8 thứ tránh bảo quản trong tủ lạnh vì mất dinh dưỡng, dễ sinh độc
Đây đều là những thực phẩm vô cùng quen thuộc mà chị em rất thích cất giữ trong tủ lạnh.
Làm lạnh là điều cần thiết để trì hoãn sự phát triển của vi khuẩn trong thực phẩm, đồng thời tránh giảm chất lượng cũng như nguy cơ mắc bệnh. Thế nhưng không phải tất cả các loại thực phẩm đều nên lưu trữ trong tủ lạnh. Với nhiều món ăn, điều này làm giảm đáng kể chất lượng, hương vị màu sắc, thậm chí gây bệnh cho cả gia đình bạn.
TS Preet Pal Thakur (Giám đốc tại Glamyo Health) mới đây chia sẻ danh sách 8 thực phẩm tránh bảo quản trong tủ lạnh như nhiều gia đình hiện nay vẫn làm.
1. Cà chua
Khi bảo quản trong tủ lạnh, cà chua nhanh chóng bị mất hương vị ban đầu. Theo Health, để cà chua vào tủ lạnh đồng nghĩa với việc khí lạnh ngăn cản chín tiếp. Ngoài việc khiến thực phẩm bị khô, mất nước..., ăn phải cà chua chưa đủ chín có thể khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm.
2. Khoai tây
Khoai tây là một trong những loại thực phẩm đa năng nhất. Nó có thể sử dụng được trong hầu hết mọi bữa ăn mà không cần cất giữ trong tủ lạnh.
Nếu bạn cất khoai tây vào tủ lạnh, chúng sẽ giảm hương vị và kết cấu ban đầu. Theo Health, trong thành phần của khoai tây có lượng tinh bột lớn. Khi ở nhiệt độ thấp, chúng chuyển hoá thành đường. Ăn thực phẩm nhiều đường vô hình chung lại âm thầm gây hại sức khoẻ của bạn. Nhất là khi bạn nướng hoặc chiên ở nhiệt độ 120 độ trở lên, đường trong khoai tây sẽ sản sinh acrylamide - chất gây ung thư, cực kỳ hại sức khoẻ.
Trong khi đó, nếu được giữ trong một khu vực tối, mát bên ngoài tủ lạnh, khoai tây có thể được bảo quản trong vài tuần. Do đó đừng dại bảo quản khoai tây trong tủ lạnh nhé!
3. Bánh mì
Theo Huffingtonpost, nếu muốn bánh mì tươi lâu, cho vào túi nilon và bỏ tủ lạnh là cách tệ nhất bạn có thể làm. Khi cho vào tủ lạnh, bánh mì bị làm khô cứng, hương vị cũng nhạt nhẽo hơn.
Do đó, tốt nhất chỉ mua bánh mì đủ cho lượng ăn trong ngày. Nếu muốn để trong vài ngày, bạn có thể thay bằng bánh mì ổ. Đừng quên chỉ cắt bánh khi bạn muốn ăn và úp đầu bánh bị cắt xuống đĩa.
4. Chuối
Chuối được bảo quản trong tủ lạnh sẽ không thể tiếp tục chín đều. Để chuối chín đúng cách, cần có nhiệt độ ấm hơn, dao động 15-20 độ C.
Nếu bạn mua nhiều chuối, tốt nhất nên mua khi còn hơi xanh và để ngoài cho chín dần. Nếu chuối chín đều và không dùng đến, lúc này bạn mới nên cất tủ lạnh để kéo dài thời gian sử dụng.
5. Hành tây
Khi đặt trong tủ lạnh, hành tây rất dễ bị ẩm ướt, nhanh nhão và mốc. Chưa kể nhiệt độ lạnh làm giảm hương vị của hành tây và thay đổi kết cấu của chúng.
Theo Health, khi ở nhiệt độ trong tủ lạnh, tinh bột bên trong hành tây nhanh chóng chuyển hoá thành đường. Điều này làm nó trở nên mềm ướt. Thậm chí bạn ăn phải hành tây bị hỏng rồi mà không hay biết. Mùi của hành tây cũng rất mạnh, khiến các thực phẩm khác trong tủ lạnh dễ bị nhiễm mùi.
Vì vậy, hành tây nên được lưu trữ ở một nơi khô ráo trong nhà bếp thay vì tủ lạnh.
6. Cà phê
Cà phê sẽ mất hương vị đích thực nếu được bảo quản trong tủ lạnh. Ngoài ra, mùi hương của bột cà phê sẽ được hấp thụ bởi các thực phẩm khác được giữ trong tủ lạnh. Điều này khiến món đồ uống của bạn mất đi vị ngon đáng tiếc đồng thời ảnh hưởng chất lượng của những món khác.
7. Thảo mộc tươi
Các loại thảo mộc tươi như rau mùi, húng quế, cỏ xạ hương... sẽ bị giảm hương thơm, trở nên khô hơn khi cất trong tủ lạnh. Để duy trì độ tươi của chúng, hãy giữ chúng trong chậu nước để trên mặt bàn ở nhiệt độ phòng.
8. Mật ong
Mật ong được lưu trữ trong tủ lạnh sẽ làm giảm đáng kể hương vị đặc trưng vốn có, đồng thời gây biến chất. Theo Health, mật ong dễ bị kết tinh (lắng đường), nổi bọt khi bảo quản ở nhiệt độ dưới 18 độ C. Điều này vô hình chung làm mật ong bị mất đi những dưỡng chất tốt một cách đáng tiếc.