Ai Cập sau hơn 1 năm thực hiện “sống chung với đại dịch Covid-19”

Ngọc Thạch,
Chia sẻ

Trên cơ sở đánh giá về mức độ và sự lây lan của đại dịch Covid-19 cũng như những tác động tới nền kinh tế, chính phủ Ai Cập đã thực hiện chính sách “sống chung với đại dịch” từ tháng 6/2020 tới nay.

Theo đó, Ai Cập vừa thực hiện các biện pháp phòng dịch chặt chẽ vừa khôi phục kinh tế trong đó gần như mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh, du lịch, dịch vụ. Với mục tiêu kép này, Ai Cập mong muốn giảm thiểu tối đa số ca mắc và tử vong do Covid-19, đồng thời duy trì ổn định cuộc sống của người dân cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, chính sách này cũng phải đối mặt với nhiều thách thức nhất là vấn đề kiểm soát dịch và số ca tử vong.

Ai Cập sau hơn 1 năm thực hiện “sống chung với đại dịch Covid-19” - Ảnh 1.

Ai Cập đợt dịch covid-19 thứ tư có thể bùng phát vào tháng 9 hoặc tháng 10

Kế hoạch “sống chung với đại dịch” của Ai Cập được chia thành 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn một thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch để tránh bất kỳ sự lây lan nào. Theo đó, tất cả mọi người dân phải đeo khẩu trang khi ra ngoài, các cơ sở, trường học, bến tàu xe, sân bay, trung tâm vui chơi giải trí, các cửa hàng phải đặt phương tiện khử trùng trước lối vào và thực hiện đo thân nhiệt. Hạn chế các hoạt động đông người, tiếp tục duy trì giãn cách xã hội hoặc duy trì khoảng cách giãn cách 2m.

Giai đoạn này, chính phủ khuyến khích các hoạt động mua bán thanh toán điện tử, sử dụng các dịch vụ giao hàng và mua hàng điện tử. Các nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim và rạp hát hoạt động ở mức 25% công suất và nâng dần mức hoạt động, khi dịch được kiểm soát có thể nâng lên 50% và 75% công suất. Các câu lạc bộ thể thao, bãi biển công cộng và những nơi tụ tập đông người bị đóng cửa và chỉ được nới lỏng khi dịch được khống chế.

Ai Cập sau hơn 1 năm thực hiện “sống chung với đại dịch Covid-19” - Ảnh 2.

Ai Cập kiểm tra chặt chẽ thân nhiệt tại các khu mua sắm và vui chơi công cộng

Giai đoạn hai và giai đoạn ba là giảm thiểu các biện pháp phòng dịch, nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa trở lại nhiều hoạt động, nhất là hàng không, du lịch và các hoạt động dịch vụ cũng như chuyển sang giai đoạn sống bình thường được thực hiện cùng với việc giám sát định kỳ theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trong toàn bộ hệ thống y tế Ai Cập.

Các điểm quan trọng nhất của ba giai đoạn trong kế hoạch là đo thân nhiệt. Theo đó tất cả mọi người trước khi vào cơ sở, trung tâm, bến tàu xe, nhà hàng bắt buộc phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt và khử trùng tay. Duy trì mật độ trung bình bên trong các cơ sở và cửa hàng.

Ai Cập sau hơn 1 năm thực hiện “sống chung với đại dịch Covid-19” - Ảnh 3.

Khu du lịch Abu Simbel vẫn thu hút nhiều khách quốc tế

Cùng với việc thực hiện kế hoạch sống chung với đại dịch và để giảm tải cho các bệnh viện, Ai Cập thực hiện cách ly tại nhà với các ca mắc Covid-19 (F0) và chỉ được đưa tới bệnh viện trong trường hợp bệnh tăng nặng hoặc nguy kịch. Trong thời gian cách ly tại nhà, người bệnh được điều trị và theo dõi giống như cách hồi phục cúm, bằng cách dùng thuốc hạ sốt và chườm nước trên cổ, khuỷu tay và đùi để làm mát mạch máu. Các ca mắc có thể dùng các loại thuốc bao gồm paracetamol, uống khoảng 6-8 cốc nước ấm mỗi ngày có thể kèm theo lá bạc hà, thìa là, dâm bụt và tránh xa hoàn toàn không khí lạnh, bên cạnh việc duy trì các bữa ăn lành mạnh với trái cây và rau quả.

Để không truyền bệnh cho người khác trong nhà, người bệnh được ở trong một phòng được khử trùng cùng với tất cả các đồ vật được vô trùng, những người tiếp xúc với bệnh nhân phải đeo khẩu trang. Người bệnh thường xuyên đo nhiệt độ để theo dõi các triệu chứng. Trong trường hợp sốt cao kéo dài, người bệnh phải đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu. Với chính sách này, Ai Cập đã giảm tải đáng kể cho các bệnh viện và số ca mắc được bình phục cũng rất cao.

Ai Cập sau hơn 1 năm thực hiện “sống chung với đại dịch Covid-19” - Ảnh 4.

Các khu du lịch ở Ai Cập mở cửa cho khách thăm quan

Khi bắt đầu triển khai kế hoạch “sống chung với dịch”, mỗi ngày Ai Cập có hơn 1.000 ca mắc Covid-19 cùng hàng chục ca tử vong. Nhưng sau hơn một năm thực hiện kế hoạch này tới này số ca mắc và tử vong đã giảm mạnh.

Ngày 23/7, Ai Cập chỉ ghi nhận 41 ca mắc Covid-19 và 7 trường hợp tử vong. Tổng số ca đã khỏi bệnh kể từ khi dịch bùng phát tới nay ở Ai Cập là hơn 227.000 người. Tuy nhiên số ca mắc mới và tử vong trong một năm qua cũng khá cao.

Tính đến ngày 5/7/2020 Ai Cập ghi nhận tổng cộng 75.253 ca mắc Covid-19, trong đó có 3.343 trường hợp tử vong, nhưng tới ngày 23/7/2021 tổng số ca mắc Covid-19 tăng lên 283.947 ca và tổng số trường hợp tử vong do Covid-19 là 16.477 người.

Ai Cập sau hơn 1 năm thực hiện “sống chung với đại dịch Covid-19” - Ảnh 5.

Đền thờ Honus trong quần thể di tích ở Luxor Ai Cập vẫn đông khách thăm quan

Do đại dịch, ngành du lịch của Ai Cập đã mất tới 7,7 tỷ USD trong năm 2020. Nhưng ngành này đang dần hồi phục với chính sách nới lỏng giãn cách và mở cửa du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ai Cập đón 3,5 triệu lượt khách với doanh thu khoảng 4 tỷ USD. Đây được coi là một con số ấn tượng khi xét đến những tác động tiêu cực mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với ngành du lịch nước này.

IMF đánh giá Ai Cập là một trong số ít các quốc gia mới nổi có tốc độ tăng trưởng tích cực vào năm 2020. Nhờ các chính sách phản ứng nhanh chóng và thận trọng của chính phủ cùng với sự hỗ trợ của IMF, nền kinh tế Ai Cập đã cho thấy khả năng phục hồi khi đối mặt với đại dịch. Dự báo, nền kinh tế Ai Cập dần phục hồi, với mức tăng trưởng khoảng 2,8% cho năm tài chính 2020/21./.

Chia sẻ