". Con đường trở thành người thừa kế của Liu Chang bắt đầu như thế.

Năm 2011, cha cô đưa Liu Chang ra mắt truyền thông. Một số phương tiện truyền thông đã gọi những ngày tháng trước đó của Liu Chang là "thập kỷ bị giam cầm", thế nhưng Liu Chang đáp lại: "Cha mẹ không mong muốn để những suy nghĩ ngây thơ và khuyết điểm của tôi quá sớm bị phơi bày và phóng đại. Tôi nghĩ rằng cha mẹ tôi rất sáng suốt, điều này cũng là để bảo vệ tôi".

Tháng 5 năm 2013, Liu Chang chính thức nhận chức vụ quản lý Tập đoàn New Hope.

Tuy nhiên, việc cô tiếp quản không hề suôn sẻ, ban đầu có rất nhiều ý kiến ngờ vực. Để con gái một lần nữa có thể tự đứng vững, Liu Yonghao đã ra tay. Ông mời Chen Chunhua làm CEO liên danh, tạo ra mô hình kế nhiệm "đưa lên ngựa rồi lại tiễn đưa một đoạn", đảm bảo sự chuyển giao mượt mà và ổn định của Tập đoàn New Hope.

Ái nữ

Trên mỗi bước đi của Liu Chang luôn có người cha bên cạnh.

Dưới sự hướng dẫn của Chen Chunhua, Liu Chang đã bắt đầu những cải cách mạnh mẽ của mình, từ tái cấu trúc nội bộ đến phát triển thị trường.

Khi mới tiếp quản, áp lực mà Liu Chang phải đối mặt rất lớn, mái tóc của cô đã bạc đi rất nhiều, thường xuyên lo lắng không ngủ được đến tận rạng sáng, thậm chí có lúc cô cảm thấy cần phải tìm đến bác sĩ tâm lý.

"Cứ ngồi vào văn phòng, tôi phải ký hàng trăm, ngàn tờ đơn, đơn lớn nhất có khi lên đến hàng chục triệu thậm chí hàng tỷ, không biết có nên ký hay không, áp lực cực kỳ lớn".

Cô luôn lo lắng về những việc hôm qua chưa làm tốt, những lời chưa nói đúng. Tuy nhiên, dưới sự hướng dẫn của Chen Chunhua và năng lực của Liu Chang, New Hope dần đi vào quỹ đạo.

Ái nữ

Liu Chang hiện tại đã không còn bị gắn mác "nữ chủ tịch xinh đẹp" hay "con gái của vua thức ăn gia súc Liu Yonghao", mà đã trở thành người lãnh đạo thực sự của công ty nông nghiệp niêm yết lớn nhất trong nước.

Theo báo cáo tài chính của New Hope, trong kế hoạch ba năm từ 2012 đến 2015, doanh thu từ thức ăn gia súc của New Hope dù không tăng trưởng mạnh nhưng lợi nhuận ròng và hiệu quả sản xuất đã được cải thiện.

Không dừng lại đó, dưới những nỗ lực cải cách của Liu Chang, New Hope từ một tập đoàn chuyên về thức ăn gia súc đã dần chuyển đổi thành một tập đoàn công nghiệp với chuỗi sản xuất đầy đủ từ chăn nuôi, chế biến thịt, đến bán lẻ cuối cùng.

Ngoài ra, việc mở rộng ra thị trường nước ngoài cũng là điều mà Liu Chang luôn kiên định theo đuổi. Năm 2019, New Hope bắt đầu mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, đến năm 2023 đã có được doanh thu ở nước ngoài là 20,079 tỷ RMB (khoảng 72 nghìn tỷ đồng), tăng gấp đôi so với 5 năm trước đó.

Cùng năm, Tập đoàn New Hope đã bước vào hàng ngũ Fortune 500. Kế hoạch doanh thu hàng nghìn tỷ mà Liu Yonghao trong thời gian làm chủ tịch chưa thực hiện được, cũng đã được con gái ông thực hiện thành công trong thời gian cô nắm quyền.

Ái nữ

Từ một cô gái với mơ ước làm trong ngành thời trang giờ đây LiU Chang lại muốn mọi người gọi mình là "người nuôi lợn".

Giờ đây, khi nhiều người hỏi cô, người yêu cái đẹp như cô sao lại đi nuôi lợn? Liu Chang trả lời, việc biến một việc không mấy đẹp đẽ trở nên có ý nghĩa và tạo ra vẻ đẹp, chính là điều có giá trị.

"Tôi muốn khai thác vẻ đẹp trong những việc tưởng chừng không mấy hấp dẫn như chăn nuôi, thức ăn gia súc, nông nghiệp", Liu Chang nói về kỳ vọng của mình đối với ngành nông nghiệp New Hope.

Gia tộc kinh doanh đình đám

Ít ai biết rằng, trước khi trở thành tỷ phú, ông Liu Yonghao từng là một giáo viên với mức lương khiêm tốn. Cuộc cách mạng kinh tế Trung Quốc đã mở ra cơ hội cho ông và ba người anh trai.

Từ số vốn ít ỏi, họ đã xây dựng Tập đoàn Hope vào năm 1982, trở thành tập đoàn thức ăn chăn nuôi lớn nhất Trung Quốc, trở thành biểu tượng của tinh thần khởi nghiệp trong thời kỳ cải cách kinh tế.

Năm 1995, sau khi thảo luận, bốn anh em đã chia Tập đoàn New Hope thành bốn phần, các lĩnh vực kinh doanh chính cũng được phân chia dựa trên lĩnh vực mà từng người giỏi nhất, bao gồm ngành công nghiệp điện tử, bất động sản và ngành công nghiệp thức ăn gia súc ban đầu.

Anh cả Liu Yongyan chuyên nghiên cứu công nghệ, biến Tập đoàn Hope của đại lục thành người dẫn đầu trong ngành công nghiệp biến tần của Trung Quốc; Liu Yongmei, người anh thứ ba, chủ yếu kinh doanh nông nghiệp và thực phẩm; Liu Yongxing và Liu Yonghao, người anh thứ hai và thứ tư, tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp nông nghiệp như thức ăn gia súc, với Liu Yongxing dẫn dắt Tập đoàn Đông Phương New Hope trở thành gã khổng lồ trong ngành, và Liu Yonghao dẫn dắt New Hope chiến đấu vì vị trí hàng đầu trong ngành thức ăn gia súc.

Năm 2001, với tài sản 83 tỷ RMB (khoảng 150 nghìn tỷ đồng thời điểm đó), anh em Liu Yongxing và Liu Yonghao trở thành những người giàu nhất Trung Quốc.

Chia sẻ