6 loại trứng đã không bổ béo còn “phá hủy” nội tạng, mê mấy cũng phải nhịn
Không chỉ dạ dày, nhiều cơ quan nội tạng khác cũng có thể “gặp nguy” nếu bạn ăn phải 6 loại trứng dưới đây.
Trứng là thực phẩm quen thuộc, giàu dinh dưỡng và có giá rẻ, nhiều cách chế biến. Tuy nhiên, không phải bất cứ loại trứng nào hay cách chế biến trứng nào cũng sẽ tốt cho cơ thể và có lợi với sức khỏe. Bên cạnh việc ăn quá nhiều trứng, chuyên gia dinh dưỡng Wang Bin (Bắc Kinh, Trung Quốc) nhắc nhở, có 6 loại trứng dễ gây hại cho nội tạng mà chúng ta nên ăn càng ít càng tốt, tránh xa được là tốt nhất. Đó là:
1. Trứng ấp dở (trứng ung)
Nhiều người tin rằng trứng ấp dở có lợi cho sinh lý, nhưng theo bác sĩ Wang, đó là quan điểm sai lầm và phản khoa học. Trứng bị gián đoạn quá trình phát triển sẽ xảy ra biến đổi sinh học, dễ hư hỏng, nhiễm khuẩn và thậm chí sinh độc tố. Lúc này, lớp vỏ không còn bảo vệ được nữa, vi khuẩn từ môi trường ngoài dễ xâm nhập vào bên trong. Ăn loại trứng này có thể gây ngộ độc, đầy bụng, tiêu chảy, và về lâu dài làm hại dạ dày, gan, thận.

2. Trứng sống hoặc chưa chín hẳn
Trứng sống hoặc trứng lòng đào luôn được nhiều người ưa chuộng vì tin rằng “giữ trọn dinh dưỡng”. Thực tế, bác sĩ Wang Bin cho biết cơ thể chỉ hấp thu khoảng 81% dưỡng chất từ trứng chưa chín, trong khi trứng luộc kỹ cho phép hấp thu đến 98%.
Quan trọng hơn, trứng sống dễ mang vi khuẩn salmonella và virus cúm gia cầm - hai tác nhân gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa hoặc ngộ độc. Nếu không thể bỏ hẳn, ít nhất nên hạn chế tối đa, chọn trứng sạch, rõ nguồn gốc và đảm bảo vệ sinh khi chế biến.
3. Trứng có vỏ nứt
Trứng bị nứt không nên dùng vì nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) từng cảnh báo: vỏ trứng có thể chứa vi khuẩn Salmonella – loại gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Khi vỏ trứng bị nứt, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào lòng trứng, gây hại cho sức khỏe người ăn. Bác sĩ Wang Bin khuyên nên loại bỏ những quả trứng có vỏ nứt, tránh tích trữ hoặc sử dụng tiếp.

4. Trứng có đốm đen, nâu
Trứng có nhiều đốm nâu hoặc đen có thể là dấu hiệu cho thấy gia cầm bị thiếu vitamin hoặc methionin. Ngoài ra, đây cũng có thể là biểu hiện trứng đã để quá lâu, bị biến chất. Những đốm này cho thấy cấu trúc trứng không còn đảm bảo chất lượng ban đầu. Bác sĩ Wang cảnh báo không nên ăn loại trứng này thường xuyên vì có thể gây hại cho gan, thận và đường ruột.
5. Trứng nấu chín để qua đêm
Trứng chín rất dễ nhiễm khuẩn nếu để lâu, kể cả trong tủ lạnh. Đặc biệt, vi khuẩn E.coli và Salmonella có thể sinh sôi mạnh nếu trứng không được bảo quản đúng cách hoặc chưa chín kỹ. Bác sĩ Wang Bin cho biết trứng giàu protein, nếu để lâu sẽ biến chất, sinh độc tố. Ăn vào có thể gây đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, thậm chí ảnh hưởng đến gan, thận và tuyến tụy. Tốt nhất nên dùng trứng trong vòng 2 giờ sau khi nấu, hoặc chỉ 1 giờ nếu nhiệt độ trên 32 độ C. Ngay cả bảo quản lạnh cũng không nên để trứng qua đêm.
6. Trứng rửa rồi cho vào tủ lạnh

Rửa trứng trước khi bảo quản tưởng là sạch sẽ, nhưng thực tế lại làm mất lớp màng bảo vệ tự nhiên trên vỏ trứng - lớp ngăn vi khuẩn thâm nhập. Khi đưa vào tủ lạnh sau khi rửa, trứng dễ nhiễm khuẩn, thậm chí gây nhiễm chéo cho các thực phẩm khác, nhất là nếu còn ướt. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tốt nhất không nên rửa trứng nếu định bảo quản lạnh. Nếu vỏ bẩn, hãy lau nhẹ bằng khăn khô rồi bọc kín, không dùng nước. Màng bọc thực phẩm hoặc hộp kín là lựa chọn an toàn hơn nhiều.
Nguồn và ảnh: Zhihu, Eating Well